Về làng bánh chưng xem hối hả vụ Tết Canh Tý 2020

Thôn Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì), cách trung tâm TP. Hà Nội 20km, những ngày qua, ngõ trên, xóm dưới, đi đâu cũng cảm nhận được mùi hương lá dong, vị ngọt đậu xanh và vị ngậy của nhân thịt bánh chưng...

 

Video: Quy trình 'lặp đi lặp lại' những ngày qua tại cơ sở sản xuất bánh chưng nhà ông Nguyễn Văn Tính (Đội 1 - Thôn Tranh Khúc). Người rửa lá, người xếp lá, người làm nhân bánh, người gói bánh, người buộc lạt, người chuyển bánh vào nồi và người xếp bánh. Quy trình này bắt đầu từ trưa cho tới 21h hoặc 22h hằng ngày.

Được biết, từ sau ngày 23 tháng Chạp cho tới ngày 28-29 tháng Chạp, người làng Tranh Khúc, trong đó có gia đình ông Nguyễn Văn Tính (65 tuổi) sẽ bắt đầu bước vào 'vụ Tết', nhà nhà tất bật gói bánh, trong sân, ngoài ngõ thơm mùi lá dong, gạo nếp cùng hương ngọt của đỗ xanh và vị ngậy của nhân thịt.
 

Quy trình thủ công, mỗi người một việc, cứ như vậy từ đời này qua đời khác, ông Tính tâm sự: “Nếu nói về truyền thống gói bánh chưng thì cũng lâu rồi, chúng tôi không thể nhớ được thời gian từ bao giờ nữa. Các cụ để lại nghề cho các con, các cháu làm để sinh sống hàng ngày. Còn về làng nghề này của chúng tôi, chỉ biết từ đời các cụ, các ông là lâu lắm rồi, đến giờ tôi vẫn tiếp tục làm cho đến thời gian các cháu làm.”

Người làm tại nhà ông tính đa phần là con cháu, họ hàng. Nếu vào đợt cao điểm, phải làm số lượng bánh lên tới hàng 5000, 6000 chiếc, nhà ông có thể sẽ phải thuê thêm người để làm cho kịp. Lá được rửa, cắt và xếp từ tối ngày hôm trước và sáng ngày hôm sau, trong quá trình làm, nếu thiếu, sẽ có 1-2 người ra phụ trách việc xử lý lá dong.
Ông tính cho biết, bí quyết để bánh chưng Tranh Khúc trở nên nổi tiếng là do sự kén chọn nguyên liệu vô cùng tỉ mỉ. Lá dong phải được lựa chọn cẩn thận; gạo nếp thường là loại nếp cái hoa vàng; đậu xanh được xử lý cẩn thận, nấu chín; thịt lợn không thể chọn lung tung, nhất định phải là thịt chất lượng cao, tẩm ướp sạch sẽ. 
 

Năm nay, giá thịt lợn có nhiều biến động nên giá của bánh chưng Tranh Khúc cũng tăng theo, để đảm bảo chất lượng, chi phí sản xuất sẽ giao động trong khoảng từ 50,000-70,000đ. Giá có thể còn cao hơn nữa nếu khách hàng có yêu cầu riêng.

Không chỉ riêng ông Tính, ai trong nhà cũng đều tâm niệm: “Nếu chúng tôi sản xuất ra mà người ta cảm thấy ăn không ra gì hoặc có phần gì đấy không tốt, tất nhiên chúng tôi sẽ ế mặt hàng đấy và đã ế thì chúng tôi không tiêu thụ được, mà không tiêu thụ được thì chúng tôi về sau không phát triển được. Nên việc này phải làm thật cẩn thận, sạch sẽ vệ sinh chứ không phải làm vớ vẩn, lương tâm của chúng tôi không cho phép.”
Nói rằng mỗi người một việc, thế nhưng, nếu cần bổ sung ở khâu sản xuất nào, ai cũng có thể vào thế chỗ. Thịt làm nhân bánh sẽ được mua, chọn theo yêu cầu của bên đặt hàng và tẩm ướp cẩn thận sạch sẽ; Đậu xanh chọn loại ngon, dẻo. Sử dụng đậu vỡ sẵn, hoặc loại đậu hạt tiêu, sẫm màu, ngon và thơm ngậy hơn loại đậu mỡ hạt to, lại bở và dẻo.
 

