TP.HCM: Số ca tử vong, ca bệnh nặng do sốt xuất huyết tăng

Viện Pasteur vừa báo cáo dịch sốt xuất huyết tăng mạnh ở 11/20 tỉnh thành phía Nam. Đã có 36 ca tử vong. 1.139 ca mắc nặng và so với cùng kỳ năm 2021 số ca đã tăng gấp đôi.

Tình trạng nhập viện của trẻ mắc SHX nhập viện ở các BV Nhi đồng ngày càng đông về số ca nặng và ca mắc. TP.HCM đã có 8 ca tử vong.

Tại Hội nghị Tăng cường công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết khu vực phía nam do Bộ Y tế tổ chức, bác sĩ Lương Chấn Quang, Viện Pasteur TP.HCM, tính từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận 39.317 trường hợp mắc sốt xuất huyết nhập viện, trong đó có 1.193 mắc nặng và 36 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm trước, số ca mắc tăng gấp đôi.

Chỉ riêng 4 tuần gần đây, chiếm gần 50% số ca mắc và 45% tổng số ca tử vong tích luỹ từ đầu năm đến nay. Dịch đang lan rộng 11/20 tỉnh phía nam, các tỉnh dịch cao như TP.HCM, AN Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Dương…Về số ca tử vong cao ở các địa phương TP.HCM có 8 ca, Bình Dương 8, Đồng Nai 5, Tây Ninh 5…

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo CDC các tỉnh phía Nam quyết liệt phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Theo bác sĩ Lương Chấn Quang, hiện nay các địa phương thiếu kinh phí cho công tác phòng, chống dịch, thiếu nhân sự, thiếu dịch truyền cao phân tử, thiếu hoá chất phun diệt muỗi....

Người dân khi bệnh 90% đến các cơ sở y tế tư nhân, do đó thông tin về các ca bệnh bị bỏ sót, ngành y tế không kịp thời xác định được ổ dịch khiến dịch bệnh lây lan rộng. Bác sĩ Quang cho rằng đỉnh dịch vẫn chưa tới nên tình trạng số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng. Nếu không có giải pháp sẽ tăng số ca tử vong là tất yếu. TP.HCM là địa phương có số ca mắc nhiều nhất với hơn 12.000 ca, tăng hơn 60% so với cùng kỳ, trong đó có 8 trường hợp tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, PGĐ Sở Y tế TP.HCM thừa nhận, trong 2 năm qua, địa phương này phải tập trung toàn lực cho vấn đề phòng chống dịch COVID-19, do đó đã nảy sinh tâm lý chủ quan với dịch bệnh sốt xuất huyết.  Chưa hết, thời gian qua xảy ra tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, luân chuyển công tác, những người mới thay thể chưa nắm bắt được địa bàn cũng như cách thức tổ chức phòng dịch. Và việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp để dịch bệnh lây lan, bùng phát theo Nghị định 117 của Chính phủ tại các địa phương vẫn chưa được mạnh tay.

Tương tự, đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương chia sẻ, quý 1 năm 2022, có gần 300 nhân sự trạm y tế xin nghỉ việc, hiện địa phương này vẫn thiếu hơn 550 nhân sự tại các trạm y tế xã. Mặc dù cũng đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch nhưng từ đầu năm đến nay Bình Dương ghi nhận 4.200 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 8 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, có đến 1.800 trẻ em tại Bình Dương mắc sốt xuất huyết, chiếm gần 44% tổng số ca mắc của toàn tỉnh.

Bác sĩ đang lấy máu xét nghiệm chi bệnh nhi để xác định có virus Dengue bị sốt xuất huyết.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, trong bối cảnh ngành y tế gặp nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19, mỗi cán bộ nhân viên y tế, ngành y tế địa phương cần phải nỗ lực hơn nữa vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bà thừa nhận những bất cập, vướng mắc của ngành y tế hiện tại. Thứ trưởng yêu cầu y tế địa phương cần quyết liệt hơn không bị động khi Chương tình quốc gia phòng chống sốt xuất huyết đã ngừng từ năm 2020.

Vì vậy, các tỉnh phải tham mưu xây dựng kế hoạch để UBND các tỉnh, thành cùng vào cuộc trong vấn đề phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết cần tập trung vào các hoạt động chính là truyền thông, vệ sinh môi trường, giám sát ca bệnh, diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy), xoá điểm nguy cơ.

Ngoài ra, y tế địa phương cũng cần thực hiện tốt việc điều trị, tập huấn cho các cơ sở y tế tư nhân kịp thời điều trị các trường hợp mắc sốt xuất huyết, hạn chế tối đa trường hợp tử vong.