Ứng dụng số hoá, đẩy mạnh phong trào toàn dân PCCC

Phong trào toàn dân tham gia PCCC tại TP.HCM trong thời gian qua luôn được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm, chú trọng và phát huy với nhiều mô hình, cách làm hay như: tổ liên gia, 'Nhà tôi có 3' - có thiết bị cảnh báo cháy, có mặt nạ phòng độc và có lối thoát nạn thứ hai…

Hưởng ứng 'Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy', ngay trong những ngày đầu tháng 10 này, tại quận Tân Phú, lần đầu tiên, sinh viên trường Đại học Công Thương TP.HCM phối hợp cùng lực lượng công an chuyên nghiệp thực hiện công tác tuyên truyền an toàn PCCC và số hóa dữ liệu PCCC trên địa bàn quận. 

Ghi nhận tại khu phố 7, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú (TP.HCM), những ngày qua, các em sinh viên trường Đại học Công Thương với tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết, nhanh nhẹn cùng với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCCC và thu thập cơ sở dữ liệu, chuẩn bị cho công cuộc chuyển đổi số liên quan tới PCCC trong thời gian tới.

Kênh VOV Giao thông đã theo chân cô sinh viên năm nhất Nguyễn Minh Ánh không quản nắng mưa, ệt mài cùng với các chiến sĩ công an khu vực, cán bộ phường Sơn Kỳ đi từng ngõ, gõ từng nhà các hộ dân để tuyên truyền cũng như thu thập cơ sở dữ liệu về PCCC. Em Ánh chia sẻ:

"Mặc dù mình ở đây rất thường xuyên và nắm được địa bàn nơi mình sinh sống, nhưng hỏa hoạn xảy ra thì không thể biết trước, cho nên việc phòng cháy chữa cháy tại nơi mình ở rất quan trọng. Mỗi người đều phải mang trong mình trách nhiệm phòng cháy chữa cháy, bản thân em cũng vậy.

Em thấy việc đi tuyên truyền cũng như học các kỹ năng phòng cháy chữa cháy rất quan trọng, vừa cứu sống được bản thân mình, vừa cứu sống được mọi người xung quanh".

Cán bộ Công an phường Sơn Kỳ cùng các em sinh viên đi từng ngõ, gõ từng nhà các hộ dân để tuyên truyền, cũng như thu thập cơ sở dữ liệu về PCCC

Sau khi nghe các em tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, anh Nguyễn Minh Tâm cùng nhiều người dân ở khu phố 7, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM vui mừng chia sẻ:

"Mình thấy nội dung tuyên truyền của các em cũng rất hay, vì các bạn trẻ thường nắm bắt thông tin công nghệ nhanh hơn nên việc xử lý và hướng dẫn cũng dễ hiểu và thuận lợi hơn, nhất là thông qua các phần mềm cảnh báo cháy nổ của cơ quan chức năng".

Cũng như anh Tâm, chị Anh Tuyết ở khu phố 7, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM cảm nhận rằng thông tin các em cung cấp là rất thiết thực, chị Tuyết chia sẻ:

"Sinh viên truyền đạt rất thực tế, cả nhà mình nói chung, mỗi người ai cũng có điện thoại, hôm nay được các em hướng dẫn, mình thấy sẽ tiện lợi hơn khi sử dụng qua điện thoại".

Công tác tuyên truyền PCCC đến từng hộ dân luôn được chính quyền quận Tân Phú đặc biệt quan tâm

Liên quan tới tình hình cháy nổ trên địa bàn quận Tân Phú trong thời gian qua, Thượng tá Châu Thanh Sơn - Phó trưởng Công an quận Tân Phú, TP.HCM cho biết:

"Trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn quận Tân Phú xảy ra 20 vụ cháy. Tuy nhiên, đối tượng xảy ra cháy gồm có 12 vụ thuộc nhà dân và các cơ sở thuộc diện UBND phường quản lý. Căn cứ vào thực tế đó, Công an quận đã khẩn trương tham mưu cho Thường trực Quận ủy và Ủy ban quận để triển khai mô hình này, nhằm đề phòng và phòng ngừa cho từng hộ gia đình.

Đồng thời, hướng tới việc cung cấp những thông tin, khuyến cáo, khuyến nghị đến từng hộ gia đình và những cơ sở đã được cập nhật, thu thập, từ đó giúp người dân tự quản, tự kiểm tra thông qua phần mềm trực tiếp với cơ quan quản lý".

Số hóa dữ liệu, phần mềm quản lý cảnh báo cháy nổ

Theo quy chế phối hợp, trong giai đoạn đầu từ nay đến 31/12, gần 1.000 sinh viên của trường Đại học Công Thương sẽ phối hợp cùng Công an 11 phường thuộc quận Tân Phú thu thập cơ sở dữ liệu của từng hộ dân, doanh nghiệp trên toàn địa bàn, trước khi chuyển vào phần mềm 'Chuyển đổi số công tác quản lý PCCC cấp phường' do trường Đại học Công Thương xây dựng, tạo tiện lợi cho người dân, tổ chức và cơ quan quản lý trong việc tra cứu dữ liệu PCCC. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng trường Đại học Công Thương TP.HCM cho biết:

"Việc số hóa giúp người dân không cần phải đến khai báo hoặc là Công an quận Tân Phú, công an các phường khác không phải đến các gia đình, các khu nhà trọ hay các doanh nghiệp để kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy mà tất cả đều phải yêu cầu nhập lên hệ thống. Hệ thống sẽ cấp cho mỗi gia đình, mỗi đơn vị một mã QR code và nhập dữ liệu lên trên đó".

Thông tin tuyên truyền cũng như là kỹ năng thoát nạn khi có sự cố cháy nổ xảy ra

Như vậy, có thể nói rằng việc số hóa hồ sơ PCCC tại quận Tân Phú thể hiện sự chủ động trong việc ứng dụng công nghệ vào công tác chuyên môn, phát huy hiệu quả hơn phong trào toàn dân tham gia PCCC. Ông Nguyễn Công Chánh - Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú chia sẻ:

"Địa bàn quận Tân Phú có khoảng trên 15.000 doanh nghiệp và gần 10.000 hộ kinh doanh cá thể. Nếu không số hóa, sẽ rất khó theo dõi, quản lý; cho nên, trường Đại học Công Thương đã giúp quận trong việc viết chương trình quản lý PCCC.

Đặc biệt, vừa qua, quận cũng đã đặt hàng cho trường Đại học Công Thương, và trung tâm chuyển đổi số của Đại học Công Thương cũng nhất trí để sắp tới chúng tôi cùng nhau làm sơ đồ GIS đối với hộ kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn quận Tân Phú, nhằm quản lý hiệu quả hơn về PCCC".

Thu thập dữ liệu, phục vụ việc số hóa hồ sơ PCCC của quận Tân Phú, TP.HCM

Tình hình cháy nổ trên địa bàn TP.HCM và cả nước vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, nguyên nhân chủ yếu được xác định là do nhiều đơn vị, tổ chức và người dân còn chủ quan, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác PCCC.

Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy, Công an TP.HCM đề nghị các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia các phong trào như 'Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy' và 'Nhà tôi có 3': có thiết bị cảnh báo cháy, có mặt nạ phòng độc và có lối thoát nạn thứ hai.

Song song đó, lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về phòng cháy chữa cháy, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.