Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Chuỗi nông sản sạch, cần "bắt bệnh” trong tất cả các khâu

Trọng Điển - Hồng Lĩnh: Thứ tư 26/10/2022, 15:08 (GMT+7)

Chuỗi nông sản sạch được hình thành như thế nào, ai sẽ là người chịu trách nhiệm từng khâu, từ gốc đến ngọn và làm thế nào để truy xuất được nguồn gốc xuất xứ khi vừa qua, dư luận bức xúc vì rau ở chợ đầu mối “đội lốt” dãn nhán VietGap rồi bỏ vào siêu thị với giá cao gấp nhiều lần.

Chợ đầu mối Bình Điền là chợ có quy mô lớn nhất TP.HCM. Mỗi đêm, có khoảng 20.000 lượt khách giao thương. Sản lượng hàng hoá nhập bình quân tại chợ Bình Điền là 2.500 tấn/ngày đêm, giá trị luân chuyển hàng hoá đạt 120 tỷ đồng/ngày đêm.

Tuy nhiên, điểm tồn tại lớn nhất của chợ đầu mối này đó là hàng hoá từ các tỉnh nhập về chưa được kiểm tra, kiểm soát từ nguồn gốc, trừ các sản phẩm đông lạnh.

Bên cạnh đó, bao nhiêu năm qua, tình trạng chợ tự phát chưa được kiểm soát triệt để ảnh hưởng đến chất lượng hàng hoá của chợ đầu mối Bình Điền.

Hiện TP.HCM có 3 chợ đầu mối và 232 chợ truyền thống, 47 trung tâm thương mại, 209 siêu thị và hơn 2.000 cửa hàng tiện ích. Việc chợ cóc, chợ tạm tràn lan xung quanh chợ đầu mối và chợ truyền thống, đặc biệt là sự nở rộ của các cửa hàng bán rau củ quả phía ngoài chợ đầu mối, chợ truyền thống khiến cho việc truy xuất nguồn gốc gặp nhiều khó khăn.

Ngày 17/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan dẫn đầu đoàn công tác Bộ NN-PTNT đi khảo sát thực tế chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất đến chợ, siêu thị tại TP HCM. Bộ trưởng Lê Minh Hoan (đứng giữa, mặc áo xanh) khảo sát tại khu rau quả chợ Bình Điền.

Ngày 17/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan dẫn đầu đoàn công tác Bộ NN-PTNT đi khảo sát thực tế chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất đến chợ, siêu thị tại TP HCM. Bộ trưởng Lê Minh Hoan (đứng giữa, mặc áo xanh) khảo sát tại khu rau quả chợ Bình Điền.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cho rằng, còn nhiều bất cập trong quy định gắn nhãn mác cho hàng rau củ quả của Việt Nam: "Chúng ta không có quy định hàng rau củ quả, hàng tươi sống phải có nhãn mác. Đấy là vấn đề mà Ban quản lý chợ chỉ biết được đại khái, có thể truy xuất được nhưng khi truy xuất ra thì người ta cũng chạy đi mất rồi.

Luật pháp cần thay đổi vì chúng ta nghĩ người nông dân nhỏ lẻ, nhưng đã đến lúc chúng ta phải làm, Quản lý nhà nước chưa triệt để, chưa rốt ráo. Chúng ta cần phải áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn để đưa ra thị trường.

Điều nữa là vấn đề truy xuất nguồn gốc. Trong Luật An toàn thực phẩm ghi khi có vấn đề là phải truy xuất, nhưng khi vấn đề xảy ra rồi thì liệu cả hệ thống có truy xuất được không. Ở bình diện quốc gia, những điểm Nhà nước cần quan tâm là những điểm tập trung hàng hoá chi phối cho nhiều người như cửa khẩu, cảng cá, chợ đầu mối, siêu thị…".

Tại Hội nghị Tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban cung cấp thông tin, Ban đã lấy mẫu các sản phẩm tham gia “Chuỗi thực phẩm an toàn” gửi kiểm tra và kết quả cho thấy tỷ lệ vượt ngưỡng an toàn chỉ dưới 10%, nhưng ghi nhận còn có các mẫu sản phẩm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục được phép sử dụng.

