Mời các bạn cùng nghe những phân tích của Bếp Phạm, chuyên gia lý luận ẩm thực online, qua bài viết Triết lý của Phở.
Hội đồng lý luận ẩm thực quốc tế là một tổ chức tự nguyện được hình thành trong thời gian giãn cách vì Covid, ở đây tập trung rất nhiều nhà lý luận ẩm thực online. Và một trong những nội dung được thảo luận nhiều nhất ở hội đồng này là Phở.
Phở là một món ăn bình dân, thậm chí ban đầu là quà của giới cần lao. Nhưng bất cứ ai, từ cần lao đến tinh hoa, có lẽ không ai là không thường ăn phở. Là món ăn quốc dân, phổ biến nhất trong các món ăn ở Việt Nam, và cũng là món ăn Việt Nam được thế giới biết đến nhiều nhất, là vì sao? Triết lý của Phở rất giản dị!
Thứ nhất, Phở dù ở đâu, trong thời điểm nào, cũng được định vị bởi những giá trị cốt lõi của nó. Bất cứ một ai cũng có thể xác định dễ dàng các yếu tố làm nên một bát phở ngon, thông qua những giá trị cốt lõi của nó. Đó là nước phở đậm đà, nếu luễnh loãng nhạt nhẽo là vứt đi; Bánh phở mềm mại, nếu cứng là vứt đi; cuối cùng là thịt tươi, thịt mà không tươi, mất vị ngọt, mất nước trong thớ thịt cũng vứt đi. Vì thế, chỉ cần ăn một lần, bạn có thể dễ dàng khẳng định ngay quán phở đó là dở hay ngon.
Thứ hai, món phở có thể dễ dàng tùy biến mà không phải dụng công. Bạn vào một quán phở bò, dĩ nhiên là bạn biết rằng chỉ có phở với thịt bò, nhưng bạn có hàng chục lựa chọn khác nhau, từ bò tái, bò chín, bò gân, bò nạm, bò gầu, bò bắp... để bạn tùy chọn theo khẩu vị và ý muốn của mình. Dù tất cả lựa chọn của bạn không mấy khác nhau.
Khả năng dễ dàng xác định các giá trị cốt lõi khiến cho phở không gặp khó khăn để neo vào ký ức vị giác của người ăn. Khả năng tùy biến đơn giản khiến người ăn phở thoát được sự nhàm chán để lựa chọn mỗi ngày. Thực ra, triết lý thành công của Phở cũng là những yếu tố cơ bản để tạo nên sự thành công của bất cứ loại hàng hóa, sản phẩm nào. Dễ xác định giá trị chất lượng, và có khả năng tùy biến một cách đơn giản mà không xa rời giá trị cốt lõi.
Triết lý của Phở, dù chưa được ghi nhận trong bất cứ giáo trình triết học nào, song, trên thực tế nó đã được chứng nh một cách gián tiếp qua rất nhiều nghiên cứu.
Tác giả Kuroiwa Yuji khi đề cập trào lưu khởi nghiệp bạc ở Nhật Bản trong cuốn sách Thời đại trăm tuổi đã công bố một con số bất ngờ. Đó là có 65% người trong độ tuổi 55-64 khởi nghiệp thành công, trong khi tỷ lệ này ở lứa tuổi 20 – 30 chỉ là 0,5%. Tại sao lại có sự chênh lệch lớn đến thế ở khả năng thành công giữa hai lứa tuổi?
Nguyên nhân quan trọng là những người lớn tuổi thường khởi nghiệp bằng cách hoàn thiện những sản phẩm đáp ứng các nhu cầu rất căn bản, cốt lõi của xã hội, bởi đó là thứ họ hiểu rõ, và có trải nghiệm sâu sắc. Trong khi những người trẻ, họ sẽ luôn theo đuổi việc cung cấp những sản phẩm mới, thậm chí chưa hình thành nhu cầu. Những sản phẩm phục vụ nhu cầu trong tương lai rất khó định vị giá trị, và khả năng tùy biến thấp, thậm chí là mơ hồ.
Người già khởi nghiệp dựa trên những nhu cầu cơ bản, những giá trị rõ rệt nên khả năng thất bại hầu như rất thấp, thường là do thiếu may mắn, hoặc bởi các tác động bất khả kháng. Trong khi người trẻ, đầu tư vào những sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong tương lai, chỉ may mắn khi các nhu cầu đó đến sớm, và bùng nổ.
Triết lý của phở là một câu chuyện rất cũ. Nhưng, theo một cách nào đó, khi nghĩ về triết lý của phở, tôi luôn thấy một lời nhắc nhở, rằng: Bảo vệ các giá trị truyền thống cốt lõi, cung cấp khả năng tùy biến linh hoạt dựa trên các giá trị đó là một cách đảm bảo sự phát triển bền vững và an toàn.