Xe đạp chia sẻ ở Hà Nội

Mọi ý tưởng dân sinh đều khó tránh vấp phải những quan điểm trái chiều. Ý tưởng về xe đạp công cộng của Hà Nội cũng thế thôi. Nhưng, Hà Nội có lợi thế của một người đi sau. Quan trọng là chúng ta có tận dụng lợi thế đó hay không?

 

Vừa qua, tôi đọc được được trên báo về việc, Hà Nội cuối cùng đã có dự định sẽ xây dựng hệ thống xe đạp chia sẻ. Tôi nghĩ, đây là một việc lẽ ra một thành phố như Hà Nội nên làm từ rất lâu và tất nhiên những thành phố khác ở Việt Nam cũng nên quan tâm và nên sớm triển khai.

Kinh tế chia sẻ hay là các hoạt động chia sẻ không còn xa lạ và mang lại rất là nhiều lợi ích, đặc biệt là cho các đô thị, trong đó có chia sẻ xe đạp và sử dụng chung xe đạp.

Thực ra Hà Nội không phải thành phố đầu tiên, có rất nhiều thành phố trên thế giới đã từ 10-20 năm nay. Vì vậy, Hà Nội đương nhiên có ưu thế của người đi sau và có thể học được khá nhiều từ các thành phố khác nhau, nếu như chúng ta muốn học.

Hệ thống xe đạp công cộng thí điểm tại khu vực trung tâm TP.HCM. Ảnh: Thanh niên

Tôi muốn nhắc đến một kinh nghiệm ở Paris, năm 2007, họ đã khai trương dự án xe đạp chia sẻ Vélib – một trong những dự án lớn top đầu thế giới thời điểm đó. (Nhân đây, cũng phải nói thêm, tất cả những dự án xe đạp chia sẻ trên thế giới gần như đều nằm ở Trung Quốc – quốc gia tương đối gần để chúng ta có thể học tập).

Lúc đó, Vélib cung cấp 14.500 xe đạp và trên 1.400 trạm thuê xe. Đây là một trong số những dự án xe đạp chia sẻ có tỷ lệ xe đạp trên số cư dân hiệu quả nhất (1 xe/97 người dân).

Trong 10 năm đầu, dự án được vận hành bởi công ty Quảng cáo, sau khi được chính quyền Paris đưa ra đấu thầu công khai, công ty này  đã đầu tư 140 triệu USD cho hệ thống xe đạp này.

Không chỉ người dân được hưởng lợi từ hệ thống đó, mà Paris sẽ được hưởng một khoản phí từ du khách  trả tiền thuê xe. Đổi lại, công ty quảng cáo kia được nhận độc quyền đối với hơn 1.600 biển quảng cáo do thành phố sở hữu trong thời hạn 10 năm.

Dự án này đã vận hành khá thành công và cho đến năm 2008, sau khi đấu thầu trở lại, một công ty khác thắng thầu đã thay thế và tiếp tục duy trì dự án. Cá nhân tôi cũng đã từng trải nghiệm Vélib. Tôi thấy nó rất là dễ dàng và tiện lợi.

Trở lại với ý định của Hà Nội, để có một hệ thống xe đạp chia sẻ, tôi nghĩ nó sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho thành phố. Tất nhiên, sẽ còn bao gồm việc nên có những con đường dành riêng cho xe đạp. Và bài học của Vélib ở Paris tôi nghĩ là một trong những bài học đáng để thành phố quan tâm.

Ý định của thành phố Hà Nội sẽ thành công nếu như thành phố có khả năng đặt ra một bài toán phù hợp, có những mục tiêu rõ ràng và quan trọng nữa là có thể đấu thầu công khai, để lựa chọn được người cung cấp hoạt động xe đạp công cộng một cách hữu hiệu.

Và tất nhiên, cũng nên lo ngại việc khi triển khai, nếu không được quan tâm một cách đúng mức, nó sẽ gây tổn hại cho việc thực hiện hệ thống xe đạp chia sẻ trong tương lai, đặc biệt đối với một thành phố lớn như Hà Nội.

Tất nhiên, tôi sẽ vẫn lạc quan và rất mong là Hà Nội sẽ có một dự án xe đạp chia sẻ thành công, để cá nhân tôi sẽ là một trong số những khách hàng đầu tiên của hệ thống này./.