Từ vụ dùng tay kéo SH mất phanh khi đổ đèo: Có nên đổ đèo bằng xe tay ga?

Do đặc thù của xe tay ga khi xuống dốc không thể về số thấp để hãm động cơ như xe số mà chỉ có thể dùng đến phanh. Nhưng nếu người lái bóp phanh liên tục sẽ khiến phanh xe bị nóng, má phanh bị bào mòn, thậm chí phanh hoàn toàn mất tác dụng. Vậy xe tay ga có đổ đèo được không?

Video ghi lại cảnh SH đổ đèo mất kiểm soát, xe Sirius đuổi theo kéo lại

Theo lời nhân chứng kể lại, một cặp vợ chồng cùng con nhỏ đang trên đường từ Tam Đảo về, lúc đổ đèo bất ngờ chiếc xe ga SH không may bị mất phanh, cứ thế bị trôi không dừng lại được. Lúc này, người vợ ngồi phía sau chiếc SH liên tục ra tín hiệu kêu cứu.

May mắn thay, một người điều khiển xe số (xe Sirius đỏ) rồ ga đuổi theo trên đoạn đường dốc và dùng tay để giữ chiếc SH dừng lại. Sau sự cố, cả gia đình người điều khiển chiếc xe ga SH đều an toàn.

Rõ ràng, địa hình dốc khiến xe ga thường không phải là sự lựa chọn ưu tiên để đi đường núi. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp đây là phương tiện duy nhất, không còn lựa chọn nào khác.

Nếu xe số cho người lái cảm giác an toàn khi có thể sử dụng các số 1, 2, 3, 4… để ghìm tốc độ theo kiểu phanh động cơ, thì xe ga lại không có những lựa chọn đó. Vậy làm thế nào để đổ đèo xe ga an toàn?

Nguyên nhân khiến xe tay ga kém an toàn khi đổ đèo?

Do đặc thù của xe tay ga khi xuống dốc không thể về số thấp để hãm động cơ như xe số mà chỉ có thể dùng đến phanh.

Điều nguy hiểm nhất lại chính là nằm ở chỗ đó, khi mà xe lao xuống dốc, người lái bóp phanh liên tục sẽ khiến phanh xe bị nóng, má phanh bị bào mòn, thậm chí phanh hoàn toàn mất tác dụng.

Thậm chí, có nhiều người còn tắt máy khi xuống dốc vì cho rằng việc này sẽ giúp tiết kiệm xăng. Điều này hoàn toàn là sai và đe dọa đến tính mạng của bản thân.

Bởi khi xuống dốc, xe đang lao nhanh theo tốc độ quán tính, người lái dễ bị mất kiểm soát, đặc biệt là tại những khúc cua gấp, rất dễ bị lao xuống vực hoặc lật xe nếu bóp phanh gấp.

Kinh nghiệm đổ đèo bằng xe ga

Theo chia sẻ từ những người có kỹ năng và kinh nghiệm chạy xe tay ga nhiều ở đường đèo núi, xe ga hoàn toàn có thể phanh bằng động cơ như xe số. Ở xe tay ga, phanh động cơ là lợi dụng độ bám của côn để giữ xe đạt một tốc độ nhất định, đủ an toàn.

Ví dụ loại xe chúng ta sử dụng là Honda AirBlade 125 phân khối đời 2018, hộp số vô cấp CVT. Khi xe đang dừng ở đỉnh dốc, ta dùng phanh, máy nổ, ly hợp (côn) tự động nhả hoàn toàn. Thả phanh, xe bắt đầu trôi xuống dốc rất nhanh do côn không bám chút nào. Vậy khi đó cần phải làm cách nào để côn bám từ đó lợi dụng động cơ hãm xe?

Trước khi vào vấn đề chính, cần phải lưu ý 2 điểm sau: Tuyệt đối không tắt máy và cố gắng để vận tốc nhỏ 15 km/h, nhưng không lớn hơn 40 km/h.

Đầu tiên, hãy dùng phanh để xe giảm tốc nhưng nhớ giữ tốc độ nhanh hơn 15 km/h, sau đó mớm nhẹ chút ga. Vừa mớm nhẹ ga vừa rà phanh để giữ vận tốc ổn định trong khoảng 15 – 20 km/h để ly hợp (côn) bám. Sau khi cảm nhận côn đã bám, hãy nhả ga hoàn toàn, lúc này sẽ nhận thấy côn vẫn bám và xe bị động cơ kéo giật lại, xe sẽ phát ra những tiếng gằn do trợ lực lớn từ động cơ.

Quay lại 2 lưu ý trên, lý do mà cần phải ghi nhớ 2 điểm đấy là vì nếu tắt máy sẽ không mớm được ga để bám côn, còn nếu chạy chậm hơn 15 km/h thì xe sẽ tự động ngắt côn (đó là đặc tính của xe côn văng). Vì vậy, nếu muốn duy trì được côn bám thì không được đi quá chậm, dưới 15 km/h.

Dẫu vậy, thỉnh thoảng sẽ có những khúc cua tay áo quá gấp, thì cần phải phanh để giảm xuống còn 10 km/h hoặc thậm chí 5 km/h, khi hết cua vào đường thẳng hãy để xe trôi nhanh lên trên 15 km/h cùng lúc rà phanh và hơi mớm chút ga. Khi đó, côn sẽ bám trở lại và nhả ga ra là lại có thể phanh bằng số.

Tuy nhiên, nếu đi đường đèo mà chưa biết cách dùng động cơ để phanh thì khuyến cáo là không nên sử dụng xe tay ga, hoặc ngồi phía sau người điều khiển thiếu kinh nghiệm.