Từ 1/2, chính thức triển khai mô hình A-CDM tại Cảng HKQT Nội Bài

Từ ngày 01/02/2024, Cảng HKQT Nội Bài chính thức triển khai áp dụng mô hình A-CDM giai đoạn 1 sau khi được Cục hàng không Việt Nam chấp thuận.

Trung tâm AOCC, nơi các mắt xích kết nối qua A-CDM portal để cùng chia sẻ nền tảng dữ liệu chung

Sau thành công của việc triển khai thử nghiệm khai thác thực tế mô hình ra quyết định A-CDM tại Cảng HKQT Nội Bài lần 2 từ ngày 25/7/2023 đến ngày 31/10/2023 với tổng số gần 28.000 lượt chuyến bay trong khung giờ áp dụng A-CDM cất hạ cánh an toàn, Cục Hàng không Việt Nam ban hành Quyết định chấp thuận triển khai áp dụng chính thức mô hình A-CDM giai đoạn 1 từ ngày 01/02/2024 cho tất cả chuyến bay nội địa và quốc tế đi/đến qua Cảng.  

A-CDM và các chỉ tiêu đạt được sau khi thử nghiệm:

Trong 2 lần thử nghiệm thực tế, mô hình A-CDM tại Cảng HKQT Nôi Bài đã được áp dụng trong nhiều tình huống và điều kiện khai thác nhau từ điều kiện khai thác bình thường cho đến các tình huống bất thường do đó có nhiều chỉ tiêu đã được lượng hóa để tính toán hiệu quả của A-CDM, cụ thể như sau:

Thứ nhất, độ tuân thủ thời gian rời vị trí mục tiêu (TOBT) của mỗi chuyến bay trong giai đoạn thử nghiệm đạt trung bình 98,7%. 

Thứ hai, độ tuân thủ thời gian cho phép nổ máy mục tiêu (TSAT) của mỗi chuyến bay trong giai đoạn thử nghiệm trung bình đạt 96,2%.

Thứ ba, chỉ số thời gian lăn của tàu bay trong khung giờ thử nghiệm thực tế A-CDM được ghi nhận giảm so với cao điểm năm 2023 khi chưa áp dụng hệ thống. Theo tính toán thời gian tàu bay lăn vào vị trí đỗ của chuyến bay giảm trung bình trên 30 giây và thời gian lăn ra để cất cánh, giảm gần 3 phút; điều này đã giúp các hãng hàng không tiết kiệm nhiên liệu tàu bay, giảm thiểu khí CO2 ra môi trường. 

A-CDM và những hiệu quả sau 2 lần thử nghiệm

Thực tiễn áp dụng thử nghiệm thực tế mô hình A-CDM tại NIA đã cho thấy chi tiết các nhóm lợi ích đối với Cảng hàng không, với hãng hàng không, với đơn vị phục vụ mặt đất, với cơ quan quản lý bay và với hành khách.

Đối với cơ quan quản lý bay: Khi áp dụng A-CDM lực lượng kiểm soát viên không lưu giảm tần suất liên lạc với tổ bay do thông tin giờ dự kiến nổ máy đã được hiển thị trên hệ thống dành riêng cho phi công. Dẫn đến giảm khối lượng công việc cho kiểm soát viên không lưu. 

Đối với hãng hàng không và đơn vị phục vụ mặt đất: Tiết kiệm chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến bay nhờ tối ưu hiệu quả khai thác và giảm thời gian lăn của tàu bay. Thông tin được phối hợp chia sẻ, mang tính thông suốt, rõ ràng, nh bạch giữa các đơn vị. 

Đối với cảng hàng không, sân bay: Khi triển khai A-CDM tối ưu được hạ tầng cảng hàng không, nâng cao hiệu quả khai thác tại sân bay, giảm khí thải CO2 ra môi trường đồng thời nâng cao vị thế sân bay trong khu vực và thế giới.

Đối với hành khách: Rõ ràng với tỷ lệ đúng giờ đối với các chuyến bay áp dụng A-CDM tại NIA trong thời gian qua, hành khách sẽ có những trải nghiệm tốt hơn, do tàu bay giảm thời gian lăn, thời gian dừng chờ, hạn chế bay vòng.