"Trong đó, rau củ quả là nhóm có nhiều nguy cơ (rất khó kiểm soát bao bì của rau củ quả, gian lận trà trộn nhiều). Nhưng chúng ta cũng đừng vội tự hào và lạc quan khi thấy quá tốt vì trong số này có từ các siêu thị hàng đêm, hàng ngày, hàng tuần đều phải lấy mẫu kiểm tra các lô hàng vào, nếu test nhanh thấy có vi phạm ngay lập tức trả hàng.

Nhưng có cái thứ hai đó là phiếu kiểm nghiệm trong hồ sơ tự công bố các sản phẩm theo Nghị định 15, thì đối với doanh nghiệp sản xuất các thực phẩm bao gói sẵn thông thường không phải thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ thì được tự công bố thì đa số những phiếu này hầu như bao giờ cũng đạt", bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

Còn nhiều bất cập trong quy định gắn nhãn mác cho hàng rau củ quả của Việt Nam (Ảnh minh họa)

Còn nhiều bất cập trong quy định gắn nhãn mác cho hàng rau củ quả của Việt Nam (Ảnh minh họa)

Hợp tác xã nông nghiệp - sản xuất - thương mại và dịch vụ Phước An ở địa bàn huyện Bình Chánh, TP HCM được thành lập 2006, với hơn 60 thành viên trồng trên 30 ha rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGap và là HTX tiên phong tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc rau an toàn tại TP HCM.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, ông Trần Văn Thích, Giám đốc Hợp tác xã Phước An cho biết, còn nhiều vấn đề bất cập trong cơ chế, để HTX “tự bơi” và còn sự cồng kềnh trong cấp giấy chứng nhận:

"Phần nhà sơ chế đóng gói, tức là 3 khâu quản lý: Áp dụng nhà sơ chế đạt tiêu chuẩn VietGAP là thứ nhất; thứ hai là cơ sở đạt cơ sở sản xuất; thứ bà là chuỗi an thực phẩm. Như vậy một nhà sơ chế đang có 3 đơn vị phải quản lý, đánh giá, cấp giấy. Một năm hết đoàn này đến đoàn kia kiểm tra, đánh giá, khi đánh giá được rồi lại hậu kiểm.

Cơ chế thì ở địa phương không hỗ trợ, không cho cất nhà sơ chế đóng gói theo kiểu khang trang vệ sinh an toàn thực phẩm. HTX khi thành lập thì tự bơi, tự nhảy, khi tìm đi thuê đất làm ăn được thì người ta lấy lại. Nhà nước cần có chính sác hỗ trợ cho nông dân", ông Trần Văn Thích nêu ý kiến.

Theo quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, đang có sự bất hợp lý khi kêu gọi nông dân sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Thế nhưng, thị trường đôi khi không chấp nhận sản phẩm VietGAP do nông dân làm ra. Nghĩa là tiêu chuẩn chưa gắn với thị trường.

Theo bà Minh, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đang sử dụng giấy chứng nhận cấp một lần và không có thời hạn cấp lại, các cơ quan chứng nhận không theo quá trình tư vấn cho doanh nghiệp, đặc biệt làm thế nào để đạt chuẩn hữu cơ.

Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đầy âu lo khi nói việc đối phó trong trình chứng nhận tiêu chuẩn trong khi thế giới tiêu chuẩn quyết định quy trình, kỷ luật, lòng tin của người tiêu dùng: "Chúng tôi có bộ phận về tiêu chuẩn hiện nay, làm việc hàng ngày vì chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ tiêu chuẩn; nhưng doanh nghiệp cứ đi vòng vòng một hồi lại gặp câu nói nhỏ, “cho em đóng mấy chục triệu đi và cấp lẹ giấy, làm lâu quá, cực quá… Não trạng chúng ta là đối phó".

Cần bắt “căn bệnh” trong tất cả các khâu mới đưa ra được giải pháp cho vấn đề chuỗi nông sản sạch. Ảnh: Hà Nội mới

Cần bắt “căn bệnh” trong tất cả các khâu mới đưa ra được giải pháp cho vấn đề chuỗi nông sản sạch. Ảnh: Hà Nội mới

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng, với số lượng tiêu thụ hàng ngày lên tới hàng chục, hàng trăm nghìn tấn thực phẩm, nông sản các loại, việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong nông-lâm-thuỷ hải sản là vô cùng bức thiết vì liên quan trực tiếp tới sức khoẻ của người tiêu dùng.

