Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Chế tạo sản phẩm có giá trị thẩm mỹ và tính ứng dụng cao từ nguyên liệu tái chế

Vũ Loan: Thứ năm 29/09/2022, 15:36 (GMT+7)

Thuật ngữ ‘tái sử dụng’ có nghĩa là ứng dụng hoặc sử dụng lại nên vật liệu và hình thức ban đầu làm ra sản phẩm không có sự thay đổi. Còn tái chế là một quá trình chuyển đổi từ vật liệu này sang một dạng khác, mang lại cho sản phẩm cũ một cuộc sống mới.

Chính vì vậy, khả năng sáng tạo trên nguyên vật liệu tái chế từ rác thải  sẽ lớn hơn so với tái sử dụng. Việc chế tạo các sản phẩm có giá trị thẩm mỹ và tính ứng dụng cao từ nguyên liệu tái chế cũng chính là một cách rất tốt để chúng ta giảm thiểu rác thải và tiêu hao tài nguyên thiên nhiên.

Anh Phạm Đức ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) là một trong những người dành nhiều tâm huyết tái chế vật liệu mới từ rác sinh hoạt. Anh muốn hướng tới việc tạo ra những sản phẩm có giá trị thẩm mỹ và tính ứng dụng cao trong cuộc sống:

Vì mình làm những đồ có giá trị thấp mà làm hàng loạt thì không đủ trang trải chi phí cho cái hoạt động đó. và thứ 2 là số lượng sẽ không bao giờ đủ được với số lượng người ta thải ra môi trường cả, nên bằng cách tạo ra những đồ vật có giá trị cao, có tính nghệ thuật để mọi người trong xã hội  nhận ra được rằng những đồ đó vẫn có thể dùng được, vẫn có thể có những giá trị rất lớn trong đó để người ta không bỏ đi nữa.

Ảnh minh họa: Việt Nam Tái chế

Ảnh minh họa: Việt Nam Tái chế

Anh Phạm Đức đã chủ động kết hợp làm việc với những người cùng chí hướng yêu môi trường để nâng tầm giá trị của sản phẩm, chủ yếu là những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật như kiến trúc sư, họa sĩ… Họa sĩ Lê Anh Quân – một trong những họa sĩ hợp tác cùng anh Phạm Đức cho biết:

Hiện tại bây giờ bọn tôi vẫn đang làm trên cơ sở tự mày mò với nhau, làm ra các sản phẩm có tính nghệ thuật cao, ứng dụng cao trong đời sống và có tính thẩm mỹ. Tuy nhiên chúng tôi chưa làm được lớn, chỉ làm được nhỏ lẻ, nếu việc phân loại rác tốt hơn thì chắc là nó sẽ tốt hơn rất nhiều.

Tuy vậy, để đưa những sản phẩm tái chế này tới người tiêu dùng cũng gặp phải nhiều khó khăn, thử thách. Anh Phạm Đức chia sẻ:

Khó khăn nhất đối với mình đó là với việc tiếp nhận trong ý thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm này tại vì ở VN, nghe đến từ sản phẩm tái chế thì kể cả nó có giá trị cao, hình thức đẹp, nó đã bị gắn mác tái chế rồi thì người ta sẽ nghĩ là bẩn, không hợp vệ sinh hoặc là những cái đó người ta sẽ không thích, hoặc là ngay từ khi nghe tới từ tái chế người ta đã không muốn nghe tiếp rồi thì cái đó rất khó để tiếp cận để mà thay đổi tâm thức của họ.

Hy vọng, vật liệu tái chế từ rác thải sẽ là miền đất hứa, ngày càng được nhiều người yêu môi trường tìm đến, khám phá và thỏa sức sáng tạo để chúng ta biết trân trọng hơn những giá trị thực sự dành cho môi trường từ các sản phẩm tái chế này.

Vũ Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn