Ứng phó thế nào với giá hàng hoá “nhấp nhổm” tăng? (Phần 1)

Mới đây, khảo sát tình hình đời sống dân cư những tháng đầu năm của Tổng Cục thống kê cho thấy, có khoảng 30,6% hộ gia đình đang phải chịu ảnh hưởng do giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao.

Thực tế, nhiều mặt hàng tăng giá mạnh thời gian qua khiến đời sống của nhiều người dân gặp không ít khó khăn, phải thắt chặt hơn nữa chi tiêu.

Theo khảo sát của phóng viên Kênh VOV Giao thông, tính đến những ngày cuối tháng 5, nhiều mặt hàng "nhấp nhổm" tăng giá. Tại một tiệm tạp hóa ở Hà Nội, bà Vân Hồng chia sẻ, khi mặt hàng này vừa tăng giá lại đến mặt hàng khác tăng theo khiến nhiều người thắt chặt chi tiêu, sức mua ngày càng èo uột:

"Một số mặt hàng tiêu dùng như Coca này, mỗi thùng tăng 2.000-3.000 đồng/thùng, sữa tăng 5000 đồng/thùng, thạch long hải các loại thạch tăng 5.000 đồng, mùa hè này có đường sẽ tăng mỗi tải tăng từ 5.000-10.000 đồng".

Ảnh nh họa. Nguồn: Báo Tin tức

Trong khi đó, tại một số chợ truyền thống trong những ngày này, một số người dân chia sẻ, giá gạo đã tăng 3.000 - 5.000 đồng tùy loại, thịt lợn tăng khoảng 10.000 đồng/kg, các loại rau cũng nhúc nhích tăng lên:

"Cô đi chợ, người bán thịt bảo là thịt hơi bây giờ đắt quá, người ta đang bảo thịt lên 70".

"Mình hay đi chợ mình thấy giá cả hiện tại lúc lên lúc xuống thất thường. Trước mình mua thịt chỉ khoảng 100.000 đồng/kg nhưng hiện tại đã lên 120.000-130.000 kg rồi. Còn rau trước khoảng 5.000 đồng/ mớ nhưng giờ đã lên 7.000-8.000 đồng".

"Nói chung mình thấy giá lên xuống thất thường như thế cũng khó lắm, với những người lao động vất vả thì lương một ngày cũng không đủ để mua thịt".

Theo số liệu của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2024, trong 31 loại mặt hàng thì có đến 18 mặt hàng tăng giá. So với cùng kỳ năm trước, giá cả hàng hóa bình quân tăng lên là 5,3%. Đặc biệt một số mặt hàng thiết yếu quan trọng có sự gia tăng lớn hơn, thậm chí có những mặt hàng lên đến 7 - 8 %.

Trong tình trạng giá hàng hoá “nhấp nhổm” tăng buộc người tiêu dùng phải cân nhắc chi tiêu sao cho hợp lý và hiệu quả hơn. Chị Trang Nhung (Mai Dịch, Hà Nội) chia sẻ: "Mặc dù giá cả có lên xuống thất thường nhưng mà về nhu cầu chi tiêu thì mình vẫn phải mua, mình sẽ hạn chế chi tiêu một chút, nếu ở trong siêu thị rẻ hơn thì mình mua, mình sẽ cân nhắc giữa giá cả bên ngoài và bên trong siêu thị”.

Nhận định về lý do khiến các mặt hàng đều tăng giá như hiện nay, GS.TS. Ngô Thắng Lợi, Trưởng Bộ môn Kinh tế Phát triển giảng dạy tại Đại Học Kinh tế Quốc Dân- cho biết: "Lý do thứ nhất, Việt Nam là nước có nền kinh tế mở khá cao nhưng mà trong chuỗi giá trị mà Việt Nam chúng ta tham gia thì phần lớn là mình nằm ở khâu gia công, lắp ráp mà đã gia công, lắp ráp thì phụ thuộc rất lớn vào hàng hóa đầu vào - trung gian.

Trong thời gian vừa qua, chuỗi giá trị mà chúng ta tham gia bị đứt gãy do hậu quả của cuộc chiến tranh do hậu quả của đại dịch Covid 19 chưa khắc phục được nhiều. Thứ hai là cái giá cả đầu vào nhập khẩu tăng lên làm cho chi phí sản xuất tăng lên và chi phí sản xuất tăng lên thì làm cho giá của sản phẩm cũng tăng lên. Và làm cho cái giá cả thị trường hàng hóa cũng phải có xu hướng tăng lên là tất yếu”.

