Vì sự phát triển của trẻ em, cần chiến lược quốc gia bền vững cho sức khoẻ tâm thần

Trẻ em Việt Nam đã trải qua nhiều biến cố, từ thiên tai, dịch bệnh cho đến các áp lực cuộc sống hiện đại, khiến sức khỏe tâm thần của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu không được quan tâm đúng mức, các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể trở thành rào cản lớn trong hành trình trưởng thành.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà giáo dục trẻ em không chỉ đòi hỏi sự chăm sóc về mặt kiến thức, kỹ năng, mà còn cả sức khỏe tinh thần. Thế nhưng, trong những năm qua và 11 tháng của năm 2024, trẻ em Việt Nam đã trải qua nhiều biến cố, từ thiên tai, dịch bệnh cho đến các áp lực cuộc sống hiện đại, khiến sức khỏe tâm thần của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu không được quan tâm đúng mức, các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể trở thành rào cản lớn trong hành trình trưởng thành của các em.

Liên quan đến thực tế này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý Tác động Chương trình và Đối tác, tổ chức Plan International Việt Nam.

Cần chiến lược quốc gia bền vững cho sức khoẻ tâm thần cho trẻ em (Ảnh: Unicef Việt Nam)

PV: Những thống kê từ các nghiên cứu và khảo sát của tổ chức Plan International Việt Nam cho thấy bức tranh về sức khỏe tinh thần của trẻ em Việt Nam ra sao, nhất là sau các tác động của thiên tai và dịch bệnh trong thời gian qua, thưa bà?

Bà Lê Quỳnh Lan: Năm 2024 đã có thay đổi về khí hậu và đặc biệt là có cơn bão YAGI. Đồng thời với những tác động xã hội khác thì vấn đề về sức khỏe tâm thần cũng như sức khỏe, tâm lý xã hội của trẻ em tiếp tục là vấn đề đáng quan tâm.

Trẻ em cảm thấy bị cô lập, lo lắng, buồn phiền hoặc thậm chí dẫn đến lo âu và trầm cảm và những yếu tố nguy cơ chúng tôi nhìn thấy trong việc dẫn đến tình trạng gia tăng sức khỏe tâm thần đối với trẻ em.

Thứ nhất, cơn bão YAGI vừa rồi đưa ra những hậu quả rất lớn về mặt kinh tế, xã hội, con người, trẻ em và vị thành niên tiếp tục phải đối mặt với áp lực học hành. Và điểm thứ ba là những tác động từ mạng xã hội, các thông tin không được kiểm soát cũng ảnh hưởng đến vấn đề về sức khỏe. Khi trẻ em gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, các khó khăn về mặt kinh tế rồi ảnh hưởng bởi thiên tai cũng dẫn đến việc trẻ em cũng sẽ có nguy cơ phải bỏ học.

Đồng thời đặc biệt ở các vùng dân tộc thiểu số thì còn nguy cơ nữa đó là các em phải kết hôn sớm, thì rủi ro liên quan đến những vấn đề sức khỏe tâm thần các em phải gặp phải khi phải kết hôn ở độ tuổi trẻ em thì đấy cũng là vấn đề rất đáng quan ngại.

PV: Tổ chức Plan có đề xuất, khuyến nghị gì nhằm hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em trong thời gian tới, khi đây là vấn đề cần có sự đầu tư và cam kết lâu dài từ các cơ quan có thẩm quyền, thưa bà?

Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý Tác động Chương trình và Đối tác, tổ chức Plan International Việt Nam

Bà Lê Quỳnh Lan: Rõ ràng chúng ta nhìn thấy vấn đề sức khỏe tâm thần ở đây cần sự đầu tư khá là lớn.

Việc đầu tiên chúng ta có thể thấy là nhận thức của xã hội vẫn chưa được đầy đủ và thậm chí còn kì thị, nó sẽ dẫn đến việc không thể cung cấp được những hỗ trợ kịp thời cho trẻ em ngay từ những giai đoạn ban đầu, trẻ hoặc gia đình trẻ không dám đến tiếp cận các dịch vụ.

Điểm thứ hai là chúng ta đang rất thiếu chuyên gia về vấn đề sức khỏe tâm thần để giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ em. Mặc dù chúng ta có các trung tâm công tác xã hội, nhưng các chuyên gia được đào tạo để phát hiện sớm cũng như cung cấp dịch vụ trợ giúp cho vấn đề sức khỏe tâm thần dường như rất thiếu và yếu.

Và điểm thứ ba chúng tôi cũng nhìn nhận cần đầu tư, đó là liên quan đến những chính sách hỗ trợ, giúp thay đổi các vấn đề này. Rõ ràng nó sẽ cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan, của ngành giáo dục.

Chẳng hạn để ngăn ngừa vấn đề liên quan đến rối loạn về sức khỏe tâm thần của học sinh ngay trong trường học, hay sự vào cuộc của ngành y tế trong việc cung cấp dịch vụ chuyên sâu và hỗ trợ cho trẻ em khi đã bị nặng về những vấn đề sức khỏe tâm thần, và bên cạnh đó ngành lao động thương binh xã hội thì các trung tâm công tác xã hội hay các dịch vụ tư vấn tại cộng đồng cũng cần phải hỗ trợ.

Ảnh nh hoạ: pharmacity.vn

PV: Có những dự án hay hoạt động cụ thể nào mà tổ chức Plan đã và đang triển khai nhằm hỗ trợ các em nhỏ vượt qua khó khăn về tinh thần, và những kế hoạch của tổ chức trong giai đoạn tới là gì, thưa bà?

Bà Lê Quỳnh Lan: Tại các tỉnh nơi chúng tôi làm việc thì chúng tôi tập trung vào mảng thứ nhất là cùng hợp tác với ngành giáo dục để thiết lập các phòng tham vấn tại trường học, đào tạo giáo viên để trở thành những cán bộ tư vấn ban đầu, phát hiện, phòng ngừa cũng như hỗ trợ trẻ em giải quyết vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần.

Điểm thứ hai, trong định hướng thời gian tới dựa trên kinh nghiệm đó thì chúng tôi cũng sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước các cấp củng cố dịch vụ bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng, đồng thời chúng tôi cũng mong đợi sẽ hợp tác để xây dựng dịch vụ bảo vệ trẻ em toàn diện. Toàn diện ở đây thì chúng ta sẽ phải nhìn thấy yếu tố đầu tiên là trong gia đình. Nâng cao nhận thức cho cha mẹ để chính cha mẹ cũng cần phải nhận biết dấu hiệu trẻ em có thể bị sang chấn hoặc có dấu hiệu bị ảnh hưởng bởi vấn đề sức khỏe tâm thần.

Chúng tôi đang nỗ lực trong việc thực hiện thêm nghiên cứu để có thêm bằng chứng về những ảnh hưởng của vấn đề sức khỏe tâm thần đến với trẻ em tại Việt Nam, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, tài liệu quốc tế và hiệu đính để có thể đưa vào một bộ tài liệu toàn diện, giúp cho trẻ em, gia đình, thầy cô và cộng đồng có được kiến thức đầy đủ về những rủi ro liên quan đến sức khỏe tâm thần cũng như tâm lý xã hội.

Đối với trẻ em thì chúng tôi đang triển khai chiến lược 5 năm lần thứ năm đến năm 2025. Dựa trên bối cảnh thực tế tại Việt Nam và với kinh nghiệm triển khai của mình thì chúng tôi đã gia hạn chiến lược này đến năm 2027, sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức xã hội tại Việt Nam, tập trung cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm thần cho trẻ em.”

PV: Xin cảm ơn bà