Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Đó không chỉ là tình cảm, trách nhiệm, là truyền thống đạo hiếu, mà còn là một khía cạnh tâm lý tinh tế rất nên chú ý trong cuộc sống hiện đại.
“Trẻ cậy cha” không đơn thuần chỉ là việc cha mẹ lo cho con ăn học đến lúc trưởng thành. Trẻ em cần ở cha mẹ là một người bạn lớn, đồng hành cùng con trong những vấn đề chúng gặp phải ở mỗi độ tuổi. Xã hội càng hiện đại, các vấn đề đó càng phức tạp, đến người lớn còn dễ lầm lạc sa ngã nói gì con trẻ. Thực tế, giữa đủ đầy vật chất xa hoa, vẫn không thiếu những đứa trẻ bơ vơ trong thế giới riêng mình.
“Trẻ cậy cha” còn là “cậy” một hình mẫu để chúng noi theo, có thể là lòng nhân hậu, sự dũng cảm, là thói quen tập luyện thể thao, là sở thích đam mê chính đáng… Không phấn đấu thành thần tượng của con, nhiều bố mẹ đang để con chạy theo thần tượng trên phim ảnh, trên thế giới mạng, đôi khi học cái hay thì ít mà cái dở thì nhiều.
Còn “già cậy con”, cũng không chỉ là trông chờ cơm bưng nước rót, thuốc thang lúc trái gió trở trời, mà còn là “cậy” chúng để có những niềm vui tuổi già. Nếu được con cháu hỏi ý kiến, được “nhờ vả”, người cao tuổi sẽ cảm thấy rất phấn chấn, vì cảm thấy mình quan trọng.
Nhưng nhiều khi, sự khác biệt về quan điểm, hoặc suy nghĩ chưa tới khiến các con không muốn nhờ ông bà. Họ sợ việc chăm con, việc nhà cửa không như ý. Họ không muốn mang tiếng phụ thuộc, họ thích tự lực cánh sinh…
Để vừa ý trẻ con, vừa lòng cha mẹ, thực sự rất khó. Nhưng nếu đủ yêu thương, bạn sẽ tìm ra cách. Đó cũng chính là vì hạnh phúc của bạn thôi, khi mang lại nụ cười cho những người sinh ra mình, và người mình đã sinh ra.
---
Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: