Xe tải nặng cày nát tỉnh lộ 237

Từng đoàn xe tải trọng lớn vận chuyển vật liệu chạy nườm nượp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Tỉnh lộ 237, đoạn từ cầu Khuẩy Khỉn xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đến công trường thi công Hồ chứa nước Bản Lải đang xuống cấp nghiêm trọng.

Nguyên nhân là từng đoàn xe tải trọng lớn vận chuyển vật liệu chạy nườm nượp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Đường nhựa biến thành đường đất làm những chiếc xe nhỏ mắc kẹt 

 

 

"Tuyến đường này từ trước là đường nhựa đẹp nhưng giờ nó bung lên. Tình trạng này từ tháng 2 tháng 3, dân đi lại rất khổ sở, đi đêm không thấy đường là ngã, nhiều người ngã lắm".

"Cung đường từ Lộc Bình về đến đây bị hư hỏng hết rồi, tai nạn lật xe liên tục luôn. Mấy hôm trước chỉ mưa ít thôi mà đã có 2 xe bị lật trên kia rồi".

Có rất nhiều ý kiến bức xúc của nhân dân xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn khi nhắc đến tuyến tỉnh lộ 237 (thuộc Sở Giao thông vận tải Lạng Sơn quản lý). Tuyến đường này được xây dựng từ năm 2002 với thiết kế cho xe trọng tải thấp và lưu lượng không nhiều.

Tuy nhiên, khi dự án Hồ chứa nước Bản Lải bắt đầu khởi công, từng đoàn xe tải cỡ lớn chạy liên tục ngày đêm đã cày nát tuyến đường này, nhất là đoạn từ km 0 đến km 10+400.

Những chiếc xe bê-tông gấp nhiều lần tải trọng cho phép của tuyến đường tỉnh 237 vẫn ngày đêm lưu thông 

Ông Lộc Văn Độ, Chủ tịch UBND xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn cho biết: 

 

"Sau khi thi công, công tác vận chuyển cát sỏi vào trong để phục vụ công trình, trong thời gian vừa qua, các xe quá trọng tải đã ảnh hưởng rất là lớn, người dân đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Xã cũng đã có kiến nghị trực tiếp đến UBND huyện. Hiện tại, tuyến đường quá tải và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trên địa bàn".

Mỗi ngày đêm, hàng chục lượt xe tải trọng từ 50 tấn đến 70 tấn chở đá sỏi, bê tông nối nhau chạy làm cho đoạn đường này xuất hiện nhan nhản các hố lún cục bộ, mặt đường bê tông phồng rộp, vỡ nát, nhất là đoạn qua Bản Tấu, xã Tú Đoạn hay đoạn qua Bản Chu, Bản Cảng xã Khuất Xá…. Riêng cầu Khuẩy Khỉn chỉ cho phép xe có tải trọng 8 tấn nhưng thực tế, xe có tải trọng gấp nhiều lần vẫn lưu thông qua cầu.

Lo ngại cây cầu đổ sập bất cứ lúc nào, UBND huyện Lộc Bình đã có ý kiến với Sở giao thông vận tải và yêu cầu chủ đầu tư công trình hồ chứa Bản Lải chấp hành các quy định về tải trọng phương tiện trên tuyến đường này.

Mặt đường nhựa bị phồng rộp, vỡ nát do xe tải trọng lớn chạy liên tục ngày đêm.
Việc san gạt cũng chỉ là giải pháp tạm thời, chủ yếu phục vụ các đoàn xe tải chở vật liệu xây dựng vào công trường.  

Ông Hoàng Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn cho biết:

 

"3 tháng trở lại đây, mùa mưa kéo dài và khối lượng vận chuyển vật liệu và công trình là rất lớn. UBND huyện đã có văn bản gửi Sở giao thông vận tải yêu cầu tăng cường công tác tuần tra kiểm soát tải trọng xe trên tuyến đường. Thời gian gần đây, con đường đã xuống cấp tương đối nghiêm trọng".

Trước thực tế xuống cấp của tuyến tỉnh lộ 237 và kiến nghị của chính quyền, nhân dân địa phương khu vực tuyến đường đi qua, ông Lý Văn Giang, Trưởng Ban quản lý dự án Hồ chứa nước Bản Lải cho biết: Về lâu dài đã lập hồ sơ xin phép Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt gói thầu nâng cấp cầu Khuẩy Khỉn và sửa chữa mở rộng nền đường theo đúng tiêu chuẩn cấp 5 ền núi khi công trình Hồ chứa nước Bản Lải hoàn thành. Tuy nhiên, thời điểm này chỉ khắc phục tạm thời các điểm hư hỏng nặng trên tuyến đường.

 

"Trước mắt huy động các xe chở nguyên vật liệu từ mỏ đá Hồng Phong về xúc, xử lý các đoạn hư hỏng. Bằng giải pháp là xúc bỏ toàn bộ nền đất yếu và đắp lại bằng đá 4x6. Bên trên là một lớp đá dăm, đảm bảo mục tiêu là vận chuyển vật liệu và giao thông đi lại của bà con".

Khi trời mưa, nhiều đoạn trên tuyến đường tỉnh 237 trở thành những con sông bùn nhão gây khó khăn và nguy hiểm cho người tham gia giao thông

Với hàng chục lượt xe tải trọng lớn hàng ngày chạy qua tuyến đường này thì các biện pháp khắc phục tạm thời của đơn vị thi công chưa biết sẽ hiệu quả đến đâu. Mặc dù chủ đầu tư dự án Hồ chứa Bản Lải cũng hứa hẹn về một con đường mới, nhưng theo kế hoạch thì đến năm 2021 dự án mới hoàn thành và chỉ khi ấy, con đường mới có thể được nâng cấp, sửa chữa triệt để. Trong khi đó, người dân ven tuyến đường 237 đang từng ngày đối mặt với bụi bặm và nguy cơ tai nạn rình rập khi lưu thông trên tuyến đường này.