Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thứ Tư, 2/4/2025
Podcast

Sài Gòn sống và yêu: Ấp đảo Thiềng Liềng, vùng đất chuyển mình sau giấc ngủ say

Khương An: Thứ tư 26/03/2025, 10:10 (GMT+7)

Ở TPHCM, có một vùng đất cách trở 2 lần đò, nhô ra cái ức đón gió bão cận biển ở 2 cửa sông Lòng Tàu và Thị Vải, mang cái tên cũng thật đặc biệt: ấp đảo Thiềng Liềng.

Những người di trú đến đây khai hoang, mở đất năm nào, trải qua bao phen sống còn mưu sinh đã biến mảnh đất tưởng chừng hoang mạc, cằn cỗi này lại trở nên thơ mộng, bình yên, với những ô ruộng muối trắng tinh trải dài bất tận, như những tấm gương khổng lồ phản chiếu bầu trời xanh ngắt…

Ấp đảo Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 70km nhưng luôn được nhắc tới như một miền xa vời vợi. Để tới được Thiềng Liềng, chúng tôi di chuyển bằng xe cá nhân đến phà Bình Khánh.

Sau khi qua phà thì tiếp tục hành trình trên con đường Rừng Sác, băng qua khu vực đất trũng phía đông thành phố với rừng ngập mặn Cần Giờ. Sau khi đến bến tàu Tắc Suất sẽ tiếp tục lên xuống hai lần đò, qua xã đảo Thạnh An mới đến ấp đảo Thiềng Liềng.

Con đường duy nhất trên ấp đảo

Con đường duy nhất trên ấp đảo

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi bước lên đảo là sự bình yên, thơ mộng như đã thấy đâu đó ở một vùng quê miền tây trong ký ức. Người dân kể lại, sau giải phóng, do đời sống ở quê nhà quá khó khăn nên những người ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre… đã đến đây khai hoang lập nghiệp.

Khi ấy, đảo còn hoang sơ, vắng vẻ, chỉ toàn đầm lầy. Rừng ngập mặn cũng gần như bị hủy hoại trong những năm chiến tranh, cây chết trắng trông như sa mạc. Họ lưu lại sinh sống, đắp đất làm ruộng muối rồi đặt tên ấp là Thiềng Liềng:

 Khi được hỏi về những năm tháng cũ, cô Nguyễn Thị Hiền, đã sống trên đảo hơn 40 năm kể lại: "Năm ông già về đây khai hoang là vào năm 1975. Cô đến đây năm 1985 là đã bắt đầu làm muối rồi. Khi đó, đảo còn hoang sơ, không có đường xá, hộ dân thưa thớt. Phương tiện đi lại gần như không có, mọi người chủ yếu đi chân đất vì đất lầy lội.

Mỗi sáng, phải chờ đò để đi, rồi đến hôm sau mới có thể trở về. Sau này, đường sá dần được mở rộng, việc đi lại mới thuận tiện hơn. Mãi đến năm 2016, điện mới kéo về đến đây. Ngày trước, cuộc sống rất vất vả, chủ yếu làm muối, bắt cua, bắt cá để sinh sống".

Diêm dân làm muối

Diêm dân làm muối

Theo thời gian, người ta di dân tới đây ngày một đông, khai phá đồng muối nhiều hơn, đổ mồ hôi rồi cũng kiếm được miếng cơm, manh áo. Trong một năm, diêm dân Thiềng Liềng chỉ có thể làm muối trong 6 tháng mùa khô. Thời gian không thể làm muối, có người đi đánh bắt và nuôi hải sản, kinh doanh nhỏ lẻ, người đi làm mướn kiếm sống qua ngày,…

Nằm cách biệt giữa một vùng sông nước, điều kiện đi lại nhiều trở ngại nên đời sống sinh hoạt cơ bản của người dân cũng gặp vô vàn khó khăn. Là vùng đất ngay cửa biển nên ấp đảo Thiềng Liềng rất khan hiếm nước ngọt.

Nhớ lại cuộc sống những năm thập niên 90, cô Bùi Thị Giạ, chủ cơ sở homestay – nước giải khát Mười Giạ kể: "Nước thì không có để xài. Muốn có nước xài thì có chiếc ghe chở nước từ đất liền ra đây, rồi bơm lên máy tận dụng, một máy một người có thể xài nửa tháng. Rồi từ từ mới gắn ống nước, xà lan chở nước về đảo bơm lên bồn của đảo chứa lại để mở cho người ta xài như xài nước máy".

