Xuất khẩu rau quả miền Tây đứng trước cơ hội lớn

Nhờ uy tín, chất lượng ngày càng nâng cao, nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL đã khẳng định được vị thế trong xuất khẩu, mang về giá trị cao cho doanh nghiệp và người dân.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2024 của vùng Tây Nam Bộ đạt 15,7 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ, chiếm 6,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Các địa phương có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm nay gồm Long An 4,35 tỷ USD, Tiền Giang 3,66 tỷ USD, Đồng Tháp 1,42 tỷ USD và Sóc Trăng 1,04 tỷ USD.

HTX Cây ăn trái Thái Thanh ở huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ hiện có 24 thành viên, với diện tích trồng cây ăn trái hơn 133 ha, trong đó có hơn 100 ha trồng thanh nhãn và hơn 30 ha trồng nhãn Ido. Nhờ liên kết trồng cây ăn trái theo hướng chất lượng, an toàn và có mã số vùng trồng, mặt hàng thanh nhãn của HTX Thái Thanh đã tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa và được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ...

Ông Trần Phước Sơn, Chủ tịch HĐQT HTX cây ăn trái Thái Thanh cho biết: Trọng tâm của chúng tôi là trồng ra các loại trái cây đạt chất lượng, đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu đi thị trường khó tính. Chúng tôi cũng nghĩ đến thị trường nội địa hơn 100 triệu dân, không hề nhỏ. Ngoài hợp tác xuất khẩu thì chúng tôi cũng hướng đến mục tiêu sản xuất trái cây ngon để quảng bá thương hiệu địa phương ở trong nước.

Còn tại Hậu Giang, chanh không hạt là nông sản thế mạnh và được nhiều bà con chọn canh tác để phát triển kinh tế. Số liệu của Cục thống kê tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 2.970ha chanh. Trên những cánh đồng chanh luôn có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn canh tác, đảm bảo các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu…

Bà Nguyễn Thị Thuyết, Giám đốc HTX nông nghiệp Thạnh Phước, huyện Châu Thành, cho biết, nhờ liên kết với một đơn vị chuyên môn mà chanh không hạt của HTX hiện đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Đầu ra ổn định, cộng với giá chanh đang cao kỷ lục, khiến người trồng rất phấn khởi: Mình tự đóng, ra hàng, chế biến xuất khẩu luôn. Còn bên kia người ta lấy tiền cho mình. Vùng mình cũng còn nhiều nhưng vẫn không đủ nên chị phải đi phải mấy tỉnh khác gom.

Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2024 của vùng Tây Nam Bộ đạt 15,7 tỷ USD - Ảnh nh họa Báo Chính phủ

Có thể thấy, ngoài lợi thế về chất lượng, nhiều loại trái cây Việt Nam có đặc tính rải vụ nên xuất khẩu rau quả năm nay được đánh giá còn nhiều dư địa để xuất khẩu. Chỉ riêng 5 loại trái cây gồm thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn, diện tích rải vụ đã chiếm trên 62% tổng diện tích thu hoạch, sản lượng rải vụ chiếm trên 54% tổng sản lượng. Vấn đề cốt lõi là phải quan tâm đến vấn đề chất lượng nông sản để giữ vững uy tín trên thị trường, muốn làm được điều này đòi hỏi phải hướng đến nông dân phải là những người nông dân chuyên nghiệp.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt, ngành rau quả là một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam hiện nay, ngành hàng đã tăng trưởng liên tục trong thời gian qua. Trong đó vùng ĐBSCL đóng góp khoảng 60 - 70% tổng sản lượng rau quả của cả nước. Hiện nay trong tổng số các hiệp định thương mại tự do đã ký kết có điều khoản rau quả phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu, điều này này nói lên chất lượng rau quả sẽ quyết định đến xuất khẩu. Vì vậy, ngành hàng rau quả đã tập trung xây dựng thương hiệu, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn để vào các thị trường khó tính.

Ông Đặng Phúc Nguyên cho biết thêm: Các địa phương có những chương trình để tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất dễ dàng. Thực hiện truy xuất nguồn gốc, tham gia các sàn thương mại điện tử hoặc là các hội chợ trong và ngoài nước để bán hàng, để giới thiệu về hàng hóa.

Theo ông Nguyên, khi các địa phương làm được như vậy sẽ tạo ra một thương hiệu của vùng nguyên liệu. Từ đó sẽ hình thành lên một thương hiệu quốc gia. Khi hàng hóa có thương hiệu quốc gia thì sẽ dễ dàng tiếp cận được với thị trường và không còn sợ không có người mua.

Riêng đối với vùng sản xuất rau quả lớn của cả nước là ĐBSCL, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng cần hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP, khi đạt được các tiêu chuẩn thì tiến hành xây dựng thành những sản phẩm OCOP để xúc tiến vào các thị trường, nhất là những thị trường khó tính, yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng.

Vú sữa Việt Nam đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới - VOV.VN

Theo Cục Xuất nhập khẩu, đối với mặt hàng rau quả, nhiều loại trái cây được khơi thông, thâm nhập, mở rộng xuất khẩu vào nhiều thị trường như sầu riêng, dừa tươi vào thị trường Trung Quốc; nhãn, thanh long, dừa tươi vào thị trường Hoa Kỳ; vải, nhãn vào thị trường Nhật Bản; xoài, bưởi vào Hàn Quốc; chanh, bưởi vào thị trường Newzealand đã góp phần giúp xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh.

Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho rằng: Xây dựng những vùng, những chuỗi liên kết sản xuất lớn, khi mà xuất khẩu chúng ta phải đảm bảo được cái số lượng hàng hóa xuất khẩu, cái thứ hai là chất lượng, cái thứ ba là đảm bảo về công tác truy xuất nguồn gốc, về xuất xứ cũng như là nhãn hiệu, thương hiệu của chúng ta trên các thị trường, cái này cũng cần có sự liên kết, phối hợp.

Trong thời gian tới chúng ta cần phối hợp, đẩy mạnh xuất khẩu theo hình thức chính ngạch để làm sao các sản phẩm của chúng ta đi vào các thị trường lớn được và các thị trường khó tính.

Để xuất khẩu bền vững rất cần có chiến lược phát triển bền vững và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu. Đặc biệt là có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong Nghị định thư đã ký.