Vành đai 3 qua Đồng Nai: Nguồn cung vật liệu vẫn “nhỏ giọt”

Tại Đồng Nai, bài toán thiếu hụt nguồn cung vật liệu, đặc biệt là đất đắp nền và cát san lấp đang đặt ra nhiều thách thức cho các nhà thầu và chính quyền địa phương. Để đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ thi công, tỉnh Đồng Nai đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giải quyết bài toán này.

  

Dự án thành phần 3 Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Đồng Nai có tổng chiều dài 11,2km

Sau thời gian dài khó khăn về mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ thi công, Công ty Cổ phần 471 - phụ trách gói thầu xây lắp số 29 đang tận dụng thời tiết mùa khô để đẩy nhanh tiến độ.

Đoạn đường dài 2,8 km từ nút giao đường 25C đến nút giao đường 25B đang được thi công với tiến độ khả quan. Tại nút giao 25C, việc thi công cọc khoan nhồi và kết cấu phần dưới đã hoàn thành phần lớn, hiện đang tiếp tục thi công các hạng mục còn lại. Tương tự, nút giao 25B cũng đã hoàn thành cọc khoan nhồi và một phần thân trụ. Công tác đắp đất nền đường cũng đang được triển khai.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Sỹ Thịnh, Trưởng Ban điều hành Công ty Cổ phần 471 (phụ trách gói thầu số 29), nhà thầu vẫn rất “khát” vật liệu. Hiện nhà thầu đang cần hơn 100.000 mét khối đất đắp (thiếu 40% so với yêu cầu thiết kế), và gần 200.000 mét khối vật liệu liên quan đến đá cấp phối các loại:

“Từ khi nhà thầu triển khai thi công cũng đã tích cực tìm kiếm các nguồn cung cấp đất và đá các loại nhưng nguồn cung vẫn đang rất nhỏ giọt, thậm chí một số loại vật liệu chưa có nguồn cung. Nguồn cung theo hồ sơ được duyệt là các mỏ đất và đá trên địa bàn Đồng Nai, Bình Dương nhưng có những ngày không có xe đá nào cả. Trao đổi với bên mỏ, họ cũng nói là không có giải pháp và không thể cung cấp thêm được”.

Theo ông Nguyễn Sỹ Thịnh, Trưởng Ban điều hành Công ty Cổ phần 471 (phụ trách gói thầu xây lắp số 29), có những ngày không có xe đá nào cả.

Lý giải cho vấn đề thiếu nguồn cung vật liệu thông thường, ông Nguyễn Linh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai cho rằng, do đặc điểm địa chất của Đồng Nai không có mỏ cát, nên tỉnh đang phối hợp với TP.HCM  thực hiện việc điều phối nguồn cung và đề nghị sự hỗ trợ từ các tỉnh ền Tây cung cấp cát cho dự án.

“Hiện nay chúng tôi cũng đang cố gắng để đảm bảo nguồn cát san lấp cho dự án. Đối với nguồn đất đắp (khoảng 500.000 mét khối), chúng tôi đã phối hợp với các mỏ thương mại tạm thời đang cung cấp. Nhưng đây thực sự là vấn đề gây cản trở, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án”, ông Nguyễn Linh cho biết.

Nguồn cung vật liệu là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Nhưng hiện nguồn cung vẫn đang rất nhỏ giọt, thậm chí một số loại vật liệu chưa có nguồn cung

Về nguồn cung cấp đá, ông Linh chia sẻ, do đặc thù Đồng Nai đang phải ưu tiên cung cấp đá cho nhiều dự án cao tốc khác ở khu vực ền Tây và các tỉnh lân cận, Ban Quản lý dự án đã báo cáo và được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương làm việc với các nhà thầu thi công dự án Vành đai 3.

“Mục đích là để các nhà thầu đăng ký chủng loại, khối lượng đá cần thiết và tiến độ cung cấp. Đồng thời, Ban cũng sẽ làm việc với các doanh nghiệp trong cụm mỏ đá Tân Cang để thống nhất các nội dung này, đảm bảo nguồn cung đá cho dự án”.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có một số mỏ thương mại tại khu vực Tân Cang có khả năng cung cấp vật liệu đất đắp cho Dự án thành phần 3, tuy nhiên, về thủ tục pháp lý chưa đảm bảo khai thác.

Các địa phương Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre đã cam kết hỗ trợ cho Dự án Vành đai 3 TP.HCM tổng khối lượng 10 triệu mét khối cát

Về cát đắp, các địa phương đã cam kết hỗ trợ cho Dự án Vành đai 3 TP.HCM tổng khối lượng 10 triệu mét khối cát tại 13 mỏ, trong đó Vĩnh Long 1,4 triệu mét khối, Tiền Giang 6,6 triệu mét khối và Bến Tre 2 triệu mét khối.

Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Vĩnh Long mới cấp được 3 mỏ; Tiền Giang cấp phép khai thác 3/7 mỏ nhưng chưa xây dựng được đơn giá bán nên chưa được khai thác; Bến Tre đấu giá thành công 3 mỏ vào cuối tháng 12/2024 nhưng chưa hoàn thành thủ tục để khai thác theo quy định.

Do đó, nguồn vật liệu cát hiện vẫn rất khan hiếm, chưa đáp ứng nhu cầu của các dự án thành phần khi triển khai đồng loạt. Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đưa ra giải pháp:

“UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Ban Quản lý dự án giao thông chủ động liên hệ với các đơn vị cung cấp cát san lấp thuộc tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long để vận chuyển tập kết về công trường và có nghiên cứu thêm phương án mua cát từ Campuchia”

UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Ban Quản lý dự án giao thông chủ động liên hệ với các đơn vị cung cấp cát san lấp thuộc tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long để vận chuyển tập kê

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai kiến nghị trong thời gian tới các cấp có thẩm quyền xem xét, thống nhất điều phối một phần khối lượng vật liệu san lấp thu hồi dự kiến cung cấp cho cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu sang Dự án thành phần 3 để giải quyết nguồn nguyên vật liệu đất đắp; đồng thời kiến nghị ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long sớm hoàn thành các thủ tục pháp lý để các mỏ có đủ điều kiện khai thác cát cung cấp cho dự án.