Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Buôn bán rùa trên mạng xã hội và hệ lụy tới môi trường sống (Kỳ 2)

Vũ Loan: Thứ năm 27/10/2022, 09:16 (GMT+7)

Cùng với sự hỗ trợ thuận lợi từ các công cụ trực tuyến, việc buôn bán rùa trên MXH ngày càng phổ biến và dễ dàng. Nếu không sớm hành động để tìm ra giải pháp kiểm soát tình trạng này thì nhu cầu săn bắt, nuôi rùa và hoạt động thương mại rùa còn để lại những hệ lụy khôn lường.

Mặc dù hiện nay, các nền tảng MXH đã có nhiều chính sách kiểm soát việc quảng cáo và giao dịch động vật hoang dã nhưng người dùng vẫn có vô vàn cách thức để “lách luật”.

Ông Hoàng Văn Hà – chương trình Bảo tồn rùa Châu Á (ATP) thừa nhận việc xác minh vụ việc, phát hiện các đối tượng tham gia vào hoạt động thương mại rùa trên MXH là vấn đề khó khăn nhất đối với cơ quan thực thi pháp luật:

"Vì trên MXH, các đối tượng có thể dễ dàng che giấu danh tính của mình, ngoài ra thường không buôn bán công khai mà họ thường gửi tin nhắn cá nhân hoặc chuyển qua nền tảng khác, khiến cơ quan điều tra gặp rất nhiều khó khăn", ông Hà cho biết.

Ảnh: PanNature

Ảnh: PanNature

Các hoạt động thương mại hóa rùa hiện nay chủ yếu phục vụ các mục đích như làm thuốc, thực phẩm, làm thú cưng, vật nuôi phong thủy, để phóng sinh… Nếu tình trạng buôn bán rùa trên MXH ngày càng khó kiểm soát thì hệ lụy đầu tiên là sẽ làm giảm đa dạng sinh học các loài rùa tại Việt Nam.

Ông Phạm Văn Thông, Trưởng phòng nghiên cứu và bảo tồn thuộc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại VN cho biết: "Phần lớn các loài rùa của Vn được đánh giá ở mức cực kỳ nguy cấp, sắp tiến tới tuyệt chủng. Ví dụ như đối với rùa Hoàn Kiếm, VIệt Nam chỉ còn lại 1-2 cá thể, trên thế giới cũng chỉ còn 3 cá thể, nếu tuyệt chủng 1 loài nào đó thì sẽ dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng, dịch bệnh rất dễ xảy ra. Đối với việc buôn bán rùa làm thú cưng, nhiều người thấy thú vị là nuôi nhưng việc nhân nuôi rùa rất khó, nguy cơ chết rất cao.

Còn với mục đích phóng sinh thì chúng ta thường thả vào những nơi không phù hợp, ví dụ như rùa cạn chúng ta lại thả xuống nước, nó đã cố bơi vào bờ thì chúng ta lại ấn nó xuống thì thế là tội ác chứ không phải là phóng sinh. Hay những loài như rùa tai đỏ, nó phát triển rất mạnh, mình phóng sinh không đúng vào môi trường sinh sống thì nó sẽ lấn át các loài rùa bản địa khác, bị cạnh tranh về thức ăn và dẫn đến số lượng quần thể rùa bị suy giảm."

Đặc biệt với trào lưu nuôi rùa làm thú cưng như hiện nay của giới trẻ thành thị, các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã và tổ chức y tế thế giới đều đưa ra nhiều khuyến cáo không nên nhân nuôi, buôn bán và sử dụng động vật hoang dã vào bất kỳ mục đích nào, hạn chế tiếp xúc với động vật hoang dã để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.

Vũ Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn