Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Chiếm dụng sân chơi chung, người lớn bỏ quên con trẻ

Hải Bằng: Chủ nhật 18/08/2024, 13:57 (GMT+7)

Hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội có khoảng hơn 1.000 khu tập thể cũ, tương ứng với đó là số sân chơi công cộng dành cho các hộ gia đình.

Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều sân chơi đã bị chiếm dụng làm địa điểm kinh doanh, họp chợ, kinh doanh trông xe hay bị biến thành quán nhậu, khiến nhiều người dân không còn không gian sinh hoạt, trẻ em chẳng có chỗ vui chơi và bị đẩy ra khỏi chính khu vực đúng ra là phải dành riêng cho họ. 

17 giờ, tại sân chơi của khu tập thể B1 Trần Huy Liệu (Ba Đình, Hà Nội) nhiều học sinh đang chờ bố mẹ đến đón về nhà. Thế nhưng, cả đám trẻ cũng chỉ dám ném nép ngồi 1 chỗ bởi sân chơi chung này đã dành cho hàng quán bày bàn ghế cho khách ngồi ăn uống. Chẳng có nơi vui chơi, chạy nhảy thì sợ va vào người lớn đang ngồi nhậu khiến cả đám trẻ như bị lạc lõng giữa chính không gian của chúng. Nguyễn Đức Thành, học sinh của trường tiểu học tại quận Ba Đình cho biết:

“Em sử dụng khu vui chơi này, nếu mà vướng chỗ người ta buôn bán người ta sẽ đuổi đi, còn nếu sát quá chỗ người ta đang làm em sợ là nếu có vấn đề gì sẽ phải đền. Người ta sẽ lấn chiếm hẳn luôn, chiếm hết không gian, người ta không dùng để tập thể dục mà người ta dùng không đúng mục đích. Lúc mà mình vào chơi người ta sẽ đuổi mình đi. Bọn em vào đây chơi đúng lúc có nhiều người đang buôn bán, vào thì bị đuổi đi.”

Hàng quán xen giữa các máy tập trong sân sinh hoạt chung của khu tập thể Trần Huy Liệu

Hàng quán xen giữa các máy tập trong sân sinh hoạt chung của khu tập thể Trần Huy Liệu

Cách đó không xa, sân sinh hoạt chung của khu tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) cũng không thoát khỏi bị lấn chiếm. Theo bà Nguyễn Thị Thu người dân sinh sống tại khu tập thể này cho biết, vì sân chơi nằm cạnh chợ cóc nên buổi sáng và chiều tối vô cùng tấp nập, hàng hóa bày bán la liệt, quán ăn mọc lên ở từng góc sân, từ lâu đây đã không còn là không gian cho các cháu nhỏ: 

“Nói chung là những chỗ khu vui chơi công cộng, người ta đi chợ vẫn để hết cả những đồ lấn hết cả sân, rất nhiều đồ đạc của người bán hàng ở chợ lợi dụng sân, chiếm hết diện tích chơi của trẻ em. Trẻ em có nhu cầu vui chơi rất cao, mà bây giờ sân chơi không có là một thiệt thòi rất lớn cho các cháu.

Khu vui chơi sẽ giúp các cháu vận động, phát triển thể lực. Rất nhiều trẻ em không có chỗ chơi, có hôm 5-6 đứa học sinh lớp 1-2 đi thành đoàn, thậm chí là đèo em bé mới 2 tuổi ở đằng sau. Vui chơi ở ngoài đường rất dễ bị tai nạn, đề nghị cấp trên phải để ý vấn đề này cho các cháu.”

Họp chợ ngay tại sân chơi của khu tập thể

Họp chợ ngay tại sân chơi của khu tập thể

Ngoài trở thành nơi bàn hàng, sân sinh hoạt chung của khu tập thể Thành Công còn trở thành bãi trông giữ xe ngày đêm. Những hàng xe dài, san sát nối đuôi nhau không một khoảng trống, bịt kín lối đi vào các trang thiết bị tập thể dục ngoài trời.

Ông Phạm Văn Tài - người dân sinh sống tại khu tập thể cho biết, bãi xe đã có từ rất lâu, người ta còn lập cả chòi ở góc sân để trông xe với chi phí từ 200.000 đồng tới 300.000 đồng/ tháng tùy thuộc vào từng loại xe:

“Nói chung là cũng cần những khoảng không nhất định cho các cháu có chỗ vui chơi ở trong sân sau giờ học vất vả cũng được, cũng tốt. Nhưng mà bây giờ những nhà cao tầng này, gia đình nào cũng phải 2-3 cái xe, dắt từ đây lên tầng 4-5 rất phức tạp. Ai cũng muốn sân rộng để cho các cháu sinh hoạt, nhưng bây giờ như thế, biết làm thế nào!”

Thiết bị tập thể dụng được đầu tư những chẳng thể sử dụng

Thiết bị tập thể dụng được đầu tư những chẳng thể sử dụng

Còn theo ông Nguyễn Chung Trường, người dân sinh sống tại khu tập thể Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), sân chơi chung được các cá nhân sử dụng với mục đích riêng là điều không tránh khỏi.

Ông Trường cho biết, để đảm bảo không gian vui chơi cho các cháu nhỏ và người dân, cơ quan chức năng cần thắt chặt quản lý, mỗi người cũng cần có ý thức trong việc chấp hành để đảm bảo không gian công cộng được sử dụng đúng mục đích và ý nghĩa vốn có: “Nhắc nhở cho tất cả mọi người phải có ý thức, kể cả những nhà hàng có khách ra vào để xe có thứ tự, gọn gàng, không được bừa bãi.

Đúng ra khu vui chơi, chỉ dành cho khu vui chơi thôi, nhưng trong khu dân cư có những người làm ăn, buôn bán từ trước tới nay rồi nên cần nhắc nhở để cho các cháu còn vui chơi”.

Vẫn biết diện tích nhà ở tại các khu tập thể bị hạn chế, người dân tận dụng sân chơi để kinh doanh, trông xe là điều khó tránh. Tuy nhiên vẫn cần bảo vệ diện tích sinh hoạt chung cho trẻ em và người già.

Vẫn biết diện tích nhà ở tại các khu tập thể bị hạn chế, người dân tận dụng sân chơi để kinh doanh, trông xe là điều khó tránh. Tuy nhiên vẫn cần bảo vệ diện tích sinh hoạt chung cho trẻ em và người già.

Tại nhiều khu dân cư, đặc biệt là các chung cư, khu tập thể diện tích làm khu vui chơi cho trẻ còn hạn chế, thậm chí là không có, nếu có thì không bảo đảm chất lượng như thiếu ánh sáng, quá gần đường giao thông mà không có rào chắn, hoặc sân chơi ở xa khu dân cư, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cao.

Còn sân chơi chung ở các khu tập thể đang bị chiếm, sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, các thiết bị phục vụ nhu cầu tập thể dục và vui chơi gần như bị lãng quên dẫn đến xuống cấp trầm trọng, hoen rỉ theo thời gian.

Do đó, để có không gian cho trẻ em vui chơi, các cơ quan chức năng cần xử lý dứt điểm tình trạng biến không gian chung thành của riêng, trả lại sân chơi và môi trường sống lành mạnh, sạch đẹp cho cho người dân.

Hải Bằng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn