Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Cần Thơ: Khi người dân vẫn loay hoay “có nên phân loại rác tại nguồn”?

Kim Loan: Thứ bảy 22/02/2025, 17:36 (GMT+7)

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định từ ngày 1/1/2025, việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn sẽ được thực hiện đồng bộ trên cả nước. Đây là một trong những giải pháp để giảm tải áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải.

Tại TP.Cần Thơ, địa phương vốn đang chịu nhiều áp lực trong khâu thu gom và xử lý rác thải cũng đã chọn nhiều xã, phường để thí điểm Mô hình phân loại rác tại nguồn từ sớm, đồng thời kết hợp tuyên truyền rộng rãi quy định này. Tuy nhiên, đến nay, địa phương này vẫn loay hoay để triển khai.

Ngoại ô TP.Cần Thơ là nơi thấy rõ nhất câu chuyện loay hoay trong phân loại rác tại nguồn. Nhiều nơi, người dân thực hiện rất tốt, phân loại rác rõ ràng, nhưng cũng hộ gia đình rất thờ ơ. Dưới chân cầu dân sinh nối hai ấp Tân Long và Trường Đông A của xã Tân Thới, huyện Phong Điền, từ 5 năm nay vốn là nơi để rác của hộ gia đình bà Huỳnh Thu Hà. Tuy nhiên, bà Hà rất bức xúc khi người qua đường cứ tiện tay “gửi rác” đủ loại, nào là miểng chai, nhôm – kính, nệm cao su, dù trước đó bà đã phân loại rác rất kỹ.

“Hộ của tôi là phân loại rác rất kỹ, miểng chai hay nhôm –thiết là bỏ riêng ra chứ không để lẫn lộn với rác. Có lần, người ta chở một bao miểng kiếng bỏ kế bên nhà tôi, tôi la quá trời rồi giải thích là cái mà mấy người đem bỏ thì xe rác họ không có thu gom. Sợ nguy hiểm có khi chính tôi lại phải xử lý đống rác sắc nhọn đó. Nghe xong họ quảy bao miểng kiếng bỏ lên xe chạy đi. Người ta có xe rác, ép rác, nước chảy ra nên nếu để chung miểng chai là người ta ép không được”.

Mô hình phân loại rác tại nguồn phải đáp ứng đủ các điều kiện về hạ tầng giống như hình ảnh trong sơ đồ. Tuy nhiên, tại TP. Cần Thơ, hạ tầng thiết bị phục vụ phân loại rác tại nguồn chưa đáp ứng.

Mô hình phân loại rác tại nguồn phải đáp ứng đủ các điều kiện về hạ tầng giống như hình ảnh trong sơ đồ. Tuy nhiên, tại TP. Cần Thơ, hạ tầng thiết bị phục vụ phân loại rác tại nguồn chưa đáp ứng.

Tại khu vực đô thị của thành phố Cần Thơ, từ năm 2017, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều đã được chỉ định áp dụng thí điểm Mô hình phân loại rác tại nguồn. Dù đã thí điểm nhiều năm, nhưng người dân vẫn lúng túng và gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Bà Bùi Thị Lan Phương, ngụ phường Thới Bình chia sẻ:

“Phải có thùng rác nhiều màu để người dân người ta biết thùng nào chứa rác thải rắn, thùng nào chứa rác thải sinh hoạt hằng ngày, thùng nào chuyên bỏ bọc ni lông”.

Thiếu hạ tầng phục vụ cho việc phân loại rác tại nguồn, cộng với ý thức người dân chưa cao, nên trong thành phố vẫn còn nhiều nơi chưa thực hiện tốt công tác này. Trên đường Lê Hồng Phong, Cách Mạng Tháng 8…vẫn còn tình trạng bỏ rác bừa bãi, lộn xộn. Ông Lý Văn Hùng – công nhân thu gom rác địa bàn quận Bình Thủy cho biết:

“Nhiều người dồn chung miểng chai với rác bình thường. Mình đâu có biết, thọt tay vô trúng đứt tay máu chảy phúng phúng. Hai bàn tay tôi bây giờ nó nát bấy hết rồi”

Cũng chính vì hạ tầng chưa đáp ứng nên việc phân loại khác không hiệu quả.

Cũng chính vì hạ tầng chưa đáp ứng nên việc phân loại khác không hiệu quả.

Từ ngày 1/1/2025, việc phân loại rác tại nguồn trở thành bắt buộc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, người vi phạm sẽ bị xử phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Phân loại rác tại nguồn là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với xã hội. Biết là vậy, nhưng sau gần 2 tháng Luật mới có hiệu lực thì TP.Cần Thơ chưa ghi nhận việc xử phạt bởi ngoài các khu vực đã thí điểm từ trước, hiện công tác phân loại rác vẫn chưa đáp ứng được quy định hiện hành.  

Thời gian qua, địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, phổ biến đến người dân về Quy định mới này, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận người dân chưa tuân thủ và công tác thực hiện cũng còn nhiều vướng mắc. Ông Võ Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Thới Bình, quận Ninh Kiều thẳng thắn cho biết:

“Hiện tại chúng ta vận động người dân phân loại, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại thì địa phương vẫn chưa có điểm bố trí để xử lý các loại rác đã được phân loại. Đây là một khó khăn”.

Lượng chất thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố Cần Thơ bình quân khoảng 653 tấn/ngày. Nếu như công tác phân loại rác tại nguồn được thực hiện tốt, lượng rác thải sẽ ít đi, giảm áp lực thu gom và xử lý. Tuy nhiên, nói thì dễ nhưng làm rất khó. Để làm tốt công tác này, cần sự phối hợp, quyết liệt giữa địa phương, các ban –ngành và người dân cần phải tự giác nâng cao ý thức trong việc phân loại rác tại nguồn.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn