Về Đình Nội (Bắc Giang) xem hội cướp cầu

VOVGT-"Đình Nội có hội cướp cầu/Tháng Giêng mười một đâu đâu cũng về"... Trò chơi dân gian khá lạ mắt ở Việt Lập, Tân Yên, Bắc Giang mới được khôi phục...

Sau một thời gian dài mai một, những năm gần đây, trò chơi dân gian của người dân Đình Nội, xã Việt Lập,huyện Tân Yên, Bắc Giang nằm trong các hoạt động chính của lễ hội đầu năm đã được khôi phục, mang niềm vui, tự hào về truyền thống cha ông của người dân địa phương này...

Đình Nội, ngôi đình cổ có niên đại gần 300 năm, cũng là môt trong những di tích quốc gia đặc biệt, nằm trong hệ thống di tích những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế ở Bắc Giang.

Qua một thời gian dài mai một, người dân Đình Nội đã dày công sưu tầm những tư liệu cổ, qua lời kể, ký ức của những người già trong làng, trò chơi cướp cầu độc đáo đã được khôi phục lại kể từ năm 2015 và đưa vào làm một trong những hoạt động chính của lễ hội Đình Nội dịp tháng Giêng đầu năm mới

Hội cướp cầu, hay còn gọi là cầu móc, với mong muốn cầu mong mưa thuận gió hòa, thể hiện ước nguyện mùa màng bội thu...

Niềm mong ước mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh, nhà nhà bình an được thể hiện qua trò chơi cầu móc... Quả cầu được làm bằng gỗ, hình tròn, được đặt trang trọng trong hậu cung đình làng, đến khi làm lễ mới được đưa ra ngoài... Sau những nghi lễ, quả cầu được đích thân ông chủ tế vác trên vai đưa ra ngoài sân đấu...

Các đội tham gia mặc áo truyền thống, đầu chít khăn... sẵn sàng chuẩn bị cho những hiệp đấu mang vinh quang về cho thôn xóm...

Những vận động viên tham gia trò chơi đều phải đảm bảo được những yếu tố như khỏe mạnh, tư cách đạo đức tốt, được người dân tín nhiệm

Ông chủ tế vác quả cầu ra khỏi đình, dẫn theo các vận động viên cầm theo những cây móc làm bằng tre, đầu cây uốn cong để có thể móc quả cầu gỗ lớn

Quả cầu được chủ tế vác trên vai trang trọng mang ra sân vận động

Sân đấu khá giống sân bóng, 2 bên sẽ được khoét một lỗ sâu làm "gôn", quả cầu gỗ được đặt ở giữa sân...

Các đội chia ra 2 bên, mỗi đội gồm 6 người, chờ hiệu lệnh của chủ tế để bước vào thi đấu

Trước khi thi đấu, đội trưởng 2 đội sẽ chạm móc vào quả cầu và cùng lắng nghe hiệu lệnh của chủ tế

Ông chủ tế hô to: Một năm được mùa, Hai năm được mùa, Ba năm được mùa... Sau đó là hiệu lệnh để 2 đội bước vào tranh tài

Quả cầu gỗ rất nặng, khoảng trên 20kg, do vậy các vận động viên được lựa chọn thi đấu cần phải có sức khỏe, bên cạnh sự khéo léo để điều khiển được các móc tre móc cho được quả cầu về phía hố của đội mình...

Tranh tài quyết liệt, nếu đội nào móc được quả cầu về lỗ của đội mình là thắng... Trò chơi mang nghĩa tượng trưng, với mong ước mọi người được bình an, cả năm dân làng được mùa...

Dù quả cầu gỗ khá nặng, nhưng trong những tình huống tranh chấp, các vận động viên có thể nhấc bổng được quả cầu lên trên không...

Các bên ra sức kéo quả cầu về phía hố của đội mình

Một pha tranh giành quyết liệt...

Sau mỗi hiệp đấu kéo dài chừng 15 phút, các vận động viên mệt nhoài ngồi nghỉ ngay trên sân...

Một khán giả gắng sức thử bê quả cầu gỗ...

Sau khi các vận động viên tranh tài, người dân đến dự lễ hội cũng có cơ hội được vào sân thử sức... Trò chơi diễn ra sôi động, tạo không khí vui vẻ để người dân địa phương bước vào năm mới với những niềm hy vọng vào tương lai tốt đẹp hơn cho gia đình, cộng đồng làng xóm...