Ấp đảo Thiềng Liêng cũng là nơi cuối cùng của thành phố được phủ điện lưới quốc gia. Những ngày cuối năm 2015, nghe phong phanh Nhà nước sẽ đưa điện ra ấp đảo, người dân không ai dám tin đó là sự thật. Đến tháng 3/2016, trước ngày đóng điện gần một tháng, khi thấy bóng anh thợ điện áo cam loay hoay, vắt vẻo trên cột điện cao vút, bà con mới biết giấc mơ bao đời nay sắp trở thành hiện thực. Ngày 29/04/2016, ánh điện bừng sáng, cả làng già trẻ, trai gái nườm nượp, chen chân nhau đi ngắm bóng điện trên khắp các ngả đường...

Chúng tôi thong dong khắp đảo nhỏ chỉ 4km theo hình oval uốn quanh ruộng muối, sông, rạch và rừng ngập mặn... Giữa mênh mông trời nước, nhìn những ô ruộng muối trải dài như những tấm gương khổng lồ phản chiếu bầu trời xanh ngắt. Mỗi hạt muối trắng tinh như những viên ngọc trai nhỏ li ti, kết tinh từ mồ hôi và công sức của bà con diêm dân nơi đây.

Dạo trên đường, rẽ thăm bất kỳ hộ gia đình nào, chúng tôi cũng đều được người dân đón tiếp nồng hậu, ấm áp và được trải nghiệm đặc sản “cây nhà lá vườn”. Ấn tượng nhất là được uống nước si rô mát lành, ngọt lịm được chế biến từ trái si rô trồng nhiều trên đảo. Người dân thường làm thức uống với đá, ủ rượu và nhiều món uống đặc biệt để giới thiệu và đãi khách như một đặc sản của ấp đảo.

Mô hình du lịch cộng đồng tại ấp đảo Thiềng Liềng

Mô hình du lịch cộng đồng tại ấp đảo Thiềng Liềng

Buổi tối, khi trăng treo tròn vằng vặc trên nền trời xanh thẳm, người dân Thiềng Liềng tụ tập hát đờn ca tài tử. Tiếng hát dìu dặt, chân phương với những điệu lý, câu hò như rót vào lòng đêm sự thanh bình ngọt ngào. Đây cũng được xem là một “đặc sản” của ấp đảo bởi đờn ca tài tử đã thấm đẫm ở xứ muối này mấy chục năm qua, từ thuở cha ông đi khẩn hoang lập nghiệp, truyền lại cho thế hệ sau này.

Thiềng Liềng chưa chịu nhiều tác động nên vẫn giữ cho mình sự mộc mạc, nét tự nhiên không phải miền biển nào cũng có. Ở đây, ngoài cánh rừng ngập mặn bao bọc xung quanh với hệ sinh thái vô cùng phong phú, còn có núi Giồng Chùa - ngọn núi đá duy nhất của TP.HCM. Cùng sự nồng hậu chất phác của người dân bản địa, đảo Thiềng Liềng đang có những tiềm năng du lịch độc đáo mà thiên nhiên ban tặng.

Sau nhiều năm ấp ủ, nghiên cứu, đến cuối tháng 12/2022, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp cùng UBND huyện Cần Giờ đã chính thức công bố sản phẩm du lịch cộng đồng đầu tiên của TP với đặc sản “3 không”: không khói bụi, không bến xe, không tệ nạn tại ấp đảo Thiềng Liềng. Đây là một bước ngoặt lớn của bà con diêm dân ấp đảo. Bởi trước đây, thay vì chỉ có nghề làm muối thì giờ bà con lại có thêm nghề làm du lịch mới mẻ và tiềm năng, giúp tăng thêm nguồn thu nhập.

BDTG-4

Kể về quá trình tiếp nhận nghề dịch vụ du lịch, cô Nguyễn Thị Hiền, là chủ cơ sở quán Mười Bụng phụ trách khâu ẩm thực trong mô hình du lịch công đồng chia sẻ, lúc đầu cô rất ngại vì sợ tốn kém nhưng sau đó vô cùng phấn khởi vì được làm nghề:

"Sở Du lịch TP.HCM cùng với UBND xã Thạnh An đến phỏng vấn nói mình vào mô hình này, ban đầu mình không có chịu. Họ nói mình cứ làm đi, từ từ, sau mình mới chịu. Chén bát mua hết mấy triệu tiền chén, Cô làm rồi thấy vui, giờ thấy phấn khởi. Tuần nào cũng có khách nên cô cũng chịu luôn, ham nữa. (cười)".

