Vụ con dâu khai tử bố mẹ chồng: Phục hồi điều tra hình sự liên quan tới phòng công chứng

Công an quận Tây Hồ (TP Hà Nội) đã ra quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến vụ án Con dâu khai tử bố mẹ chồng để hưởng trọn thừa kế xảy ra tại quận Tây Hồ (Hà Nội) diễn ra phức tạp nhiều năm nay

Vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An tại tòa. Trong nhiều năm nay vợ chồng 2 cụ đã có nhiều đơn kêu cứu

Sau gần một năm tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng để chờ kết quả xét xử vụ dân sự liên quan việc con dâu khai tử bố mẹ chồng còn sống nhằm mục đích hưởng trọn thừa kế xảy ra tại quận Tây Hồ (Hà Nội); ngày 17/6/2022, Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã ra Quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự đối với vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Phòng công chứng số 3 thành phố Hà Nội.

Bà Đỗ Thị Huyền, con của vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An (cùng SN 1932, ở quận Tây Hồ) cho biết, tình hình sức khỏe của 2 cụ mỗi ngày một yếu đi, gia đình rất mong muốn Công an quận Tây Hồ sẽ nhanh chóng điều tra vụ án, để sớm có kết quả, từ đó là cơ sở để tuyên hủy các giấy tờ những cán bộ đã làm sai lệch, khai tử ông bà trong khi vẫn đang sống.

Là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An trong vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, đến nay cơ quan điều tra đã tiếp tục phục hồi điều tra và có thể là tới đây, cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can để xử lý đối với cá nhân đã có hành vi là thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng.

“Ngoài ra, vụ án dân sự vẫn tiếp tục  được giải quyết tại Tòa án thành phố Hà Nội và đến nay, mọi thủ tục tố tụng cũng đã hoàn tất và Tòa án cũng sẽ đưa vụ án dân sự ra giải quyết. Việc giải quyết vụ án hình sự và dân sự được thực hiện qua hai thủ tục độc lập và tôi nghĩ rằng là hoàn toàn có thể diễn ra trong thời gian tới”, Luật sư Cường nói.

Vụ việc xảy ra từ năm 2005, chồng bà Vũ Thị Viễn là ông Đỗ Mạnh Tiến qua đời. Sau đó, bà Viễn đã đến Phòng Công chứng số 3, TP. Hà Nội thực hiện thủ tục kê khai di sản thừa kế.

Người thừa kế trong kê khai của bà Viễn chỉ có bà Viễn và 2 con gái. Đối với vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An (cùng SN 1932, ở quận Tây Hồ) bà Viễn khai "đã chết".

Trong khi đó, theo Luật Công chứng 2014, để thực hiện công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế, người yêu cầu công chứng phải chuẩn bị hồ sơ gồm các giấy tờ có liên quan, trong đó có giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng nh người để lại di sản đã chết.

Sau khi nhận hồ sơ, tổ chức hành nghề công chứng sẽ tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn nơi người để lại di sản thường trú cuối cùng và nơi có nhà đất (nếu không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó).

Nội dung niêm yết phải nêu rõ các nội dung như: Họ, tên người để lại di sản; Họ, tên của những người khai nhận di sản; Quan hệ của những người khai nhận di sản với người để lại di sản; Danh mục di sản thừa kế niêm yết 15 ngày và UBND xã, phường,  thị trấn có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết.

Tuy nhiên trong vụ việc này, theo Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, "Nếu trong trường hợp công chứng viên chỉ căn cứ vào lời khai của đương sự về việc bố mẹ đã mất mà không yêu cầu đương sự xuất trình giấy chứng tử, cũng không xem xét xác nh sự việc mà lại đồng ý thực hiện thủ tục khai nhận thừa kế để chuyển quyền sở hữu nhà và sử dụng đất trái pháp luật thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của luật công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Sự việc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự nhân phẩm của công dân thi đó là hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định của bộ luật hình sự hiện hành"./.