Phân tích thêm nguyên nhân khiến giá cả hàng hóa thất thường như hiện nay, GS.TS Ngô Thắng Lợi cho rằng, biến động này cũng đến từ sự tăng vọt của giá vàng của Việt Nam trong thời gian qua. Nếu so với cùng kỳ năm trước, giá vàng tăng 20,75%, giá đô la cũng tăng lên khoảng 4,6%. Việc tăng giá vàng, giá đô đô la này không chỉ ảnh hưởng đến giá cả nguyên liệu nhập khẩu mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của người sản xuất và người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, từ 1/7 tới, tiền lương trung bình của công chức, viên chức sẽ được điều chỉnh tăng so với hiện nay và thực tế những năm qua cho thấy, đi đôi với lương tăng là giá cũng tăng. Thậm chí, mức lương mới chỉ ở dạng “thông tin” thì giá cả hàng hóa đã rục rịch tăng.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho biết: "Những năm trước, khi nói đến việc tăng lương thì thường có chuyện té nước theo mưa và  gía cả hàng hoá cũng rục rịch tăng theo. Thường thì tăng 2 chu kỳ, khi bắt đầu có thông tin và khi có quyết định chính thức tăng lương, thậm chí nhiều năm trước đây tăng lương không đủ bù tăng giá.  Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, hiện tượng tăng giá theo tăng lương cũng được cơ quan nhà nước quản lý chặt chẽ nên việc tăng giá theo tăng lương cũng được giảm đáng kể. Cho nên, chúng tôi cho rằng, cũng có chút nguyên nhân do tăng lương 1.7 nhưng không có ảnh hưởng quá lớn trong thời gian qua".

Theo dự báo của Bộ Công thương, giá hàng tiêu dùng có thể tăng sau ngày 1/7 tới. Hiện nay, một số giá nguyên liệu đầu vào và chi phí sản xuất đã tăng nên sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa trên thị trường. ? Cần ứng phó thế nào với giá hàng hoá “nhấp nhổm” tăng?  Các doanh nghiệp cần làm gì để tiết kiệm chi phí sản xuất, ổn định giá thành, hạn chế tăng giá bán sản phẩm trong thời gian tới? Nội dung này sẽ được chúng tôi ghi nhận trong CĐTT chiều mai (28/5).

Thông tin trong nước

Ảnh: VnBusiness

# Từ đầu năm, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-16% để thúc đẩy phục hồi kinh tế, tuy nhiên điều này đầy thách thức khi tăng trưởng tín dụng đạt mức tối thiểu 0,26% trong quý đầu tiên.

Vì vậy, theo FinnGroup, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-16% để thúc đẩy phục hồi kinh tế nhưng khó khăn và đầy thách thức. 

# Ngân hàng UOB dự báo, VND có khả năng tăng giá trở lại so với USD trong nửa sau 2024 khi lãi suất USD có thể được cắt giảm, trong khi lãi suất VND sẽ hầu như không có khả năng giảm thêm và có khả năng tăng trở lại.

Trước đó, tính đến tháng 5-2024, giá USD tại các ngân hàng thương mại đã tăng khoảng 4,4% so với cuối năm 2023 - mức tăng từ đầu năm mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. (Bnews)

# Trong khi đó, các ngân hàng đang tiếp tục tăng lãi suất huy động để hút tiền gửi:

Thống kê từ đầu tháng 5 đến thời điểm hiện tại, đã có tổng cộng 17 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động.

Việc nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động trở lại diễn ra trong bối cảnh quy mô tiền gửi tại hệ thống ngân hàng có xu hướng giảm.

Tại báo cáo tài chính quý I/2024, đa phần các ngân hàng đều cho thấy mức tăng trưởng tiền gửi còn yếu thậm chí sụt giảm.

# Theo dự báo của OneHousing, khu Đông và khu Tây vẫn là hai khu vực có nguồn cung BĐS nhà ở lớn nhất tại Hà Nội trong những năm tới và các giao dịch sẽ chủ yếu tập trung tại hai khu vực này. 

Còn tại TPHCM, đất nền tự do rao bán trong dân là phân khúc duy nhất trong 1 tháng qua có lượt tìm mua tăng, trong khi đó đất nền dự án giảm 2%. (SGGP)

Thông tin thị trường chứng khoán

# Kết phiên hôm nay, VN-Index tăng 5.75 điểm lên mức 1,267.68 điểm. Sắc xanh chiếm phần lớn trong rổ VN30 với 14 mã tăng, 7 mã giảm và 9 mã tham chiếu.

# Về mức độ ảnh hưởng, GAS, GVR, HVN và POW là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index. Ở chiều ngược lại, BID, HDB, MWG và CTG là những mã có tác động tiêu cực nhất.

Ngành dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tiếp tục là nhóm có đà tăng mạnh nhất với các mã TV2, VNC, TV4 và KPF. Theo sau là ngành bảo hiểm và thiết bị điện. Ở chiều ngược lại, ngành bán lẻ có mức giảm mạnh nhất thị trường chủ yếu đến từ mã MWG, FRT và PNJ.

# Theo SSI Reseach, Thanh khoản thị trường giảm so với phiên giao dịch trước đó, đạt gần 15 ngàn tỷ đồng.