Ngày đông khách, các hộ đăng ký mô hình du lịch luôn chủ động phối hợp với hàng xóm để các khâu phục vụ được tươm tất, chỉn chu. Không chỉ san sẻ nguồn thu, cùng nhau phát triển, việc tận dụng nguồn lao động sẵn có tại địa phương cũng tạo nên nét độc đáo cho du lịch Thiềng Liềng.

Anh Trần Minh Tuấn, du khách từ trung tâm Sài Gòn chia sẻ, anh đến ấp đảo Thiềng Liềng để khám phá và thư giãn: "Ở đây em cảm thấy tách biệt hoàn toàn với Sài Gòn. Nó mát mẻ, thanh bình cũng như không gian rất là gần gũi. Thứ hai là mọi hộ dân trên đây đều có món đặc sản, thế mạnh riêng để tạo ra một làng cho khách du lịch trải nghiệm nên khá là thú vị".

BDTG-5

Chúng tôi rời đảo dưới cái nắng choi chang của tháng ba. Quay nhìn lại để chào tạm biệt ấp đảo, xa xa, những diêm dân vẫn cần mẫn tháo nước, rải mồi và cào muối. Cái nắng cái gió nhuộm lên đời diêm dân của đảo nhỏ màu da đen sạm, gương mặt cằn cỗi nhưng nụ cười của ai cũng hồn hậu, thanh thản và bình an đến lạ.

Tiếng sóng vỗ rì rào hòa quyện với tiếng gió thổi qua những hàng dừa, tạo nên một bản giao hưởng tuyệt vời. Gió biển thổi lồng lộng như đổ xô mọi muộn phiền, căng thẳng vào mênh mông vô tận phía chân trời.

SỐNG Ở SÀI GÒN: Đi metro và văn hóa giao thông mới

Hơn 3 tháng kể từ khi tuyến đường sắt đô thị số 1 được đưa vào vận hành, người dân đã được trải nghiệm metro để thỏa nỗi mong chờ sau gần hai thập kỷ. Sau những ngày bỡ ngỡ và làm quen, nhiều người đã từ bỏ xe máy (“khói bụi, kẹt xe”) để chọn phương tiện này đi làm, đi học mỗi ngày.

Họ cũng quen dần cách thức đi lại với các quy định của metro. Thế nhưng, đâu đó, trong các nhà ga, trên toa tàu vẫn xuất hiện những hình ảnh chưa đẹp của một bộ phận nhỏ hành khách.

SOSG-3

Thời gian qua, báo chí và mạng xã hội đã ghi nhận những hành vi phản cảm như nam thanh niên “vô tư” hít xà đơn trên tàu, cô gái “tự tin” diện bikini kết hợp áo khoác lông tạo dáng chụp ảnh ở metro, clip hành khách cãi nhau vì giành ghế bị lan truyền trên mạng xã hội… khiến “văn hóa metro” trở thành đề tài đáng quan tâm của thành phố kể từ đầu năm 2025.

Không chỉ các trường hợp cá biệt vừa kể, nhiều hành khách chưa có ý thức giữ gìn trật tự, vệ sinh khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Nhiều người mang đồ ăn, thức uống vào ga, xả rác bừa bãi. Một số người đem theo thú cưng trong ba lô nhưng lại thả ra khi lên ke ga... Có không ít hành khách không thuộc đối tượng ưu tiên nhưng vẫn sử dụng thang máy, ghế ngồi dành cho người khuyết tật, thai phụ và người già.

Chưa kể, tình trạng bước qua vạch an toàn, chen lấn, xô đẩy, đứng chặn cửa tàu vi phạm quy định về an toàn khi đi metro. Việc chụp hình, ghi lại những khoảnh khắc trên các nhà ga, tàu điện là nhu cầu chính đáng của hành khách. Nhưng thời gian qua nhiều trường hợp chụp ảnh thiếu an toàn, bật flash, dựng tripod gây cản trở người khác, buộc nhân viên nhà ga phải liên tục nhắc nhở…

Những hành vi thiếu ý thức này không chỉ tạo áp lực cho đội ngũ nhân viên nhà ga mà còn ảnh hưởng đến thiết bị, đoàn tàu, làm gián đoạn vận hành và kéo dài thời gian di chuyển.

