Vĩnh cửu để làm gì

Những công trình vỉa hè được lát đá có độ bền hàng chục năm, nhưng cho dù vật liệu bền bao nhiêu năm chăng nữa thì câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta sẽ để yên những cái vỉa hè tồn tại trong bao nhiêu năm?

Có một câu chuyện mỗi lần nghe tôi đều thấy tương đối băn khoăn, đó là khi nghe giải trình của một số cơ quan chức năng, một số cán bộ về vật liệu được sử dụng để lát vỉa hè ở các đô thị.

Một trong những lời giải thích được nói tương đối nhiều là về loại vật liệu được sử dụng để thay thế các vật liệu lát vỉa hè đang sẵn có, là những loại có độ bền tới 50-70 năm, hay thậm chí là một cái vỉa hè vĩnh cửu.

Tôi có cơ hội được đi đến hầu hết các đô thị lớn trên thế giới và đến nhiều lần. Có một điểm tôi được chứng kiến tương đối rõ ràng là, ngay cả ở những địa danh, khu vực mà tương đối thâm nghiêm, được bảo tồn, tưởng là sẽ ít khi phải ‘đụng chạm’, thì ở đó, thi thoảng người ta vẫn phải rào lại và lật vỉa hè, hay con đường đó lên để kiểm tra, lắp đặt, hoặc bảo trì hệ thống cống ngầm.

Các đô thị của chúng ta cũng như trên thế giới đều được xây dựng và quy hoạch dựa trên những nhu cầu thực tế của thời điểm lập quy hoạch, kế hoạch thực hiện các công trình xây dựng. Mà nhu cầu của xã hội và các tiến bộ của xã hội trong thời kỳ hiện đại đã thay đổi một cách chóng mặt.

Ngay như nhu cầu thoát nước của Hà Nội đã tăng lên một cách nhanh chóng chỉ sau vài ba chục năm. Những yêu cầu về cơ sở hạ tầng, đường điện, cáp viễn thông cũng thay đổi rất nhanh.

Chúng ta từng nói về Hà Nội trong những bức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái, với những cột điện, đường điện trên các đường phố. Nhưng nếu chúng ta nói về những đô thị hiện đại ngày nay, những đường cáp điện như vậy cần phải được đi ngầm.

Vậy chúng ta nghĩ sao nếu như vài chục năm trước, các con đường đó cần phải làm vĩnh cửu hay là cần làm 50-70 năm?

Những công trình vỉa hè được lát đá có độ bền hàng chục năm, nhưng cho dù vật liệu bền bao nhiêu năm chăng nữa thì câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta sẽ để yên những cái vỉa hè tồn tại trong bao nhiêu năm?

Có một điều rất rõ ràng trong phát triển quy hoạch đô thị, đó là chúng ta sẽ rất khó khăn để có thể đưa ra được một bản quy hoạch, bản kế hoạch mà có thể giúp giữ nguyên hiện trạng của một cái vỉa hè hay một con đường trong 50-70 năm, thậm chí chỉ là 15-20 năm tới cũng khó.

Chưa kể, có rất nhiều nhu cầu khác về bảo trì, sửa chữa.

Tôi thấy ở các đô thị khác, các con đường, vỉa hè sẽ làm thế nào để khi cần, người ta có thể đào xới, tháo dỡ ra để xây dựng, bảo trì các công trình bên dưới rồi sau đó lắp đặt lại sao cho dễ dàng nhất, cũng như đảm bảo cho tính đồng nhất của các công trình.

Và với cách tiếp cận như vậy, tôi thấy ít khi người ta nói đến cviệc phải làm cái nọ, cái kia trong đô thị thì cần phải có một độ vĩnh cửu cao.

Chúng ta nói về vật liệu vĩnh cửu, vật liệu chịu được 40-50 năm, đương nhiên chúng ta hiểu, vật liệu đá có thể có độ bền lên tới hàng nghìn năm, nhưng chúng ta cũng cần phải quan tâm thêm một chuyện, là những con đường, vỉa hè đó không có cách nào để có thể giữ nguyên trạng, mà không phải ‘động chạm’ đến trong nhiều chục năm.

Ở đây, tôi chỉ mới nhắc đến những yêu cầu, nhu cầu thực tế sẽ phát sinh, mà do thay đổi của nhu cầu xã hội, hay do sự thay đổi của cuộc sống đô thị.

Tôi cũng muốn nói thêm, có rất nhiều con đường, vỉa hè Hà Nội đã được thay đổi. Nhưng ở một vài làng cổ, vẫn còn có tồn tại những con đường mà lớp gạch ở đó, chắc chắn là lâu đời hơn tất cả những con đường khác ở trung tâm đô thị Hà Nội.

Bởi vì rất đơn giản, bao nhiêu năm nay nó không được thay đổi, nó không cần có sự thay đổi; và người dân vẫn hằng ngày sử dụng nó.

Có lẽ, chúng ta nên cần có một cách tiếp cận khác về cách sử dụng các vật liệu trong chỉnh trang và thay đổi các công trình đô thị.