Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Chủ Nhật, 6/4/2025
Thành phố tôi yêu

Bao bì tái chế: Người dân hào hứng, doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm

Quách Đồng: Thứ hai 24/03/2025, 19:38 (GMT+7)

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị định 45/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đến nay, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện trách nhiệm xã hội trong việc đóng góp kinh phí để tái chế bao bì.

Nhiều người dân cũng sẵn sàng tham gia vào công tác này thông qua việc sử dụng bao bì thân thiện với môi trường. 

Sáng 21/3, tại một cửa hàng bánh trong khu Ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Thảo khá hài lòng khi nhận hàng được đựng trong túi giấy sạch sẽ, bắt mắt và dễ dàng treo trên xe máy:

"Bây giờ cửa hàng đã thay đổi cách sử dụng, tiêu dùng những chiếc túi nilon sử dụng một lần thay đổi sang dùng những cái túi có thể tái chế được."

Còn anh Nguyễn Văn Tài lại đến cửa hàng với một chiếc túi giấy cũ, được dùng lại từ lần mua bánh trước:

"Nó rất có ý nghĩa, bởi vì sẽ đánh thức ý thức của mọi người về việc xả rác hàng ngày và việc xả rác như thế sẽ ảnh hưởng, ảnh hưởng không chỉ riêng một người, mà có ảnh hưởng rất nhiều đến người xung quanh.'

Hơn 41% người tiêu dùng sẵn sàng ưu tiên sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường dù có giá cao hơn (Ảnh minh họa - Meta AI)

Hơn 41% người tiêu dùng sẵn sàng ưu tiên sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường dù có giá cao hơn (Ảnh minh họa - Meta AI)

Bao bì thân thiện với môi trường ngày càng thu hút được nhiều người dân lựa chọn. Theo báo cáo của VietNam Report vào tháng 8/2023 và Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường vào cuối năm 2024, hơn 41% người tiêu dùng sẵn sàng ưu tiên sản phẩm có bao bì thân thiện môi trường dù có giá cao hơn; hơn 93% doanh nghiệp có nhận thức ban đầu và đầy đủ về trách nhiệm thu gom, tái chế và xử lý chất thải.

Đến cuối năm 2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu sử dụng bao bì đã nộp hơn 1.500 tỷ đồng vào Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ thu gom và xử lý chất thải. Bà Lương Thị Thúy Ngân, Tổng thư ký Hiệp hội bao bì Việt Nam cho hay, trong quá trình thương thảo hợp đồng, các doanh nghiệp bao bì thường thuyết phục doanh nghiệp đặt hàng sử dụng nguyên liệu tái chế hoặc nguyên liệu thân thiện môi trường. Còn việc sử dụng nguyên liệu nào là do doanh nghiệp đặt hàng quyết định:

"Hầu như họ nộp tiền, chứ làm sao họ tái chế được, bởi vì công ty bao bì chỉ là lấy nguyên vật liệu sẵn để làm thôi. Cho nên 100% doanh nghiệp sẽ là đóng tiền để tái chế."

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị định 45 năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện trách nhiệm xã hội trong việc đóng góp kinh phí hoặc tái chế bao bì (Ảnh minh họa - Meta AI)

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị định 45 năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện trách nhiệm xã hội trong việc đóng góp kinh phí hoặc tái chế bao bì (Ảnh minh họa - Meta AI)

TS. Hoàng Dương Tùng, Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đánh giá về sự tham gia ngày càng tích cực của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng bao bì tái chế:

"Rõ ràng đấy là thể hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, tức là anh phải có trách nhiệm đến cùng, không chỉ sản xuất, mà còn phải thu hồi các sản phẩm thải bỏ, tái chế. Như thế, anh sẽ phải tổ chức thu gom lại hoặc tái chế, hoặc đóng tiến để người ta tổ chức việc đó."

Hiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang sửa đổi, bổ sung nghị định 45/2022, trong đó đề xuất nâng mức phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng nếu doanh nghiệp vi phạm trách nhiệm tái chế bao bì. Việc chậm nộp đóng tiền hỗ trợ tái chế cũng bị phạt đến dưới 900 triệu đồng./.

Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn