Về vấn đề này, PV VOV Giao thông có cuộc trò chuyện với TS Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.
PV: Dự báo đến 2050, tỷ lệ nam giới tử vong vì ung thư trên toàn thế giới tăng gần 100% thực sự đáng báo động. Vậy WHO có đánh giá như thế nào về tính nhất quán của dự báo này với các nghiên cứu khác để có được góc nhìn đầy đủ về câu chuyện này, thưa bà?
TS Angela Pratt: Chúng ta đều biết rằng số ca tử vong và bệnh tật do ung thư gây ra đang gia tăng. Trong 25 năm tới, số ca tử vong do ung thư ở nam giới có thể tăng gấp đôi. Đây là một con số rất đáng lo ngại. Nó là số liệu thu được từ nghiên cứu của Tổ chức Ung thư Toàn cầu GLOBOCAN thuộc Tổ chức Y tế Thế giới WHO.
Chúng ta đã biết, nam giới có nhiều khả năng tử vong vì ung thư hơn phụ nữ, đặc biệt ở một số dạng ung thư nhất định. Nghiên cứu mới này của GLOBOCAN xem xét một cách tổng thể các dạng ung thư khác nhau, tổng hợp các dữ liệu mà chúng ta có về tỷ lệ mắc các loại ung thư và xu hướng ở mọi lứa tuổi trên toàn cầu. Vì vậy, nó khá toàn diện. Đây là một mức tăng rất lớn và khiến chúng ta phải suy nghĩ về những việc có thể làm để ứng phó với xu hướng này.
PV: Vậy đâu là những nguy cơ chính thúc đẩy sự gia tăng tỷ lệ nam giới tử vong do ung thư toàn cầu, và WHO khuyến nghị những biện pháp phòng ngừa cụ thể nào mà nam giới có thể thực hiện, đặc biệt là ở Việt Nam, thưa bà?
TS Angela Pratt: Ung thư có thể do nhiều yếu tố khác nhau gây ra. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh vào một điều quan trọng và mong tất cả nam giới, những người đang lắng nghe buổi trò chuyện ngày hôm nay, đó là 40% các trường hợp ung thư có thể phòng ngừa được.
Nam giới tại Việt Nam có thể giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong do ung thư nếu họ dùng đồ uống có cồn ít hơn và bỏ thuốc lá.
Tôi xin giải thích một chút. Hơn 1/4 nam giới ở Việt Nam thường xuyên uống rượu. Theo khảo sát, với mỗi lần đi uống, họ dùng nhiều hơn 6 ly tiêu chuẩn. Uống rượu, đặc biệt với lượng lớn như vậy, làm tăng đáng kể nguy cơ mắc một số loại ung thư cũng như các bệnh lý về gan, tim mạch và các tình trạng sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo âu.
Thêm vào đó, rất nhiều người hút thuốc lá thường xuyên – nhiều hơn 40%, như vậy cứ 10 người nam giới thì có 4 người hút thuốc – điều này làm tăng nguy cơ mắc ung thư, đặc biệt là ung thư phổi.
Trên thực tế, ngoài ung thư phổi, hút thuốc còn là yếu tố nguy cơ chính đối với hơn 20 loại ung thư, cũng như các bệnh lý về tim mạch và hô hấp. Người hút thuốc có tới 50% nguy cơ tử vong.
Chúng tôi cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam tạo ra môi trường khuyến khích nam giới bỏ thuốc lá. Việc bỏ thuốc lá không những giúp giảm nguy cơ mắc ung thư, mà những lợi ích về sức khỏe của nó đến gần như ngay lập tức.
PV: Bên cạnh đó, WHO có khuyến cáo gì cho chính phủ Việt Nam và xã hội nói chung để giải quyết vấn đề ung thư và tử vong do ung thư của nam giới một cách hiệu quả, bao gồm cả các chính sách y tế công cộng, nâng cao nhận thức và thúc đẩy lối sống lành mạnh, thưa bà?
TS Angela Pratt: Trên phương diện cá nhân, nam giới có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách bỏ thuốc lá, giảm tiêu thụ đồ uống có cồn và sống lành mạnh hơn, ăn nhiều rau củ và trái cây và tăng cường hoạt động thể chất. Tuy nhiên, việc phòng ngừa bệnh không chỉ dựa vào các lựa chọn về lối sống cá nhân, mà còn cần tới một môi trường nơi các lựa chọn lành mạnh được khuyến khích thực hiện.
Do vậy, chúng tôi khuyến khích các nhà hoạch định chính sách áp dụng các chính sách giúp thúc đẩy mọi người thực hiện các hành vi lành mạnh. Ví dụ, chúng tôi khuyến khích mạnh mẽ Chính phủ Việt Nam tăng thuế và giá thuốc lá.
Chúng tôi cũng khuyến khích các chính sách như luật không khói thuốc và môi trường không khói thuốc, luật về dán nhãn dinh dưỡng sản phẩm và khuyến khích tiêu thụ trái cây và rau củ thay vì thực phẩm chế biến sẵn hay thực phẩm có hàm lượng chất béo, muối và đường cao. Tiêm chủng cũng có hiệu quả trong việc ngăn ngừa một số loại ung thư, do vậy Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị tăng cường tiêm chủng và đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có thể tiếp cận các loại vắc xin ngăn ngừa ung thư như vắc xin phòng viêm gan B và vắc xin phòng vi rút papillomavirus gây ung thư cổ tử cung (gọi tắt là HPV).
Thêm vào đó, nhiều loại ung thư có thể chữa được nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy, chúng ta cũng cần đảm bảo hệ thống y tế có các dịch vụ phù hợp cho việc phát hiện sớm và điều trị hiệu quả cho nhiều người nhất có thể.
PV: Xin cảm ơn bà.