Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Nên biết

Cẩm nang cao tốc: Cần lưu ý gì khi lái xe ban đêm?

Phan Yến – Hiền Công : Thứ bảy 22/02/2025, 09:23 (GMT+7)

Ban đêm, tầm nhìn hạn chế, lái xe trong tình trạng thiếu tỉnh táo, đặc trưng ban đêm lượng phương tiện không đông, di chuyển liên tục trên một đường thẳng gây cảm giác nhàm chán, buồn ngủ…Đó là một số trong rất nhiều những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu an toàn khi lưu thông trên cao tốc vào ban đêm.

Nhiều nguy hiểm khi lái xe vào ban đêm

Khoảng 19h20 ngày 15/12/2024, trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đoạn huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa ô tô tải và xe đầu kéo làm 2 người thương vong.

Khoảng 0h15 sáng 19/9/2024 tại Km 191+500 cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, xe khách BKS 50F-043.55 lưu thông hướng Vĩnh Hảo – Phan Thiết. Khi đến vị trí trên đã đâm vào đuôi xe khách BKS 78F-000.40 chạy cùng chiều phía trước. Cú tông làm 2 hành khách tử vong tại chỗ, 3 người bị thương.

Khuya 8/9/2024 tại Km219 cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, xe tải tông vào đuôi một xe tải khác cùng chiều phía trước. Hậu quả làm một phụ xe tử vong.

Hiện trường vụ tai nạn xảy ra ngày 15/12 trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Hiện trường vụ tai nạn xảy ra ngày 15/12 trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Thực tế chứng minh, việc lưu thông trên tốc thời điểm ban đêm tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, trong đó có những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Một số bác tài thương xuyên có lộ trình di chuyển trên cao tốc vào ban đêm chia sẻ:

"Anh đi Trung Lương – Mỹ Thuật, rồi TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Ban đêm anh đi khoảng 4 5h sáng, đi phải giữa khoảng cách an toàn. Trung Lương – Mỹ Thuận có 2 làn, thực sự đi ban đêm rất nguy hiểm, không có đèn đường nữa, xe trước gặp sự cố là xe sau né không kịp."

"Cần Thơ đi Trung Lương có 2 làn nên là đi phải tập trung nhiều hơn, không lơ là chút nào. Gặp sự cố thì nên để cảnh báo xa xa chút, nhiều bác tài để gần quá, tránh không kịp đâu. Trên cầu xuống bật đèn pha nhiều, đa số xe con, hên dải phân cách cao, lên cầu là chiếu thẳng vào mình, ôm trọn luôn".

Ở góc độ một người tham giao giao thông, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hiếu – chuyên gia giao thông chia sẻ lại một tình huống nguy hiểm mà mình từng gặp phải:

"Hôm trước anh đi suýt gặp tai nạn vì xe đằng trước tránh một cái lố, một xe bị nổ lốp, một mảnh lốp rất lớn bị văng ra, buổi tối nên là ô tô phía sau đi gần sát mới phát hiện ra, họ mới phanh và chuyển làn gấp, anh đi đằng sau thì nhờ giữ khoảng cách an toàn nên phanh kịp, nếu không là tai nạn dây chuyền. Buổi tối mình khó nhìn thấy vật cản từ xa, mình phải phanh, tránh gấp, điều này dễ dẫn đến lật xe".

Tham giao giao thông trên cao tốc vào ban đêm về cơ bản đã dễ dàng đối mặt với rất nhiều tình huống nguy cơ. Tiến sĩ Phan Lê Bình – Đại diện văn phòng JICA Việt Nam, chuyên gia giao thông, chia sẻ một số vấn đề thường gặp khi lưu thông trên cao tốc thời điểm ban đêm:

"Tầm nhìn kém, cao tốc ở Việt Nam qua khu vực chưa đô thị hóa thì không có đèn đường, chạy xe tốc độ cao gặp chướng ngại vật thì không kịp ứng xử. Chạy xe ban đêm trên cao tốc thường gây cảm giác nhàm chán, buồn ngủ."

Lái xe vào ban đêm tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro. Ảnh minh hoạ

Lái xe vào ban đêm tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro. Ảnh minh hoạ

Ông Bùi Xuân Kiên, Đội phó đội vận hành Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) thông tin thêm về những yếu tố nguy cơ khi lưu thông trên cao tốc thời điểm đêm tối:

"Lưu lượng phương tiện vào ban đêm có thể ít hơn, đường thông thoáng hơn thì đồng nghĩa tốc độ di chuyển của các phương tiện trên cao tốc sẽ cao khiến việc xử lý các tình huống trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn. Phương tiện gặp phải các hư hỏng về xe như: mất đèn pha, đèn tín hiệu khiến việc di chuyển vào ban đêm trở nên nguy hiểm, đặc biệt là khi lái xe trong điều kiện thiếu ánh sáng. Các chướng ngại vật trên đường: đá, vỏ xe, động vật có thể xuất hiện mà tài xế không kịp thời quán sát thấy. Qua thống kê các sự cố thường gặp vào ban đêm trên đường cao tốc, mỗi năm có khoảng 400 vụ xảy ra".

