Ý tưởng sáng tạo trong các “Tổ liên gia an toàn PCCC”

Hà Nội đang trong cao điểm nắng nóng, nguy cơ cháy nổ xảy ra thường trực nhất. Ý thức được điều này, việc đẩy mạnh xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “điểm chữa cháy công cộng” đã giúp Công an Q. Thanh Xuân tạo chuyển biến về nhận thức của người dân và hạn chế nguy cơ cháy nổ.

Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Thanh Xuân tuyên truyền công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các Tổ liên gia an toàn PCCC địa bàn phường Thượng Đình

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Thắng – Phó trưởng Công an quận Thanh Xuân, thực hiện Kế hoạch số 53/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội, công an quận đã tích cực triển khai việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng trên địa bàn, trong đó đẩy mạnh xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “điểm chữa cháy công cộng”.

Theo đó, Tổ liên gia an toàn PCCC gồm các hộ gia đình nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh liền kề nhau. Tham gia tổ liên gia, mỗi hộ gia đình trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay và tối thiểu 1 bộ dung cụ phá dỡ.

Mỗi hộ gia đình lắp đặt 1 chuông báo cháy, 2 nút ấn báo cháy (1 nút ấn trong nhà, 01 nút ấn ngoài nhà) ở các vị trí phù hợp tại mỗi hộ gia đình. Nút ấn và chuông báo cháy của các hộ gia đình trong Tổ liên gia được liên kết với nhau.

Các thành viên trong hộ gia đình cài đặt và sử dụng thành thạo App báo cháy 114. Ngoài ra, các ngõ, hẻm có chiều sâu từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận đều đã và đang được bố trí “Điểm chữa cháy công cộng” để phục vụ công tác chữa cháy tại chỗ.

Một điểm chữa cháy công cộng trên địa bàn phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại chỗ

Đưa chúng tôi đến một điểm chữa cháy công cộng trong ngõ 115 đường Nguyễn Trãi, thuộc khu dân cư Cơ khí 2A, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, ông Nguyễn Thế Khang phấn khởi giới thiệu về các thiết bị có tại điểm chữa cháy công cộng này như: búa, xà cầy, kìm cộng lực và bình cứu hỏa. Điều đặc biệt là các dụng cụ này đều được tổ dân phố vận động nhân dân xã hội hóa để lắp đặt.

Nhớ lại thời điểm tháng 8/2022, sau khi khi nghe thông tin chuẩn bị triển khai xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “điểm chữa cháy công cộng”, là tổ trưởng Tổ dân phố số 1, phường Thượng Đình, bà Lê Thị Hạnh đã vận động người dân cùng tham gia và nhận được những phản hồi rất tích cực.

Theo bà Hạnh, từ chỗ xem công tác PCCC là nhiệm vụ của riêng lực lượng chức năng, việc xây dựng các mô hình này sẽ giúp người dân thay đổi nhận thức, xác định đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người, mọi nhà để đảm bảo an toàn trong khu dân cư.

Còn theo ông Trần Phan Mỹ – Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Đình, việc xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “điểm chữa cháy công cộng” nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC tới từng hộ gia đình, giúp người dân nắm bắt được những kiến thức cơ bản nhất về PCCC, góp phần làm giảm nguy cơ cháy, nổ và kịp thời xử lý khi có cháy nổ; Xây dựng mối đoàn kết giữa các hộ gia đình trong khu dân cư gắn với phong trào toàn dân phòng chống tội phạm.

Ông Nguyễn Thế Khang – Bí thư Chi bộ khu dân cư Cơ khí 2A, phường Thượng Đình giới thiệu về Tiêu lệnh chữa cháy của một Tổ liên gia an toàn PCCC trên địa bàn phường

Đáng chú ý, trong quá trình triển khai và xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng trên địa bàn, chính quyền và người dân quận Thanh Xuân cũng có những cách làm riêng, khắc phục khó khăn và đem lại hiệu quả tích cực.

Như tại khu dân cư Cơ khí 2A, phường Thượng Đình, các hộ dân thuộc Tổ liên gia an toàn PCCC đã trang bị loa báo động công suất lớn, thay cho hệ thống chuông báo cháy. Theo ông Nguyễn Thế Khang – Bí thư Chi bộ khu dân cư Cơ khí 2A, phường Thượng Đình, việc lắp đặt loa báo động không chỉ để cảnh báo nguy cơ cháy nổ mà còn có thể báo động khi có trộm cắp hoặc mất an ninh trật tự tại mỗi hộ dân.

Hệ thống loa, đèn báo động cùng với xe chữa cháy lưu động là những mô hình sáng tạo của các Tổ liên gia an toàn PCCC trên địa bàn phường Thượng đình, quận Thanh Xuân

Đánh giá về cách làm sáng tạo này của người dân trên địa bàn, Thượng úy Lã Tuấn Anh – Cán bộ Đội cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Thanh Xuân cho rằng, việc thành lập và đi vào hoạt động của tổ liên gia tự quản về PCCC cùng các cách làm sáng tạo tại mỗi tổ liên gia là một việc làm thiết thực góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia PCCC, nhất là trong bối cảnh tình hình cháy nổ có những diễn biến phức tạp như hiện nay.

Tuy nhiên, Thượng úy Lã Tuấn Anh cũng lưu ý, mỗi mô hình sáng tạo sẽ phù hợp với đặc thù của riêng từng địa bàn. Với khu dân cư Cơ khí 2A, phường Thượng Đình, bên cạnh việc lắp đặt loa báo động thay cho hệ thống báo cháy, các hộ dân nên trang bị thêm thiết bị ắc quy hoặc hệ thống lưu điện để duy trì tính kết nối nếu hệ thống điện bị ngắt khi không may có cháy nổ xảy ra.

Từ những hiệu quả thiết thực trong công tác xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng trên địa bàn, ông Trần Phan Mỹ – Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Đình cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp với Công an quận Thanh Xuân mở rộng các loại hình tuyên truyền phù hợp đến từng hộ dân trong công tác đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ. Xem đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự, đặc biệt là công tác PCCC ở từng khu dân cư.

Thượng úy Lã Tuấn Anh – Cán bộ Đội cảnh sát PCCC&CNCH quận Thanh Xuân hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị PCCC tại một điểm chữa cháy công cộng

Ngoài ra, Trung tá Vũ Văn Quân – Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Thanh Xuân nhấn mạnh, việc xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân nâng cao ý thức, kiến thức, kỹ năng sử dụng trang thiết bị PCCC cơ bản, kỹ năng thoát hiểm, giải quyết sự cố cháy, nổ trong tình huống cháy nổ xảy ra của Nhân dân.

Đồng thời, phát huy phương châm “4 tại chỗ”; chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, tổ chức chữa cháy có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do các vụ cháy, nổ xảy ra trên địa bàn khu dân cư.

Một tín hiệu tích cực là với việc ngày càng có nhiều “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” được ra mắt, bước vào mùa cao điểm nắng nóng, nguy cơ cháy nổ luôn hiện hữu, mô hình này sẽ là giải pháp ngăn chặn từ sớm, từ xa và có hiệu quả những đám cháy ngay từ khi mới phát sinh./.