TP.HCM: Số vụ cháy, nổ tăng 200% sau khi nới lỏng giãn cách xã hội

Sau hơn 1 tháng kể từ khi nới lỏng giãn cách xã hội, cho phép các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ hoạt động trở lại; cũng là lúc tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân các vụ cháy trong thời điểm này chủ yếu là do bất cẩn trong hoạt động.

 

Cháy, nổ tại TP.HCM tăng cao sau nới lỏng giãn cách xã hội, khi các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ hoạt động trở lại

Mới đây xảy vụ cháy xảy ra lúc 23 giờ ngày 5/11 tại hẻm 37 đường Trần Đình Xu, quận 1, TP.HCM. Theo người dân kể lại, nguyên nhân vụ cháy do chập điện. Ngoài ra do căn nhà chứa nhiều thiết bị văn phòng, mực in nên đã bùng phát dữ dội. Hơn 100 cảnh sát PCCC đã được điều động đến chữa cháy. Vụ cháy không gây thương vong về người nhưng thiêu rụi nhiều tài sản. 

Chị Nguyện Thị H – Người dân sống gần nơi xảy ra vụ cháy chia sẻ: Cháy ngay chỗ cầu giao điện đó cho nên nó cũng không thể nào xuống sập cầu giao được. Có mặt tại hiện trường vụ cháy, chị Trần kim T cháy cho biết: "Lúc đầu thì cháy ở phía trước. Sau đó thì cháy lan ra phía sau." 

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP.HCM từ đầu tháng 10 đến nay đã xảy ra khoảng hơn 30 vụ cháy, tăng 200% so với cùng kỳ. Các vụ cháy nhiều nhất là những cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, nhà ở kết hợp kinh doanh… chiếm 60% -70% tổng số vụ cháy. Những vụ cháy trên bước đầu xác định nguyên nhân đều do chạm, chập điện, bất cẩn trong quá trình sửa chữa nhà xưởng, văn phòng làm việc. 

Trung tá Cù Huy Tuấn - Phó đội trưởng Đội công tác Phòng cháy, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP.HCM cho biết, khi hoạt động trở lại, nhiều nơi sửa chữa lại các gian hàng, hệ thống điện, trang trí lại. Trong quá trình sửa chữa, cải tạo, có sử dụng hàn cắt kim loại, do thi công không cẩn thận, không đảm bảo yêu cầu PCCC thì dễ xảy ra cháy nổ vì lúc hàn xì.

Thượng tá Đỗ Văn Kháng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an TP.HCM chia sẻ: "Chúng ta nghỉ một thời gian dài thì hệ thống điện phục vụ sản xuất, các thiết bị điện lâu ngày không hoạt động có thể hư hỏng, khi sử dụng lại sẽ tăng tải dẫn đến hiện tượng qúa tải, gây chập cháy. Chủ hộ, chủ các cơ sở, phải tổ chức kiểm tra thật kỹ, để làm sao phát hiện sớm để cải tạo, nâng cấp cho an toàn."

Ngoài việc các thiết bị điện lâu ngày không hoạt động dễ dẫn đến quá tải, cháy nổ thì ý thức của người dân cũng rất quan trọng. Trong quá trình hoạt động trở lại, người dân cũng cần kiểm tra lại các thiết bị PCCC, hàng hoá sắp xếp gọn gàng, không để gần các nguồn nhiệt dễ dẫn đến cháy nổ./.