Trồng một cái cây

Đôi khi chúng ta nói với nhau những điều rất to tát, rất ồn ào ngày hôm nay; rồi ngay sau đó, ngày mai, ngày kia chúng ta sẽ lại nói về những điều lớn lao khác mà rốt cuộc không có gì thay đổi. Nhưng, có những điều nhỏ thôi, như trồng một cái cây, có thể sẽ mang lại những đổi thay lớn.

Tôi có một cậu học trò quê ở ền trung du. Tốt nghiệp đại học, ra trường bươn trải mấy năm ở Hà Nội, cậu ấy về quê khởi nghiệp và khá thành công.

Cuối tuần vừa rồi, cậu ấy gọi điện khoe mới có con đầu lòng, rồi hỏi: Theo thầy em nên mua gói bảo hiểm nào để dành cho tương lai của cháu.

Nghe câu hỏi đó, tôi nghĩ đến những ngọn đồi trọc ở quê cậu học trò, và xui: Em hãy trồng cho cháu một vườn cây gỗ. 20 năm nữa, khi cháu lớn, cháu sẽ có một vườn cây đẹp, thứ mà bây giờ dù có nhiều tiền em cũng không dễ mà mua được.

Hoặc nếu lúc đó cháu cần tiền ăn học, chặt gỗ bán đi cũng được một khoản tiền lớn.

Nghe lời khuyên đó, ban đầu cậu ta cười vì nghĩ rằng tôi nói đùa. Song, sau khi nhẩm tính một hồi, cậu bảo: Em nghĩ sẽ làm theo lời thầy, và sẽ nói với bạn bè em ở quê. Thử tưởng tượng mỗi một đứa trẻ được sinh ra, theo đó sẽ có một rừng cây nho nhỏ phủ xanh những ngọn đồi.

Điều đó thật kỳ diệu, những đứa trẻ lớn lên, gắn bó tình cảm với rừng cây được sinh ra cùng chúng. Đó là một khoản để dành thật ý nghĩa từ cha mẹ để lại cho con.

Ảnh nh họa

Khi đưa ra lời khuyên đó, tôi biết rằng không phải gia đình nào cũng có quỹ đất trống để trồng một rừng cây. Nhưng không nhiều thì ít.

Và hơn nữa, nếu ở nông thôn, mà có tiền mua bảo hiểm nhân thọ cho con, thì việc trồng vài trăm cây gỗ không phải là điều cần đến nhiều đắn đo.

Những khu rừng đã mất đi bởi sự mưu sinh của nhiều thế hệ, việc trả lại cho thế hệ sau những khu rừng mới là điều nên làm. Nhất là khi nó không phải việc bất khả thi.

Tôi đã đi qua nhiều ền quê trên khắp đất nước này. Những cánh rừng tôi từng nhìn thấy hồi trẻ, giờ hầu hết đã trở thành đất trồng cây ngắn ngày, hoặc rừng keo, bạch đàn, những loại cây gỗ rẻ tiền có vòng đời ngắn.

Có thể, việc canh tác cây ngắn ngày, cây công nghiệp tạo ra dòng tiền nhanh hơn, giải quyết những nhu cầu ngắn hạn.

Nhưng, nếu nghĩ đến tương lai của thế hệ sau, nghĩ đến việc để lại di sản thừa kế cho con cháu mình, việc dành một phần diện tích đất đồi, những khoảng trống trên đất canh tác để trồng cây lâu năm, hẳn là điều đáng để suy nghĩ.

Vậy thì điều gì cản trở ý tưởng trồng cây cho thế hệ sau ở những ền đồi núi. Có lẽ đó là vì chúng ta thường hay nghĩ đến những hành động mang đến hiệu quả tức thời. Cái cây lâu năm, bây giờ chúng ta trồng thì đến bao giờ mới nhìn thấy thành quả?

Nhưng, người Hy Lạp ngày xưa đã từng nói: Một xã hội phát triển tuyệt vời là khi những người già trồng những cây có bóng mát mà họ biết rằng họ không phải người sẽ ngồi dưới bóng nó.

Chúng ta đã hạnh phúc như thế nào khi thụ hưởng thành quả, di sản của cha ông? Hãy nghĩ về điều đó, và chúng ta sẽ biết rằng con cháu chúng ta cũng sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc ấy khi được thừa hưởng di sản của chúng ta.

Không phải ai cũng có thể dời non lấp bể, không phải ai cũng có thể để lại gia sản khổng lồ cho con cháu, nhưng ai cũng có thể trồng một cái cây như mua một hợp đồng bảo hiểm cho mỗi đứa trẻ được sinh ra.

Nghĩ về bóng mát mà mình sẽ không phải người ngồi dưới, bạn sẽ nhìn thấy nụ cười của những đứa trẻ ở tương lai./.