Vương quốc quýt hồng đón Tết

Chỉ có 3.000 tấn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã đẩy thương hiệu quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) khan hiếm với mức giá 80.000 đồng/kg.

Hiện tại thương lái vẫn chưa được xem vườn vì nông dân còn theo dõi biến động thị trường. Đến khoảng ngày 18 tháng Chạp âm lịch mới chốt giá và ngày 29 tháng Chạp thu hoạch dứt điểm.

Quýt hồng trĩu quả chờ thu hoạch cung ứng Tết

Năm nay, ngoài 800 cây quýt hồng đã lên chậu làm sản phẩm độc đáo chưng tết với mức giá giao động từ 1-6 triệu đồng/chậu thì nông dân huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đang tích cực chăm sóc 3.000 tấn trái đang thời kì ra da để chuẩn bị thu hoạch rộ dịp tết.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, không lường trước được biến động của thị trường, cộng với giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh đã khiến nhiều nhà vườn đắn đo không để trái mùa này.

Ngoài ra, dịch bệnh và vi khuẩn trong mùa mưa vừa qua làm một số diện tích bị rụng trái non, sản lượng đạt thấp. Hiện nhiều thương lái đã ngỏ lời đặt cọc nhưng nhà vườn vẫn còn chờ giá.

Chị Phạm Thị Đủ - nhà vườn trồng quýt hồng tại xã Long Hậu, huyện Lai Vung cho biết: “Có một số thương lái đến xem vườn nhưng mà gia đình hẹn lại tầm 20 tháng Chạp, vì xem sớm chốt giá, gần tết thương lái lại hạ xuống thấp. Thật ra, giá năm nay cũng không tăng mạnh lắm vì năm ngoái tôi bán cho thương lái cân tại vườn đã là 65 ngàn/kg, bán lẻ là 70 ngàn/kg rồi”.

Diện tích quýt chuẩn bị thu hoạch tết năm nay đang phát triển tốt, trái to xum xuê trĩu cành, màu đẹp, mọng nước, năng suất đạt gần 2 tấn/công đất. Anh Phạm Văn Sang, nhà vườn trồng quýt tại xã Long Hậu, huyện Lai Vung cho biết mặt hàng năm nay chưng tết rất đẹp: “Chất lượng quýt hồng hiện tại đạt 90% tiêu chuẩn, nặng từ 200gr trở lên/trái, da bóng, mọng nước, màu vàng tươi, vị ngọt chua thanh…Nhưng mà năm nay dịch con nhện quay lại khiến một diện tích nhỏ hư tổn làm cho trái quýt bị lem màu, loại này tuy trái lớn nhưng cũng phải bán hạ giá”.

Diện tích quýt chuẩn bị thu hoạch tết năm nay đang phát triển tốt, trái to xum xuê trĩu cành, màu đẹp, mọng nước.

Khai thác kết hợp bán lẻ với du lịch, các nhà vườn bắt đầu mở cửa đón khách tham quan, kết hợp ăn uống, dã ngoại để tăng thêm thu nhập tại vườn. Giá vé 50 ngàn/người, khách có nhu cầu mua quýt hồng làm quà biếu thì giá bán lẻ 80 ngàn/kg. Tuy nhiên, giai đoạn này quýt đã chín nhưng chưa rộ và độ ngọt chưa gắt nên chủ yếu là khách ăn tại vườn.

Chị Mai Thị Bích Tuyền vui vẻ chia sẻ: “Đến đây mình vừa ngắm cảnh đẹp, ăn trái ngon hái xuống, tự hái và lựa chọn nhưng trái quýt đẹp nhất, ngon nhất nên giá vé 50 ngàn/người là phù hợp với xu thế và túi tiền của người tham quan.”

Để xúc tiến hỗ trợ nông dân bán quýt tết trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Ông Huỳnh Minh Trí, trưởng phòng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn huyện Lai Vung cho biết: “Hiện một công trồng quýt hồng cho thu nhập gấp 10 lần trồng một công lúa, nhưng mà để trồng được quýt hồng phải có thổ nhưỡng thích hợp, vốn đầu tư và kĩ thuật thật vững. Lai Vung thì còn nhiều vùng trũng nên không thích hợp mở rộng diện tích quýt hồng.

Năm nay, phòng NN&PTNN huyện đang phối hợp với Sở Công Thương kết nối với các đơn vị thu mua và sử dụng các kênh quảng bá chính thống của quýt hồng Lai Vung để xúc tiến kết nối giữa bà con với các doanh nghiệp uy tín thu mua quýt tết năm nay”.

Nhà vườn kết hợp khai thác du lịch với bán lẻ quýt hồng và tham gia mô hình Hội quán Đồng Tháp để quảng bá thương hiệu quýt hồng Lai Vung vươn xa.
Hiện quýt vẫn chưa chín đều nhưng thương lái nôn nóng xem vườn định giá.

Toàn huyện Lai Vung có 318 hecta canh tác cây quýt hồng, thời gian qua bệnh vàng lá thối rễ tấn công gây hại đã làm thiệt hại lớn những diện tích đang cho trái. Hỗ trợ nông dân, huyện đã triển khai “Đề án Bảo tồn vườn quýt hồng huyện Lai Vung giai đoạn 2020-2024” và khuyến khích nhà vườn tham gia để được hướng dẫn các quy trình kĩ thuật chăm sóc quýt khỏe mạnh. Hiện tại, Lai Vung có 50 hecta tham gia đề án này. Qua khảo sát của phòng NN&PTNN tại các vườn trên địa bàn huyện, quýt hồng tết đều cho trái đẹp, năng suất cao.