Yêu cầu quy định mức thuế cao hơn với người có nhiều đất, nhà ở

Yêu cầu quy định mức thuế cao hơn với người có nhiều đất, nhà ở, là nội dung chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 37/NQ-CP về ban hành Chương trình đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Quy định này đã phần nào cho thấy sự quyết tâm của các ban, ngành trong việc đánh thuế để hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản. Còn theo ý kiến nhiều chuyên gia, việc đánh thuế là cần thiết nhưng phải cụ thể đánh thuế mức nào và đối tượng ra sao, để có thể bảo vệ quyền lợi của những người yếu thế.

Để có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này, PVVOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Trần Khánh Quang, chuyên gia về bất động sản, Tổng giám đốc công ty Việt An Hòa.

PV: Thưa ông, tại Nghị quyết 37/NQ-CP về ban hành Chương trình đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, quản lý và sử dụng đất được ban hành mới đây, Chính phủ đã yêu cầu quy định mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều đất, nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ hoang đất. Ông có cái nhìn như thế nào về nội dung này?

Ông Trần Khánh Quang: Theo chúng ta biết thì hiện nay, việc đầu tư bất động sản nó đã trở nên phổ biến, thậm chí việc đầu cơ bất động sản nó tạo ra những sản phẩm bất động sản, những căn nhà, những lô đất bị bỏ trống. Trong lúc đó cầu về nhà ở còn rất là nhiều.

Do đó theo tôi đánh giá thì đây là một Nghị quyết đúng đắn, để làm sao đưa thị trường bất động sản phát triển theo một cái hướng bền vững hơn. Làm sao để đất đai, các nguồn lực về bất động sản được đưa vào hoạt động, được khai thác cho tốt, chứ không thể bỏ hoang, làm hoang phí, kể cả đó là tài sản của xã hội.

Ảnh nh họa: VTC

 

PV: Để quy định này khi đi vào thực tiễn có thể mang lại những tác động tích cực, theo ông cần phải chú ý đến những yếu tố gì?

Ông Trần Khánh Quang: Rõ ràng đây là việc nói thì dễ nhưng mà trong lúc làm thì rất là khó. Vì cái tồn tại lịch sử để lại chúng ta thấy là, bất động sản hiện nay mỗi người sẽ sở hữu một cách khác nhau. Thậm chí có những người sở hữu bất động sản lớn, tuy nhiên là phải dành cho con cái trong nhà, thành ra khi chia ra, tính trên bình quân đầu người thì cũng chưa chắc phải là một bất động sản lớn.

Thành ra để cái việc này đưa vào thực tiễn thì theo tôi đánh giá là việc khó. Mà muốn làm những việc như vậy chúng ta phải xây dựng cơ sở hạ tầng về quản lý số liệu bất động sản, về giao dịch bất động sản.

Có như vậy chúng ta mới đánh giá được rằng, mọi cá nhân sở hữu bất động sản như thế nào, diện tích là bao nhiêu, thì lúc đó chúng ta mới đưa ra được là nên đánh thuế ở mức diện tích nào, và những bất động sản nào sẽ được xem như bỏ hoang, để tránh cái trường hợp là thuế không công bằng.

Muốn làm được việc này thì ngay từ thời điểm này, chúng ta phải số hóa số liệu bất động sản trên toàn quốc, cái nền tảng phải là như vậy trước thì như vậy chúng ta mới đánh giá được nên đánh thuế như thế nào, cái nguồn thu như thế nào.

PV: Xin cảm ông!