Từ những vấn đề phải đối mặt trong thời điểm đêm tối, tin rằng người tham gia giao thông đã có cho mình những giải pháp riêng nhằm hạn chế rủi ro. Riêng với vị trí là đơn vị điều hành các tuyến cao tốc từ TP.HCM xuyên suốt đến Vĩnh Hảo, VEC E cũng có những giải pháp giúp người tham giao giao thông trên cao tốc vào ban đêm cảm thấy an tâm, an toàn hơn.

Ông Bùi Xuân Kiên thông tin thêm: "Mỗi đoạn tuyến đơn vị đều có các tổ tuần tra xử lý sự cố để thực hiện tuần tra hằng ngày và tất các các ngày trong năm. Được trang bị đầy đủ các trang thiết bị theo quy định như: chóp nón, biển mũi tên, đèn tam giác nhấp nháy, gậy phân làn phát sáng, đèn pin… nhằm mục đích khi có các sự cố xảy ra vào ban đêm sau khi tiếp cận được sự cố thì tiến hành bố trí ngay cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện gặp sự cố cũng nhưng cảnh báo và hướng dẫn các phương tiện đang lưu thông cùng chiều trên đường cao tốc".

Ảnh minh hoạ: Đình Tuyên/Báo Thanh niên

Ảnh minh hoạ: Đình Tuyên/Báo Thanh niên

Cần trang bị kỹ năng gì khi lái xe vào ban đêm?

Thực tế là việc lái xe vào ban đêm (nhất là lái xe trên các tuyến đường cao tốc) tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn hơn so với ban ngày do tầm nhìn bị hạn chế. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn, bên cạnh việc tuân thủ luật giao thông, các tài xế cũng cần trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng khi lái xe trên loại đường này. 

Ông Bùi Xuân Kiên, đội phó đội vận hành Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) và Tiến sĩ Phan Lê Bình – Đại diện văn phòng Jica Việt Nam, chuyên gia giao thông chia sẻ những lưu ý cần thiết khi lưu thông trên cao tốc vào ban đêm:

"Để an toàn khi lưu thông trên cao tốc vào ban đêm, người tham gia giao thông cần trang bị cho phương tiện như sau: Chóp nón; Biển tam giác phản quang hoặc đèn tam giác nhấp nháy; Áo phản quang cho lái xe; Băng keo phản quang dán xe. Khi không may gặp phải các sự cố khi đang di chuyển vào ban đêm trên đường cao tốc, người tham gia giao thông cần phải đưa các các biện pháp xử lý như sau:

Bật đèn ưu tiên, chú ý quan sát phía sau và hai bên cố gắng di chuyển phương tiện vào làn khẩn cấp (nếu có thể) hoặc làn bên tay phải; Khẩn trương xuống xe sử dụng các thiết bị được trang bị trên xe để đặt cảnh báo phía sau xe, khoảng cách đặt cảnh báo là từ xe tới vị trí đặt thiết bị vào ban đêm là khoảng 200 mét; Thực hiện di chuyển người đi cùng trên xe ra vị trí an toàn (phía ngoài hộ lan hoặc mép đường); Liên hệ ngay với đường dây nóng của đơn vị quản lý vận hành đoạn tuyến để được kịp thời hỗ trợ."

"Cần nhận thức trước lái xe vào ban đêm trên cao tốc là rất nguy hiểm, chạy vừa phải, chạy theo phạm vi tốc độ quan sát của mình, ban đêm có những tuyến đường qua khu vực nông thôn miền núi, gặp phải động vật hoang dã rất nguy hiểm. Ngủ đủ trước mỗi chuyến đi. Vật dụng cảnh báo từ xa phải đảm bảo đủ sự chú ý, trang bị thêm sản phẩm bổ sung bên cạnh xe trang bị sẵn. Cảnh báo xa hàng trăm mét từ sự cố. Xe gặp sự cố nhẹ, chẳng hạn mất hơn còn có thể lăn bánh, nên tìm lối ra gần nhất để ra khỏi cao tốc, vì dừng xe ban đê, trên cao tốc tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm".

Phan Yến – Hiền Công /vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn