Xây dựng sân bay lưỡng dụng Thành Sơn, Ninh Thuận theo phương thức PPP

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về bổ sung quy hoạch Cảng hàng không Thành Sơn, tỉnh Ninh Thuận vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc tầm nhìn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, trên cơ sở ý kiến các cơ quan liên quan, Bộ GTVT hoàn thiện báo cáo việc nghiên cứu việc chuyển các sân bay quân sự thành sân bay lưỡng dụng và kết quả nghiên cứu Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức PPP khai thác các cảng hàng không; trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, thời gian chậm nhất là ngày 30/4/2023.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận, sân bay Thành Sơn hiện đảm bảo đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn để sử dụng, khai thác sân bay dùng chung kết hợp quân sự và dân dụng - Ảnh chinhphu.vn

Căn cứ các quy định của Luật Quy hoạch, Bộ GTVT hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước ngày 30/4/2023. Đồng thời, triển khai lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng hàng không Thành Sơn làm cơ sở triển khai đầu tư.

Trong thông báo này, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ: GTVT, Quốc phòng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường chủ động triển khai công tác chuẩn bị để sớm triển khai việc đầu tư, khai thác các cảng hàng không, sân bay khi Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức PPP khai thác các cảng hàng không và Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trong đó lưu ý việc xử lý tài sản công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng... bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định.

UBND tỉnh Ninh Thuận có nhiệm vụ triển khai nghiên cứu, lập và đánh giá các phương án đầu tư theo phương thức PPP (trong đó thống nhất với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan về phương án sử dụng đường cất hạ cánh hiện hữu hay xây dựng mới để có phương án xử lý đất đai, tài sản theo quy định) theo các tiêu chí hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và khả năng huy động nguồn vốn (vốn Nhà nước (Trung ương, địa phương) và vốn nhà đầu tư) đầu tư Cảng hàng không Thành Sơn;

Xây dựng Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức PPP khai thác Cảng hàng không Thành Sơn theo hướng dẫn của Bộ GTVT, phù hợp với các quy hoạch có liên quan, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định (trong đó có việc giao cơ quan có thẩm quyền).

Trước đó, Chính phủ đã thành lập tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và sân bay quân sự Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Sau khi rà soát, đầu tháng 2, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất đưa sân bay Thành Sơn vào quy hoạch hệ thống sân bay toàn quốc 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, phục vụ cả dân dụng và quân sự.

Thành Sơn là sân bay quân sự cấp 1, rộng 22 km2, nằm phía bắc TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Sân bay đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn tĩnh không và an toàn hành lang bay. Sân bay đạt tiêu chuẩn cấp 4C theo phân loại của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), đủ điều kiện khai thác các đường bay thương mại nội địa.

Khi đưa sân bay Thành Sơn vào khai thác dịch vụ vận tải hàng không sẽ tạo bước đột phá về phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh Ninh Thuận, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại cho người dân, các nhà đầu tư và khách du lịch đến với tỉnh.

Đến năm 2030, sản lượng khách du lịch tại tỉnh Ninh Thuận dự kiến đạt 6 triệu. Nhu cầu vận tải khách hàng không có thể đạt tới 1,5 triệu năm 2030 và 3-5 triệu khách năm 2050. Vì vậy, Cục Hàng không cho rằng bổ sung sân bay Thành Sơn khai thác lưỡng dụng vào quy hoạch là có cơ sở.