Việt Nam đủ điều kiện để phát triển mạng lưới cảng biển, nâng cao năng lực logistics

Thời gian qua, hoạt động vận tải hàng hoá container bằng đường biển có tốc độ tăng trưởng đáng kể, đóng góp tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế quốc gia. Đây cũng là lĩnh vực nhận được sự quan tâm lớn từ Chính phủ, Bộ GTVT và các địa phương.

Liên quan nội dung này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lê Chơn Tâm - Tổng Giám đốc công ty cổ phần Cảng Sài Gòn.

Ảnh nh họa

PV: Vừa qua, Bộ GTVT đã tiến hành lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đáng chú ý là bổ sung Cảng Cần Giờ vào quy hoạch này. Từ tình hình thực tế, ông nhận định ra sao về năng lực lẫn lợi thế của hệ thống cảng biển nước ta ?

Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm: Việt Nam hiện nay là 1 quốc gia có vị trí rất tốt về logistics và vận tải hàng hoá với tổng quan lượng hàng hàng năm khoảng 20 triệu container (Teu), đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động giao thương xuất nhập khẩu của cả nước.

Ở phía Bắc có cụm cảng nước sâu Lạch Huyện với bến 1 bến 2 đã đưa vào khai thác, Cảng Hải Phòng đang triển khai xây dựng bến 3 bến 4 và đưa vào khai thác năm 2024. Vì vậy khu vực phía Bắc có cảng nước sâu khá tốt, đáp ứng khai thác cho các size cỡ tàu cho hàng xuất nhập khẩu đi Nội á, thị trường Mỹ (thị trường xuất khẩu lớn) và Trung Quốc (thị trường nhập khẩu chính của nước ta).

Ở Khu vực Miền Trung dù sản lượng còn đang khiêm tốn nhưng Chính phủ và thành phố Đã Nẵng đã có chương trình phát triển Cảng Liên Chiểu. Tổng công ty Hàng Hải và cảng Đà Nẵng đang tiến hành nghiên cứu xây dựng 1 cảng nước sâu tại Liên Chiểu.

Còn tại khu vực phía Nam (đang chiếm 70% tổng lượng hàng container cả nước) thì các cụm cảng tại TPHCM đóng vai trò rất lớn trong luân chuyển hàng hoá tuyến Nội Á. Song song đó tại Cát Mép Thị Vải có 5 cảng container , trong đó Cảng Sài Gòn chúng tôi có 3 cảng đang khai thác tại khu vực này cùng với các cảng của Tân Cảng, đặc biệt là cảng Gemalink của Gemadept đã và đang đóng vai trò quan trọng trong kết nối hàng hoá xuất khẩu, đồng thời tạo tiền đề để kết nối trung chuyển trong nước, hình thành sự trung chuyển quốc tế sau này.

Tôi cho rằng hệ thống cảng nước ta đã có sự lớn mạnh thời gian qua và đòi hỏi sự phát triển hơn nữa từ giao thông đường bộ kết nối để phát huy được vai trò của ngành giao thông nói chung, logistics nói riêng.

Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm - Tổng Giám đốc công ty cổ phần Cảng Sài Gòn

PV: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về sản lượng hàng hoá của hoạt động vận tải hàng hoá đường biển của Việt Nam qua các năm?

Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm: Trước 2019 thì lượng hàng phát triển trung bình khoảng 10-15%, đặc biệt trong 2 năm dịch COVID-19 lượng hàng tăng trưởng đột biến hơn 25% mỗi năm. Sau đó lượng hàng ổn định và có sản lượng cao hơn trước đó. Mặc dù lượng hàng hiện nay đang có xu hướng đi xuống do hàng xuất khẩu đi Mỹ và Châu Âu giảm kéo theo lượng hàng nhập các tuyến Nội Á về cũng giảm.

Tuy vậy, theo các chuyên gia và các chủ hàng thì xu thế chung là lượng hàng sẽ tăng trở lại vào năm 2024 trở đi.

PV: Ông nhìn nhận ra sao về bức tranh tổng thể hoạt động của các doanh nghiệp vận tải hàng hoá bằng đường hàng hải của nước ta giai đoạn này?

Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm: Về vận tải tuyến nội địa thì các hãng tàu trong nước chuyên vận tải container lẫn hàng rời thì Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam đang khai thác hiệu quả các tuyến nội địa từ Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn đến khu vực TP.HCM.

Ngoài ra cũng có nhiều hãng tàu như Gemadept, Hải An, GLS, Vinapco, Vân Sơn…tham gia vận chuyển hàng hoá trên đường thuỷ nội địa, giúp giảm chi phí giá thành so với vận chuyển đường bộ.

Riêng về vận chuyển hàng hoá container quốc tế thì tại các cảng, cụm cảng nước ta đang thu hút gần như tất cả các hãng tàu lớn của thế giới đến để kết nối khai thác, vận chuyển hàng hoá, giúp thúc đẩy xuất nhập khẩu nước ta phát triển thời gian qua.

PV: Xin cám ơn ông!