Qua đó đã có nhiều máy móc được sáng chế, cải tiến giúp người nông dân thay đổi từ cách làm nông nghiệp truyền thống sang áp dụng máy móc, đem lại hiệu quả năng suất cao, góp phần ổn định đời sống và kinh tế hơn trước kia.
ÔNG TƯ RÔ - NHÀ SÁNG CHẾ NÔNG DÂN
PV: Xin giới thiệu đến quý thính giả ông Nguyễn Văn Rô, 61 tuổi, một nông dân ở Cà Mau - người đã sáng chế ra chiếc máy cày phao nổi đã vang danh khắp các tỉnh ền tây. Ông có thể chia sẻ về quá trình tạo ra sáng chế này?
Ông Nguyễn Văn Rô: Đi các huyện các tỉnh, đi đến đâu ai cũng nói làm sao chế máy cày tốt hơn nên chú mới có ý tưởng. Chú mới lại vuông tôm người ta để ngồi coi, rồi ngẫm làm sao chế nổi, chế chìm rồi tính ra. Học theo mấy ông già xưa, những người có trí thức rồi sau đó mình đối chiếu, rồi mình tìm điều hay sau đó áp dụng vào nghiên cứu.
Đóng máy cày vất vả lắm, tháo tới tháo lui để xem lưỡie cày phù hợp với từng vùng đất thì mới đảm bảo được, ví dụ đất cỏ đóng lưỡi cày khác, đất trống đóng kiểu khác... Lưỡi cày mà không hợp đất thì khó hiệu quả.

PV: Máy cày phao nổi khi được người dân sử dụng đã đem lại hiệu quả ra sao?
Ông Nguyễn Văn Rô: Ngày xưa máy cày chạy là phải kéo theo cây, lót ván cực lắm, qua sông phải tốn phà nữa. Bây giờ thì không còn nữa, gắn can nhựa vào máy cày cho nổi để người nông dân đi. Máy cày giờ đi qua sông bình thường, chỉ ngồi ở trên chạy thôi, không còn lội nước nữa.
Người dân giờ làm vuông thả tôm, thả sò hiệu quả lắm.
Ngày trước khi tôi chưa làm máy cày phao nổi người dân nuôi thất thoát lắm, rồi cả làng kéo nhau bắt đầu làm đơn nhờ nhà nước hỗ trợ vốn nhưng tiền bao nhiêu cũng hết. Bây giờ thì không còn cảnh đó nữa dám đảm bảo thả tôm giống, sạ lúa...ổn hết. Máy cày giúp đất tơi xốp, tốt hơn.
Đất càng có nước ngập thì có càng nhiều khí độc. Thế nên mình làm sao mình xới đất lên, đổi màu đất cho tơi xốp, thiên nhiên lại.
PV: Cảm ơn ông Rô đã chia sẻ!

Chi phí để mua chiếc máy cày phao nổi khoảng 20 triệu đồng, giá chỉ bằng một nửa so với các loại máy cày nhập của nước khác. Nhiên liệu vận hành cực kỳ tiết kiệm khi chỉ với 1 lít xăng có thể cày được 1000m2 đất. Qua từng năm, chiếc máy cày phao nổi được ông Rô cải tiến nhẹ hơn, giúp dễ dàng vận chuyển và hoạt động tốt hơn gấp 10 lần so với trước.
Nhiều người dân sống tại huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cho biết, chiếc máy cày phao nổi đã đem lại hiệu quả cao, giúp nền đất cân đối các hàm lượng chất vôi, chất xơ, độ chua phèn và làm cho đất tơi xốp hơn để nuôi tôm, nuôi sò.
“Máy cày này hoạt động trên rẫy được luôn, mình xới đất lên đánh vòng được, ví dụ trồng khoai lang, mía...thay vì mình dùng cuốc thì mình sẽ đổi lưỡi cày để làm.”
“Sáng kiến này quá lợi ích cho nông dân, máy cày không mắc tiền, dễ mua. Công dụng của máy cày phao nổi thì rất tốt, diệt ốc đinh quá tuyệt vời, người nông dân khỏi cần sử dụng thuốc hay hoá chất lên nền đất".