“Quan điểm của các nhà bán lẻ là đặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu; đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên lợi ích doanh nghiệp, không bao giờ đồng tình với hành động sai trái của nhà sản xuất, nhà cung cấp để làm ăn gian dối, nhắm mắt để nhập hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đạt tiêu chuẩn bày bán trên các quầy kệ của siêu thị”, bà Vũ Thị Hậu nói.

Bà Hậu cho rằng, chúng ta cần bắt “căn bệnh” trong tất cả các khâu mới đưa ra được giải pháp cho vấn đề chuỗi nông sản sạch. Những nhược điểm lớn nhất được bà Hậu chỉ ra đó là việc thiếu tự giác trong khâu sản xuất, chế biến, còn chạy theo lợi nhuận trước mắt; chưa chọn vật tư, con giống để cho ra sản phẩm chất lượng, thấy rẻ là đưa vào làm; sản xuất theo phong trào, theo đồn thổi của thị trường, gây ra thừa thiếu trên thị trường; kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm kém; nơi sản xuất chế biến thực phẩm còn đơn sơ, có côn trùng động vật gây hại, nguồn nước chưa được xét nghiệm, nguyên liệu hết hạn sử dụng nhưng vẫn đưa vào chế biến.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, việc đi tìm căn nguyên của vấn đề là rất quan trọng; phải cùng nhau kiến tạo giá trị, thay đổi từ tư duy mua và bán sang tư duy hợp tác, đừng tư duy “tiền trao cháo múc”; cần phải thay đổi từ hình thức canh tác, tư duy sản xuất, liên kết rộng hơn, giám sát, quản lý lẫn nhau và không ai được “vô can” trong chuỗi sản xuất nông sản. Quan trọng là phải hành động từ bây giờ chứ đừng nghĩ rằng chuyện đó để dành lại mai sau.

"Kích hoạt người nông dân để người nông dân thấy rằng, có rất nhiều người đến tư vấn cho mình, hỗ trợ cho mình để mình làm tốt cho doanh nghiệp của mình, đối tác của mình; một nhóm nhỏ, hàng ngàn nhóm nhỏ, hàng triệu nhóm nhỏ… Thông qua công nghệ số, công nghệ thông tin tích hợp tất cả để biết được rằng cùng một lúc các Tập đoàn, doanh nghiệp, các nhà bán lẻ đang có những chương trình hợp tác với nông dân từ đó tạo ra hiệu ứng xã hội. Giá trị doanh nghiệp không phải là giá trị mua nông sản đó mà tạo ra giá trị cho một vùng nông nghiệp đó", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Làm thực chất thay vì kêu gọi 

Câu chuyện nông sản, thực phẩm sạch, an toàn từ đồng ruộng đến bàn ăn chưa bao giờ lại được quan tâm nhiều như hiện nay. Người ta quan tâm vì biết rằng sử dụng đồ ăn thức uống không an toàn, thậm chí là bẩn sẽ để lại nhiều hệ quả xấu về mặt sức khỏe cho bản thân,gia đình cả trước mắt và lâu dài.

Nhà sản xuất, nhà nông; doanh nghiệp kinh doanh, cửa hàng, siêu thị cũng nhận thức được yêu cầu này nên đều hướng đến mục tiêu cung ứng nông sản sạch đến tận tay người tiêu dùng.

Đáng mừng là cách làm ăn theo chuỗi; doanh nghiệp, siêu thị bắt tay với nông dân hoặc tự mình xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn Vietgap ngày càng nhiều.

Người tiêu dùng cũng hào hứng và ưu tiên chọn mua nông sản sạch ngày một phổ biến. Nhà sản xuất và kinh doanh nhời vậy đều có lợi nhuận, đủ khả năng tái đầu tư và mở rộng sản xuất.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc nông sản trôi nổi, không an toàn đội lốt nông sản sạch vào cửa hàng, siêu thị cũng không hiếm với nhiều vụ việc bị phanh phui; khiến người tiêu dùng hoang mang. Không ít nhà sản xuất và nông dân không tuân thủ đầy đủ quy trình sản xuất theo hợp đồng, xé rào, chạy theo lợi nhuận; trộn lẫn nhiều các loại nông sản khác nhau để cung ứng.

Doanh nghiệp, siêu thị thì không giám sát kiểm tra chặt chẽ hoặc cũng ngó lơ; khi nhập hàng thì gắn đại nhãn mác sạch để bày bán. Đó là chưa kể cũng vì hám lợi mà bất chấp sức khỏe người tiêu dùng tuồn rau không rõ nguồn gốc, rau bẩn bày lên quầy kệ để bán.

