Theo đó, quý I/2022, 6 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines VietJet Air Jetstar Pacific, Bamboo Airways, Viettravel Airlines và Vasco khai thác 58.302 chuyến bay giảm gần 25% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, có 55.680 chuyến bay đúng giờ chiếm 95,5% tổng số chuyến.
Trong số 6 hãng bay, Bamboo Airways là hãng bay đúng giờ nhất với 96,6% chuyến bay đúng giờ, tương đương với 10.953 chuyến bay trong tổng 11.334 chuyến bay mà Bamboo Airways vận chuyển trong 3 tháng đầu năm.
Tỷ lệ bay đúng giờ của Vietnam Airlines và Pacific Airlines lần lượt là 96% và 95,7%. Trong khi đó, tỷ lệ đúng giờ của Vietjet Air là 94,4% tương đương với 19.023 trong tổng số 20.142 chuyến khai thác trong quý I của hãng này.
Cũng theo Cục Hàng không, Bamboo Airways ít chậm chuyến nhất số 3 hãng hàng không lớn nhất Việt Nam, với tỷ lệ 3,4% (giảm 1,2% so với cùng kỳ). Tỷ lệ chậm chuyến của Vietnam Airlines và Vietjet Air lần lượt là 4%, giảm 4,6% so với cùng kỳ và 5,6%, giảm 11,2% so với cùng kỳ. Tỷ lệ cất cánh muộn của toàn ngành là 4,5%, giảm 7,3% so với quý I/2021.
Trong khi đó, tỷ lệ hủy chuyến của ngành hàng không nội địa trong giai đoạn này là 1,3%, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Trong 3 hãng bay nội địa lớn nhất, Vietnam Airlines có tỷ lệ hủy chuyến lớn nhất với 2,7% chuyến bay bị hủy. Vietjet Air có tỷ lệ hủy chuyến thấp hơn với 0,8% trong khi ở Bamboo Airways là 0,3%.
Theo thống kê, những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm chuyến của các hãng bao gồm: trang thiết bị và dịch vụ tại cảng; quản lý, điều hành bay; hãng hàng không; thời tiết; tàu bay về muộn và lý do khác. Với tỷ lệ 53,9% tàu bay về muộn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng chậm chuyến của các hãng.
Trong quý I/2022, các đường bay nội địa và quốc tế đã từng bước được phục hồi, đón đầu nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao. Đặc biệt từ sau thời điểm khôi phục mạng bay thường lệ quốc tế và mở cửa đón du khách quốc tế, các hãng hàng không đã nhanh chóng mở rộng và tăng tần suất khai thác nhiều đường bay.
Từ cuối tháng 3, Vietnam Airlines có kế hoạch tăng các chuyến bay quốc tế mỗi tuần, mở rộng khai thác các đến các thị trường như: Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… cùng các đường bay nội địa để đáp ứng nhu cầu du lịch cũng như đi lại của hành khách.
Vietjet Air cũng có kế hoạch tăng tần suất nhiều đường bay quốc tế kết nối Việt Nam với Hàn Quốc, Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore, Thái Lan... Hãng cũng dự kiến khai thác trở lại các đường bay Ấn Độ, Nga…
Về phía Bamboo Airways, đại diện hãng cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của khách hàng giai đoạn bình thường mới, Bamboo Airways tích cực phát triển mạng lưới bay đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Hãng đã khai thác thường lệ các đường bay quốc tế đến nhiều châu lục, bao gồm các đường bay đến Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Đức, Anh, Australia... Đồng thời, hãng đã mở bán và sẵn sàng đưa vào khai thác các đường bay kết nối Việt Nam với Singapore, Thái Lan… từ cuối tháng 4/2022.