NHỮNG NHÀ NÔNG MÊ SÁNG CHẾ
Giống ông Rô, ông Lê Văn Út, 65 tuổi, sống tại Cần Thơ cũng có niềm đam mê sáng chế như thế. Xuất thân từ nông dân, trong một lần nạo vét bùn bằng tay, ông Út nhìn thấy người làm cùng bị đứt tay dẫn đến nhiễm trùng. Sau lần ấy, ông Út không ngừng thôi thúc bản thân tìm hiểu, nghiên cứu ra máy móc để thay sức người.
Cứ thế, đến năm 1990, ông Út cho ra sản phẩm đầu bơm hút bùn đầu tiên và được cải tiến hoàn chỉnh năm 2013. Ông Lê Văn Út cho biết, một đầu bơm hút bùn có thể thay thế 15 nhân công làm việc và tiết kiệm chi phí nhiên liệu khi hoạt động đạt 25 m3 nhưng chỉ tốn 1 lít dầu.
Người dân giờ đây có thể dùng đầu bơm hút bùn để tạo đường nước giữa ruộng lúa, sửa gò đất trên ruộng lúa, hút bùn non cải tạo mặt vườn, hút bùn ao nuôi thủy sản và đơn giản nhất là làm nhiệm vụ bơm nước. Nhìn về sản phẩm của mình, ông Út không giấu được niềm vui và sự tự hào:
“Ngày đó làm rất là khó khăn, máy ép không có phải đập sắt bằng tay vất vả lắm, làm việc thô sơ không có gì hỗ trợ hết. Bây giờ đặt khuôn đầy đủ thì làm rất nhanh. Một sản phẩm khi làm ra mà giúp ích được gì cho bà con thì mình vui lắm".
Ở xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, thời điểm tháng 9 âm lịch là mùa lúa chét thu hoạch nhưng lại gặp cảnh con nước lên cao, khiến cây lúa bị ngập chỉ còn bông lúa nổi trên mặt nước. Điều này gây ra không ít khó khăn cho việc thu hoạch bằng máy móc hoặc sẽ rất mất thời gian, công sức, tiền của nếu thuê nhân công gặt lúa. Cũng vì thế nhiều hộ nông dân đành chọn cách bỏ đi.
Nhìn thấy sự lãng phí trên cánh đồng, ông Nguyễn Thanh Lộc - một người nông dân chính hiệu, chẳng qua trường lớp đã quyết tâm học hỏi sáng chế ra chiếc xuồng tuốc lúa với chi phí lắp đặt khoảng 20 triệu đồng. Đơn giản là một chiếc xuồng bên trên gắn một số bộ phận máy móc có liên quan đến công đoạn tuốt lúa và được cải tiến thêm cho phù hợp với địa hình nước ngập.
Để vận hành máy cần hai người vừa đẩy xuồng, vừa chủ động hạ độ cao để có thể thu hoạch hết bông lúa. Lúa sau đó được đưa qua máy vê lúa để chọn hạt chắc, sạch. Xuồng tuốt lúa có thể hoạt động thu hoạch khoảng 50 công đất/ngày và chỉ tiêu tốn khoảng 10 lít xăng. Nếu so với cắt tay thì giảm được nhiều thời gian, công sức, hiệu quả năng suất cao hơn.
Đối với ông Nguyễn Thanh Lộc, xuồng tuốt lúa mùa nước nổi là một thành quả rất tự hào và hữu ích cho nhà nông: “Tiết kiệm nhiều lắm, một ngày có thể thu hoạch từ 40-50 bao lúa. Ngày xưa không có thì làm 2-3 ngày mới chỉ được vài bao. Có xuồng tuốt lúa thì đỡ cho bà con nhiều, tại vì cứu được lúa nước cho bà con ăn mà. Mình giúp bà con có lúa ăn được như vậy mình cũng thấy vui trong bụng".
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh" – lời nói của bác khi xưa đã được thế hệ nông dân sau này phát huy hiệu quả. Người nông dân ngày nay không còn ngại khó, mạnh dạn học hỏi, sáng tạo để vượt qua những “rào cản”, đặc biệt là biến đổi khí hậu đang ngày một diễn biến khó lường, phức tạp.
Để rồi từ đó nâng cao giá trị của chất lượng sản phẩm, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, xây dựng đất nước giàu đẹp.
---
Cảm ơn Công ty cổ phần Dược Nam Hà đã đồng hành cùng VOV Giao thông thực hiện chương trình đặc biệt “Gieo niềm tin, gặt hạnh phúc” đón giao thừa Ất Tỵ 2025.