SOSG 1

So với thế giới có lịch sử phát triển hệ thống tàu điện đô thị trên dưới trăm năm, văn hóa đi metro ở các nước bạn đã được hình thành từ lâu. Còn ở nước ta, loại hình giao thông công cộng này vẫn khá mới mẻ, nhiều người chưa quen với các quy định dẫn đến tình trạng vi phạm liên tục.

Thời gian đầu, ta có thể “xé nháp” những hình ảnh không đẹp, phản cảm đó. Nhưng về sau, mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức bản thân khi sử dụng phương tiện công cộng hiện đại này, nếu vi phạm cần bị xử phạt theo quy định.

Một tín hiệu đáng mừng là tâm lý "phương tiện hiện đại, ý thức văn minh"  đang dần được hình thành. Việc sử dụng metro tiện nghi và hiện đại, cũng khơi dậy ý thức giữ gìn vệ sinh, trật tự và hành xử văn minh của các hành khách. Đặc biệt, thế hệ trẻ - những người tiên phong trong việc trải nghiệm và học hỏi - sẽ là nhân tố chính trong việc lan tỏa các hành vi văn minh này đến cộng đồng.

SOSG2

Metro giúp ta giải phóng quỹ thời gian hằng ngày ra khỏi các cung đường kẹt xe, khói bụi, va quẹt, căng thẳng trên đường phố Sài Gòn. Khi sử dụng metro, những khoảng lặng ngồi trên toa tàu như mảnh đất để ta ươm mầm, vỗ về những giá trị tinh thần. Ta có thể đối diện với nội tâm của chính mình, lãng đãng ngắm Sài Gòn qua khung cửa sổ hay mơ mộng, viết nhật ký, làm thơ…

Hoặc tận dụng thời gian để giải trí, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng bằng việc đọc sách, nghe nhạc, podcast (bằng tai nghe cá nhân), …  Thậm chí là tranh thủ chợp mắt một xíu để đầu óc trở nên minh mẫn hơn trước khi bước xuống ga với lộ trình mệt nhọc tiếp theo. 

Metro đang dần trở thành biểu tượng mới của giao thông công cộng TP. HCM, mang theo kỳ vọng về một hệ thống vận tải hiện đại, văn minh khi các tuyến metro khác đang được gấp rút chuẩn bị để đồng loạt khởi công vào thời gian tới.

Việc vận hành, thích nghi với tuyến metro đang và sẽ là hành trình dài với thành phố. Một khi sự bỡ ngỡ qua đi và người dân đã dần quen với phương tiện hiện đại này, mong rằng mỗi chúng ta đều luôn ý thức và hành động văn minh khi đi metro. Rồi cũng từ đó sẽ có những câu chuyện đời được kể với những nét văn hóa mới trên metro mang chất riêng của Sài Gòn.   

TIN YÊU

# Mới đây, UBND TP.HCM đã ký ban hành Quyết định về việc xếp hạng di tích cấp Thành phố đối với Đình Thần An Khánh, phường Thủ Thêm, thành phố Thủ Đức.

Ảnh: Sở Du Lịch TP.HCM

Ảnh: Sở Du Lịch TP.HCM

Theo Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Thành phố, Đình thần An Khánh được xây dựng vào giữa thế kỷ XIX với tên gọi đình làng thôn An Lợi, sau nhiều lần chia tách, sáp nhập địa giới hành chính, cuối cùng đình mang tên An Khánh cho đến ngày hôm nay. Đình Thần An Khánh thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh Trần Thống Quân Hà Quảng…. và có kiến trúc giống như các ngôi đình truyền thống ở Nam Bộ. 

# Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM vừa trình UBND thành phố bản kế hoạch tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tại lễ hội mang tên Sắc màu Thành phố Bác, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) đề xuất tổ chức trình diễn 10.500 drone (thiết bị bay không người lái) tại 2 bên bờ sông Sài Gòn thuộc Quận 1 và TP Thủ Đức vào  lúc 20h40 ngày 30/4. Ban tổ chức sẽ lập hồ sơ đề xuất xác lập kỷ lục Việt Nam về số lượng drone được bay nhiều nhất cùng thời điểm.

Điểm nhấn của lễ hội còn là chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật đồng loạt tại 30 điểm, từ 21h - 21h15 phút ngày 30/4. Song song đó, Sở VH&TT đề xuất các hoạt động trong Lễ hội Sắc màu Thành phố Bác được tổ chức từ 19 - 21h30 vào các tối thứ Bảy ngày 19/4, 26/4, 3/5; 10/5; 17/5, 24/5, 31/5 và ngày thứ Ba 29/4.