Người tiêu dùng vì tin tưởng cửa hàng, cửa hiệu mà không tính toán, cân nhắc xuống tiền nhưng không biết niềm tin của mình đã bị phản bội.

Các cơ quan quản lý nhà nước dù được giao nhiều công cụ nhưng không kiểm tra, giám sát thường xuyên nên để tình trạng nông sản xuất theo kiểu mù mờ, không đảm bảo chất lượng vẫn xảy ra. Việc cấp phép, công nhận kết quả an toàn cho nông sản nhiều nơi còn phiền toái,nhiêu khê; cá biệt có trường hợp nhũng nhiễu.

Chế tài xử lý, xử phạt chưa nghiêm nên không đủ tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm. Nông sản Việt vì thế không thể vươn xa ra quốc tế mà ngay cả trong nước đôi khi cũng bị người tiêu dùng quay lưng.

Đã đến lúc, nông sản chất lượng, an toàn là mục tiêu tối thượng và không thể bàn lùi. Nhà vườn,  nhà sản xuất, doanh nghiệp cung cấp và người tiêu dùng phải ngồi chung một thuyền gọi là chuỗi giá trị. Xem thường bất cứ một công đoạn nào trong dây chuyền này thì con thuyền hoàn toàn có thể bị đánh đắm.

Do vậy mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về hành vi và nhận thức của mình trong quy trình sản xuất. Nếu cố tình làm ăn gian dối sẽ bị đào thải và loại bỏ ngay tức khắc, không thể tồn tại mãi. Vì mớ rau, con cá, hạt lúa củ khoai là thức ăn hàng ngày, có thể phân tích và định lượng, định tính được bằng các công nghệ nên cũng dễ nhận biết để đánh giá sạch hay không sạch.

Việc của nhà quản lý là phải đặt ra luật chơi chặt chẽ, mang tính dẫn đường để các bên cùng cam kết thực hiện thông qua các tổ chức khuyến nông, khuyến công. Đi kèm là các chế tài xử lý nghiêm khắc với bất cứ ai vi phạm; đồng thời hỗ trợ tối đa cho các bên thực hiện các mục tiêu đề ra về nguồn vốn, đất đai, nhân lực, giao thông, xúc tiến thị trường.

Các bên tham gia từ nhà nông, đơn vị sản xuất đến doanh nghiệp kinh doanh cung ứng cũng phải thể hiện sự ràng buộc của mình theo các hợp đồng cam kết; ai vi phạm sẽ phải đền bù hoặc nhận hình phạt thích đáng. Người tiêu dùng trong thời đại 4.0 cũng cần cẩn trọng và sàng lọc kỹ càng trước khi mua bán; không vô tình hay cố ý tiếp tay cho nông sản bẩn; sẵn sàng tẩy chay các nhà sản xuất gian dối.

Để xây dựng được chuỗi nông sản sạch, bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không chỉ làm theo phong trào và kêu gọi chung chung mà phải thực sự xắn tay vào cuộc để có nhiều cách làm hay, mô hình mới; rồi nhân rộng; thể hiện hiệu quả rõ nét trong cuộc sống.

Trọng Điển - Hồng Lĩnh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Cầu Ông Lãnh bắc ngang kênh Bến Nghé nối liền quận nhất và quận tư đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM. Cây cầu này được xây dựng lại nhiều lần nhưng không đổi tên. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn từng tồn tại hơn một thế kỷ và đã bị xóa sổ.

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là việc quy định lực lượng chức năng có thể được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Một ngã tư giữa lòng thủ đô, mặt đường đẹp, rộng rãi, hệ thống đèn tín hiệu hoạt động bình thường, tuy nhiên thường xuyên xung đột, hỗn loạn, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với không ít người mỗi khi đi qua.

Dự án mì gõ 0 đồng

Dự án mì gõ 0 đồng

Một quán mì gõ ở TPHCM, chỉ mở từ 19h vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Điều đáng nói ở đây là quán luôn đông nghịt thực khách ghé thăm, bởi chi phí một tô mì gõ chỉ có giá 0 đồng.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu xuống vùng thấp nhất 2 tuần

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu xuống vùng thấp nhất 2 tuần

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa hôm qua với diễn biến phân hoá.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.