Vì sao Bộ Giáo dục đề xuất phương án này. Nếu giao cho ngành giáo dục chủ động tuyển giáo viên, có khắc phục được tình trang nơi thừa, nơi thiếu giáo viên đang xảy ra hiện nay?
PV VOV Giao thông đối thoại với TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý cán bộ giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo về nội dung này.
PV: Thưa ông, vì sao Bộ Giáo dục lại đề xuất phương án ngành giáo dục được chủ động tuyển giáo viên?
TS Vũ Minh Đức: Điều này xuất phát từ mấy quan điểm: Thứ nhất là quan điểm của Đảng và Nhà nước đưa ra trong nghị quyết số 29 đổi mới căn bản giáo dục Việt Nam và mới đây nhất là Kết luận 91 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 thì có quan điểm là tăng cường tính chủ động của ngành giáo dục trong việc tuyển dụng, sử dụng cũng như bố trí ngân sách cho giáo dục. Đây là một quan điểm rất quan trọng để Ban soạn thảo trên cơ sở đó cụ thể trong dự án Luật.
Thứ hai, trong quá trình xây dựng luật, Ban soạn thảo đã tiếp cận việc xây dựng Luật chuyển từ quan điểm quản lý hành chính nhà giáo sang quản lý chuyên môn và quản trị nguồn nhân lực. Trong việc quản trị nguồn nhân lực đối với các đơn vị thì đều quan tâm đến việc tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, khen thưởng, trả lương cũng như các chính sách đối với đội ngũ nhà giáo thì mới đảm bảo việc giữ chân cũng như tuyển chọn được người giỏi công tác trong ngành.
Thứ ba, trong thực tiễn cho thấy vướng mắc trong thời gian vừa qua về việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo ở các địa phương thì cần phải có các giải pháp để khắc phục các bất cập này. Trong thực tiễn vừa qua, theo phân cấp, việc tuyển dụng nhà giáo chủ yếu giao cho cơ quan nội vụ thực hiện giải pháp như đề xuất theo nhu cầu và cũng có thành viên tham gia hội đồng tuyển dụng.
Tuy nhiên, vai trò chủ động do cơ quan nội vụ tiến hành. Thế nên trong quá trình tuyển dụng cũng có một số vướng mắc. Thứ nhất, hầu hết các địa phương hiện nay không tuyển đủ biên chế chỉ tiêu được giao mặc dù định mức giáo viên trên lớp cũng như cơ cấu môn học đã được Bộ giáo dục và Đào tạo xác định trên cơ sở tính toán khoa học cũng như cơ cấu các môn học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo quy định của Nhà nước.
Tuy nhiên các địa phương đều không tuyển đủ số lượng giáo viên theo biên chế, mặc dù đã có quy định về định mức như vậy.
Vướng mắc thứ hai là việc tuyển dụng ở các địa phương đôi khi không thực hiện đúng theo vị trí cần phải tuyển.
Ví dụ ở các nhà trường thiếu các giáo viên ở môn học này, thì có thể trong quá trình thực hiện lại tuyển dụng ở môn học khác, không đáp ứng yêu cầu đối với cơ cấu môn học.
Vấn đề thứ ba là trong quá trình tuyển dụng, thời điểm tuyển dụng không phù hợp, ví dụ các địa phương có thể tuyển dụng vào đầu năm hoặc cuối năm trong khi năm học thì thường bắt đầu vào tháng 8 và tháng 9. Như vậy, việc đáp ứng yêu cầu của đội ngũ nhà giáo trong năm học ấy là không đáp ứng được.
Thứ tư, trong quá trình tuyển dụng, vì là tuyển dụng chung với các viên chức khác cho nên nội dung tuyển dụng không bám sát đặc thù của ngành giáo dục, cho nên tuyển dụng được những người có thể không đáp ứng được yêu cầu để làm nhiệm vụ của nhà giáo.
Chính vì vậy, các vướng mắc ấy cần phải được khắc phục và chỉ khi nào ngành giáo dục được chủ trì những nội dung như vậy thì mới khắc phục được những bất cập hiện có.
PV: Nếu hệ thống giáo dục được chủ động tuyển dụng giáo viên, liệu có lo ngại xảy ra tình trạng tuyển ồ ạt hay không?
TS Vũ Minh Đức: Trong thực tiễn hiện nay một số địa phương, ví dụ TP. HCM đã thực hiện được việc ngành giáo dục chủ trì việc tuyển dụng, thậm chí phân cấp rất mạnh mẽ cho các nhà trường.
Việc tuyển dụng như vậy rất đảm bảo về mặt chất lượng cũng như số lượng nhà giáo được tuyển dụng đáp ứng yêu cầu. Chúng tôi cho rằng nếu giao cho ngành giáo dục chủ động trong việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên có thể khắc phục được việc thừa thiếu giáo viên.
Thứ hai, chúng ta lo ngại có thể tuyển dung ồ ạt giáo viên, tuy nhiên việc tuyển dụng ấy dựa trên cơ sở trong luật, đấy chính là chuẩn nhà giáo và chuẩn nhà giáo thì có các yếu tố cũng như các quy trình được thiết kế ở các văn bản dưới luật một cách chặt chẽ, đảm bảo rằng không có chuyện tuyển dụng ồ ạt, mà phải lấy tiêu chí thep chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo làm tiêu chí đầu tiên để cho việc tuyển dụng cũng như khả năng về sư phạm đối với người được tuyển dụng đáp ứng yêu cầu mới có thể được tuyển dụng làm nhà giáo.
PV: Nếu đề xuất giao cho ngành giáo dục chủ động tuyển giáo viên được ban hành, theo ông sẽ khắc phục được những bất cập gì hiện nay?
TS Vũ Minh Đức: Khi giao cho ngành giáo dục chủ động, sẽ khắc phục được 4 bất cập như tôi đã nêu ở trên; thứ hai là khi giao cho ngành giáo dục, ngành giáo dục là cơ quan sử dụng đội ngũ nhà giáo, cho nên mình phải chịu trách nhiệm về chất lượng đội ngũ nhà giáo ngay từ khâu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Như vậy, sẽ khắc phục được tình trạng năng lực của đội ngũ giáo viên không đáp ứng được yêu cầu, do đó, chúng ta sẽ khắc phục được điểm yếu rất quan trọng như vậy.
Ngoài ra, hiện nay, cũng có một vài ý kiến cho rằng việc quy định ngành giáo dục chủ động như thế thì có thể gây hiểu rằng chuyển quản lý biên chế của nhà giáo từ ngành nội vụ sang ngành giáo dục.
Nhưng trong luật này không có quan điểm chuyển vai trò quản lý biên chế từ ngành nội vụ sang ngành giáo dục. Ngành nội vụ vẫn quản lý tổng biên chế theo quy định và giao biên chế theo nhu cầu, đề xuất của ngành giáo dục.
Sau khi đã được thẩm định và trình cấp có thẩm quyền quyết định thì giao biên chế ấy cho ngành giáo dục chủ động trong việc tuyển dụng cũng như phân bổ.
Như vậy việc quản lý biên chế vẫn đảm bảo và không có chuyện tuyển ồ ạt nhà giáo.
PV: Xin cảm ơn ông