# Tại họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM vừa qua, ông Trịnh Hữu Anh - trưởng phòng báo chí - xuất bản, Sở Văn hóa và Thể thao đã giới thiệu các sự kiện, hoạt động để người dân bình chọn 50 sự kiện, hoạt động nổi bật của TP.HCM, hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thông qua website: https://binhchon50sukien.hochiminhcity.gov.vn/.

Việc bình chọn sự kiện nổi bật nhằm tôn vinh những thành tựu tiêu biểu đã góp phần vào sự phát triển của TP.HCM nói riêng và của đất nước nói chung. Thời gian tham gia bình chọn đến ngày 31/3/2025.

# Theo kế hoạch, các hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư năm 2025 sẽ tổ chức trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 15/4 đến 2/5/2025. Lễ Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư năm 2025 dự kiến tổ chức vào ngày 17/4 tại TP Hồ Chí Minh.

Một số thông điệp của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư năm 2025 gồm: “Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng”, “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “Đọc sách - làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo”.

Khương An/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
vovgiaothong.vn
Khích lệ con gái 6 tuổi lái ô tô, bố bị phạt gần 30 triệu

Khích lệ con gái 6 tuổi lái ô tô, bố bị phạt gần 30 triệu

Hành vi nguy hiểm này không chỉ vi phạm quy định về an toàn giao thông mà còn tiềm ẩn rủi ro lớn cho chính cháu bé và những người xung quanh. Ngay sau khi xác minh, cơ quan chức năng đã mời người đàn ông lên làm việc và ra quyết định xử phạt lên đến 30 triệu đồng.

Sau vụ cột khói khổng lồ giữa Hà Nội: Bao giờ di dời các cơ sở gây ô nhiễm?

Sau vụ cột khói khổng lồ giữa Hà Nội: Bao giờ di dời các cơ sở gây ô nhiễm?

Người dân cũng rất băn khoăn về lộ trình di chuyển công ty Công ty Cổ phần Dệt Hà Nội và một số cơ sở công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm nằm giữa khu dân cư đông đúc của Hà Nội sẽ được thực hiện như thế nào?

Tự ý thay đổi màu xe ô tô: Bị phạt tới 12 triệu và phải khôi phục như cũ

Tự ý thay đổi màu xe ô tô: Bị phạt tới 12 triệu và phải khôi phục như cũ

Thính giả Tống Minh (Hà Nội) hỏi: "Tôi có người bạn thay đổi màu sơn ô tô nhưng không qua thủ tục đăng ký, kiểm tra. Vậy bạn tôi có thể bị xử phạt như thế nào?"

TP.HCM: Hơn 5.000 cơ sở kinh doanh có nguy cơ dừng hoạt động vì không đảm bảo PCCC

TP.HCM: Hơn 5.000 cơ sở kinh doanh có nguy cơ dừng hoạt động vì không đảm bảo PCCC

Qua rà soát, TP.HCM có hơn 60.400 cơ sở nhà trọ, chung cư mini, nhà ở kết hợp kinh doanh, trong đó hơn 15.700 cơ sở còn tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Cụ thể, hơn 13.900 cơ sở là loại hình nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê và 930 cơ sở là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Khó ngăn ngừa sai phạm khi chỗ có công nghệ, chỗ không

Khó ngăn ngừa sai phạm khi chỗ có công nghệ, chỗ không

Việc triển khai chưa đầy đủ, chưa đồng bộ công nghệ trông giữ xe không dùng tiền mặt, vẫn áp dụng song song thu tiền mặt, cùng với sự giám sát thiếu chặt chẽ, khiến tình trạng thu sai vẫn diễn ra.

Hệ thống KRX sắp vận hành: Cơ hội nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam

Hệ thống KRX sắp vận hành: Cơ hội nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam

Mới đây, đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM cho biết, Hệ thống công nghệ thông tin mới (Hệ thống KRX) dự kiến sẽ chính thức chuyển đổi hệ thống bắt đầu từ ngày 30/4-4/5 và đi vào hoạt động chính thức vào ngày 5/5 tới.

“Free Restroom” thân thiện cho du khách

“Free Restroom” thân thiện cho du khách

Mô hình này dựa trên tinh thần tự nguyện của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ẩm thực, cơ sở lưu trú... tạo điều kiện cho người đi đường và khách du lịch có thể sử dụng nhà vệ sinh tiện lợi và hoàn toàn miễn phí.