Yếu tố nào giúp nâng cao hiệu quả đồng vốn bảo trì hệ thống đường bộ?

Công nghệ cào bóc tái chế nguội tại chỗ giúp tận dụng vật liệu mặt đường cũ, tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, thân thiện với môi trường….

Công nghệ tái chế nguội đủ điều kiện pháp lý được áp dụng là giải pháp tối ưu nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn bảo trì đường bộ. Ảnh nh hoạ: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Sáng 1/3, tại tỉnh Tuyên Quang, Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị giới thiệu các công nghệ để cơ giới hoạt động duy tu bảo dưỡng đường, công nghệ sửa chữa mặt đường asphalt, công nghệ sửa chữa mặt cầu. Hội nghị thu hút hàng trăm đại biểu đến từ các doanh nghiệp bảo trì, cơ quan quản lý tại khu vực phía Bắc tham gia.

Tại hội nghị, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong xây dựng và bảo trì đường bộ của Cục Đường bộ Việt Nam trong hơn 10 năm qua đã đạt được hiệu quả cao về mặt kinh tế - kỹ thuật - môi trường, góp phần thêm các giải pháp kỹ thuật mới (bên cạnh các giải pháp kỹ thuật truyền thống) cho từng hạng mục, dự án cụ thể, từ đó tiết kiệm tài nguyên, giảm khí phát thải nhà kính.

Trong đó, liên quan đến xây dựng và bảo trì kết cấu áo đường, nổi bật có các công nghệ như: Công nghệ cào bóc tái chế nguội tại chỗ giúp tận dụng vật liệu mặt đường cũ, tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, thân thiện với môi trường; công nghệ bê tông nhựa tái chế nóng; công nghệ bê tông nhựa ấm; công nghệ lớp phủ mỏng Microsurfacing trong bảo trì dự phòng mặt đường, giúp kéo dài tuổi thọ mặt đường.

Ngoài ra còn có công nghệ mặt đường bán mềm áp dụng tại nút giao có nhiều xe tải nặng, các bến, bãi đỗ xe, bến cảng container và công nghệ vá sửa khẩn cấp ổ gà, lún lõm mặt đường trong mùa mưa bão bằng bê tông nhựa nguội phản ứng nước để đảm bảo giao thông.

Ông Lê Hồng Điệp, Trưởng Phòng quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông- Cục Đường bộ Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Một số vật liệu mới cũng được ứng dụng như: Vật liệu nhũ tương nhựa đường a xít; vật liệu phụ gia tăng cường dính bám đá nhựa trong sản xuất bê tông nhựa; phụ gia tăng cường tính năng của bê tông nhựa chống hằn lún vệt bánh.

Các công nghệ mới, vật liệu mới liên quan đến bảo vệ mái dốc (taluy) đường bộ nổi bật phải kể đến: Lưới thép cường độ cao lắp đặt trên các mái dốc ta luy đá phong hoá; lưới thép xoắn kép có hoặc không gia cường cáp thép dùng để gia cố ổn định bề mặt mái dốc, chống đá lở, đá rơi; công nghệ neo đất SEEE bảo vệ, phòng chống sụt trượt sâu các mái dốc (đã thí điểm tại đường dẫn cầu Bãi Cháy, Quốc lộ 18 (Quảng Ninh); vật liệu NEOWEB (khung nhựa HDPE chứa đất) để gia cố mái taluy; vật liệu tấm phủ có chứa hạt cỏ giúp bảo vệ chống xói lở bề mặt ta luy đường bộ, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp….

Giới thiệu về công nghệ tái chế nguội tại chỗ tại hội thảo, TS. Nguyễn Đình Thạo, Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, đây là một trong các giải pháp hữu ích nhằm nâng cao hiệu quả đồng vốn bảo trì.

Cụ thể, TS. Nguyễn Đình Thạo thông tin, nếu cách truyền thống khi xử lý mặt đường hư hỏng có nhược điểm làm nâng cao độ mặt đường, kéo theo phá vỡ các hạ tầng liên quan (thoát nước, hạ tầng đô thị…), thêm vào đó sẽ làm lãng phí nguồn tài nguyên…Với giải pháp tái chế sâu tại chỗ mật đường hư hỏng sẽ khắc phục được các nhược điểm trên. Đặc biệt, tái chế tại chỗ dùng xi măng, nhũ tương nhựa sẽ giúp lớp móng tái chế có cường độ cao, ổn định, bền vững.

Về tính kinh tế khi áp dụng công nghệ tái chế nguội tại chỗ, TS. Nguyễn Đình Thạo cho sẻ, theo tính toán khi áp dụng công nghệ này sẽ tiết kiệm từ 10-30% so với công nghệ truyền thống, tận dụng 100% vật liệu cũ, rút ngắn thời gian thi công.

Được biết, công nghệ tái chế nguội tại chỗ mặt đường hư hỏng đã được ngành giao thông vận tải quan tâm, tiếp cận từ 2008. Trên cơ sở thử nghiệm thành công từ năm 2009 và áp dụng hiệu quả, công nghệ này đã được tiêu chuẩn hóa ở Bộ Giao thông Vận tải. Sau đó là tiêu chuẩn hóa ở cấp quốc gia với việc ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam số TCVN 13150-1 vào năm 2020. Định mức dự toán cũng được Bộ Xây dựng ban hành trong hệ thống định mức quốc gia. Như vậy, công nghệ này có đầy đủ về các điều kiện pháp lý cho áp dụng rộng rãi trên toàn quốc.

Trong bối cảnh nguồn vật liệu ngày càng khan hiếm, các chuyên gia cho rằng công nghệ tái chế nguội tại chỗ mặt đường hư hỏng sẽ giải quyết bài toán thiếu vật liệu xây dựng nền, mặt đường cũng như đáp ứng các yêu cầu mới về môi trường, về kinh tế tuần hoàn; công nghệ tái chế nguội hoàn toàn phù hợp để giúp tận dụng các vật liệu đổ thải tại dự án để sử dụng cho công trình, thay thế cho vật liệu phải mua, chuyển đến từ mỏ. Giải pháp chính là sử dụng công nghệ tái chế nguội để gia cố các loại vật liệu không phù hợp để làm các lớp nền thượng, móng dưới cũng như phần móng của hệ thống đường gom, đường bên.

Về phần duy tu, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư HSB (Hà Nội) đã giới thiệu tới hội nghị máy tái sinh bê tông nhựa nóng với các lợi ích mang lại như tiết kiệm thời gian thi công, chi phí tái chế thấp. Đặc biệt công suất sản xuất bê tông nhựa nóng hoặc bê tông nhựa nguội đạt tới 24 tấn/ngày. Máy tái sinh bê tông nhựa nóng giúp linh hoạt trong sửa chữa các ổ gà, vết rạn nứt mai rùa, các đoạn đường xuống cấp…

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ những khó khăn trong áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới hiện nay như: chưa có hướng dẫn đồng bộ về việc triển khai thí điểm, ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới và xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kỹ thuật đối với các công nghệ mới, vật liệu mới để thuận lợi áp dụng trong thực tế tại Việt Nam; một số công nghệ mới, vật liệu mới lần đầu áp dụng chưa có định mức…/.