 Video: Tốc độ gói bánh thủ công, không sử dụng khuôn

Việc gói bánh hoàn toàn thủ công, thậm chí, không sử dụng khuôn để gói. Gạo nếp, đỗ xanh không vỏ để làm bánh chưng sẽ được ngâm qua đêm hoặc ít nhất là 4 tiếng. Trước khi gói, gạo và đỗ xanh sẽ được nêm nếp muối, tiêu. Gạo nấu bánh có rất nhiều loại: của Bắc Ninh, Thái nhưng thường chọn loại nếp cái hoa vàng của vùng Hải Hậu ngon.
Ông Tính cho hay, gói khuôn thì không biết bao giờ mới gói xong. Trẻ con thì tầm 10-50 cái cũng quen tay, đảm bảo vuông vắn, sắc cạnh và 'trăm cái như một'.
Quan sát quy trình gói bánh độc đáo này, 1 người gói bánh có thể cần tới 3 - 4 người buộc lạt.
Ngay sau khi buộc lạt và xếp vào thúng, người làm sẽ nhanh chóng mang bánh đi xếp vào nồi điện.
Từ ngày có sử dụng bếp điện, không khói bụi, không ô nhiễm, đỡ mệt nhọc, hiệu suất công việc gia đình ông Tính cũng được nâng lên. Cùng luộc một nồi 200 chiếc bánh chưng, tuy rằng chi phí sử dụng bếp than sẽ rẻ hơn 50.000 đồng,nhưng chẳng thể nào bù lại được chi phí sức khoẻ.

Không ít người thắc mắc, nếu bỏ bếp củi, bếp than tổ ong, thay vào đo sử dụng bếp điện, nồi hơi thì hương vị bánh chưng sẽ bị thay đổi như thế nào? Ông Tính kể lại quá trình thử nghiệm, kiểm nghiệm và đưa ra kết luận: “Mình đun bằng điện vẫn đảm bảo chất lượng cao, vẫn ngon, không có gì gọi là biến chất cả. Đun than ngon hơn hay đun củi ngon hơn, không phải đâu. Cứ gạo ngon, thịt ngon, các thứ đều ngon, đãng nhẽ luộc 8 tiếng nhưng thêm 1 tiếng nữa là 9 tiếng thì chắc chắn bánh sẽ rền, vẫn như đun củi và đun than.”

Nhắc lại thời điểm còn dùng bếp củi, bếp than tổ ong, ông Tính kể lại: “Nhiều người ở đây bị hen syễn, khói bụi khổ lắm. Được nhà nước đầu tư hệ thống điện, an toàn về môi trường, than tổ ong cũng không dùng mấy. Tôi mua 2 tấn than hiện giờ bỏ xó. Tôi thấy nó cũng rất có hại cho bản thân, ô nhiễm xung quanh.”

Để đảm bảo chất lượng, ngay cả khâu 'cắt cử' người trực cũng quan trọng, luôn phải chú ý mức nước, thay nước đúng thời gian, bánh chín thì vớt ra rửa sạch rồi xếp chặt, để bánh ráo và không bị nhão.

Tuy nhiên, nồi điện sử dụng điện 3 pha, nên mọi người thường xuyên phải nhắc nhở nhau chú ý an toàn, hạn chế tối đa rủi ro, tai nạn trong quá trình sản xuất.

Ông Mai (trú tại Mai Động, Hà Nội) đã đặt hàng đều đặn tại đây suốt hơn 5 năm qua. Chia sẻ với PV, ông Mai cho biết: "Ở đây gói đúng vị truyền thống, dễ ăn, quan trọng nhất là vệ sinh sạch sẽ, không phải lo ngại vấn đề gì..."

Năm nay, nhà ông Tính dự kiến sẽ gói hơn 5.000 chiếc bánh chưng để đáp ứng yêu cầu từ các siêu thị, hộ buôn bán nhỏ lẻ và khách quen. 

Làm bánh chưng là nghề mà ông cha để lại, nên việc con cháu có tiếp nối và duy trì truyền thống gia đình hay không đối với ông Tính cũng là một điều vô cùng quan trọng. 

“Cũng có đứa nó thích nghề này, nhưng cũng có cháu thì kêu mệt nhọc lắm, không làm nghề này đâu. Cái gói thì chắc chắn là không có máy được, cứ phải thủ công, tạo được cái máy vo gạo hay máy đánh đậu thì cũng được, cũng nhàn bớt. Theo như các cháu thì nghề của chúng tôi nhặng nhọc, một số cháu yêu nghề thì mới làm. Con nhà tôi 6-7 cháu, chỉ có 3 đứa theo nghề được thôi. Ai cũng muốn làm việc nhẹ nhàng, kiếm nhiều tiền, nhưng mà thôi, công việc của mình là các cụ để lại, cứ phải làm thôi.”, ông Tính tâm sự.

Hiện nay, tại Tranh Khúc có 116 hộ gia đình làm nghề truyền thống, gói bánh quanh năm. Dù gói ít hay nhiều thì đều phục vụ Tết Nguyên đán. Từ tinh thần giữ gìn truyền thống, cho tới quá trình chọn nguyên liệu gói bánh đều được ưu tiên hàng đầu, thương hiệu bánh chưng Tranh Khúc đã đi khắp Hà Nội, đến với nhiều tỉnh gần xa và phục vụ cả bà con kiều bào ăn Tết tại nước ngoài.