WHO công bố hướng dẫn mới về chất lượng không khí toàn cầu

Ngày 22/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố những thông tin mới nhất về Hướng dẫn chất lượng không khí toàn cầu - Global Air Quality Guidelines (AQGs) 2021. Đây là bản cập nhật đầu tiên cho AQGs kể từ lần đầu được công bố năm 2005.

Ảnh nh họa

Theo định kỳ, WHO ban hành các Hướng dẫn Chất lượng không khí toàn cầu (viết tắt là AQGs) dựa trên vấn đề sức khỏe để hỗ trợ các chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự trong việc giảm mức độ phơi nhiễm ô nhiễm không khí và những tác động tiêu cực của nó đến sức khỏe.

Tài liệu hướng dẫn cập nhật của WHO về chất lượng không khí toàn cầu đưa ra các khuyến nghị về các ngưỡng chất lượng không khí đối với sáu chất ô nhiễm không khí chính. Bao gồm: bụi mịn (PM), ôzôn (O₃), nitơ điôxít (NO₂), lưu huỳnh điôxít (SO₂) và cacbon monoxit (CO). Một số giá trị trong tài liệu hướng dẫn AQG 2021 thấp hơn so với 15 năm trước. 

Các ngưỡng đặt ra cho các chất ô nhiễm cụ thể trong tài liệu hướng dẫn này có thể được sử dụng như một tài liệu tham khảo cung cấp bằng chứng giúp các cơ quan quản lý xây dựng các tiêu chuẩn và mục tiêu quản lý chất lượng không khí (CLKK). Đây cũng là một công cụ thiết thực để thiết kế các biện pháp hiệu quả nhằm thực hiện các mục tiêu về giảm phát thải và kiểm soát ô nhiễm.   

So với Hướng dẫn năm 2005, tài liệu hướng dẫn cập nhập 2021 của WHO có một số điểm mới. Cụ thể, sử dụng các phương pháp mới để tổng hợp bằng chứng và xây dựng hướng dẫn; Củng cố các bằng chứng về tác động sức khỏe; Cung cấp bằng chứng chắc chắn hơn về tác động sức khỏe ở các ngưỡng thấp hơn; đưa thêm một số ngưỡng và mục tiêu khuyến nghị mới, chẳng hạn như mùa cao điểm của O₃, nồng độ NO₂ và CO 24 giờ.

Theo ước tính của WHO, khoảng 7 triệu ca tử vong sớm chủ yếu từ các bệnh không lây nhiễm, là do cả ô nhiễm không khí trong nhà và xung quanh. Chỉ tính riêng ô nhiễm không khí xung quanh (bên ngoài) đã làm mất đi hàng trăm triệu năm sống khỏe mạnh, trong đó hầu hết gánh nặng bệnh tật đặt vào các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình. 

Mặc dù chất lượng không khí đã dần được cải thiện ở các nước thu nhập cao, nhưng ở nhiều khu vực, nồng độ một số chất ô nhiễm vẫn vượt ngưỡng vượt ngưỡng 10 µg/m³ theo hướng dẫn AQG của WHO năm 2005. Năm 2019, hơn 90% dân số toàn cầu sống trong những khu vực có nồng độ vượt mức của WHO năm 2005 về phơi nhiễm PM2,5 dài hạn. Nồng độ PM2,5 theo trọng số dân số trung bình năm cao nhất là khu vực Đông Nam Á, tiếp sau là Khu vực Đông Địa Trung Hải. Nhiều quốc gia có mức độ phơi nhiễm với bụi PM2.5 thấp nhất theo tiêu chuẩn của WHO là khu vực Châu Mỹ và Châu Âu. Với ngưỡng AQG năm 2021 xuống thấp hơn năm 2005, thì gánh nặng bệnh tật do ONKK sẽ tăng lên ở tất cả các quốc gia.