Chị Nguyễn Thị Hoài, ở Gia Lâm, Hà Nội thường sử dụng túi nilon đen dạng cuộn để đựng rác sinh hoạt hàng ngày. Dù đã được biết đến các loại túi hữu cơ, tự phân hủy,… nhưng chị chưa thử sử dụng:
"Ở chỗ chị túi đựng rác hữu cơ hình như chưa thấy người ta bán, nên các chị chủ yếu dùng túi bóng đen ý. Hướng tới bảo vệ môi trường rất là quan trọng, nhưng giá thành cao để đựng rác thì chị nghĩ khó tiếp cận với nhiều người."
Dạo qua một số cửa hàng và sàn thương mại điện tử, giá cả các loại túi nilon đựng rác có sự chênh lệch khá lớn, trong khi túi thường chỉ khoảng 10.000 đồng/cuộn, thì các loại túi thân thiện với môi trường dao động trên dưới 50.000 đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến quyết định của nhiều bà nội trợ:
"Cô nghĩ là giá thành cứ rẻ thì người ta sẽ mua nhiều thôi, vì các bà nội trợ đa số thích mua những cái gì rẻ, kể cả cô cũng thế".
"Nhà vẫn duy trì mua và kết hợp, tức là hết túi nilon tái sử dụng thì mình dùng túi cuộn. Túi truyền thống dai, bền hơn, tái sử dụng được nhiều hơn, cũng rẻ hơn nữa nên chắc là nhiều người vẫn dùng túi truyền thống."
Từ góc độ đơn vị nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm khoa học, ông Phạm Duy Huy Bình, Công ty TNHH Khoa học Tự nhiên (HUSCO) cho rằng, dù có tiềm năng rất lớn nhưng chi phí sản xuất là một trở ngại với các sản phẩm từ vật liệu sinh học, bởi nguyên liệu đầu vào có giá cao hơn nhựa truyền thống.
Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng về lợi ích của sản phẩm sinh học còn hạn chế, việc thiếu hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường cũng là một thách thức: "Cần có sự kết hợp chặt chẽ chính sách, doanh nghiệp và sự ủng hộ của cộng đồng. Việc giảm thuế hoặc cung cấp các ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm sinh học sẽ làm giảm giá thành.
Thứ hai là vai trò của các doanh nghiệp, có thể đầu tư, hợp tác với các nhóm nghiên cứu để hoàn thiện quy trình sản xuất, thương mại hóa sản phẩm. Ngoài ra, với chính sách phân loại rác tại nguồn từ năm 2025, cần đẩy mạnh tuyên truyền các lợi ích lâu dài trong việc sử dụng sản phẩm sinh học".
Đồng tình quan điểm này, TS. Hoàng Dương Tùng, Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng cần có “bệ đỡ” từ cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp: "Chúng ta chưa thu thuế các đơn vị sản xuất túi nilon không phân hủy, chưa mạnh dạn đầu tư cho nhiều chương trình nghiên cứu khoa học. Để khuyến khích phải thực thi tốt luật thuế môi trường với túi nilon, chính sách EPR, các nhà sản xuất, nhập khẩu bao bì đều phải có trách nhiệm thu hồi sản phẩm của mình, hoặc nộp một số kinh phí để nhà nước hỗ trợ.
Thứ hai, cần có những chính sách đầu tư, khuyến khích về nguồn vốn, công nghệ,… để các nghiên cứu được gắn liền với doanh nghiệp, qua đó các sáng kiến đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất."