TP.HCM: Sẵn sàng ứng phó mưa lớn kết hợp triều cường

Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Hòa An ngày 19/9 cho biết, các đơn vị quản lý đường bộ đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, phối hợp với cơ quan quản lý hạ tầng kỹ thuật, Công an để điều tiết giao thông, củng cố hạ tầng khi xảy ra mưa lớn kết hợp với triều cường.

312 đội xung kích, với khoảng 21.000 người sẵn sàng ứng phó

Theo đó, các đơn vị tổ chức trực 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố để xác định cụ thể khả năng thời điểm xảy ra mưa lớn, triều trường để chuẩn bị vật tư, thiết bị, máy móc, nhân lực thực hiện hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc “ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả), đặc biệt ở các khu vực trũng thấp thường xuyên bị ngập do triều.

Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM

Thành phố đã thành lập các Tổ phản ứng nhanh gồm đại diện Sở GTVT, Sở Xây dựng, Công an Thành phố ở khu vực Tây Nam, sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực Cát Lái. Cùng với hệ thống 793 camera giám sát giao thông được lắp đặt trên toàn địa bàn thành phố và thông tin từ cán bộ trực điều tiết giao thông tại hiện trường, các thông tin về ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông do mưa lớn, triều cường sẽ được cập nhật thường xuyên, chuyển lên ứng dụng Viber.

Lãnh đạo Sở GTVT cũng cho biết, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị là đơn vị trực thuộc Sở sẽ đăng tải thông tin cảnh báo tình hình mưa lớn, triều cường, tình hình ùn tắc giao thông lên hệ thống 78 bảng quang báo giao thông. Đồng thời, cung cấp thông tin đến các Kênh VOV, VOH để người dân nắm thông tin, lựa chọn lộ trình lưu thông phù hợp, hạn chế lưu thông qua khu vực ngập, ùn tắc.

Ảnh nh họa

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP. HCM Nguyễn Đức Vũ cho biết, hiện thành phố có 312 đội xung kích, với khoảng 21.000 người. Nếu có sự cố vỡ đê bao, bờ bao khi thời tiết khắc nghiệt, các đội xung kích sẽ ứng phó xử lý ngay, hạn chế thấp nhất những thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân.

TP.HCM đang có 32 điểm sạt lở trên sông rạch. Trong đó, 24 điểm đã được gia cố, còn 8 điểm đang làm báo cáo UBND TP để xin chủ trương đầu tư.

Rà soát, thay thế 2.765 cây xanh hư hại, khiếm khuyết, chết khô 

Cũng liên quan đến việc rà soát cây xanh trước mùa mưa bão, trả lời câu hỏi của phóng viên VOV Giao thông, ông Hồ Hữu Hải, Phó trưởng phòng Công viên cây xanh, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM được Sở Xây dựng giao quản lý 117.000 cây xanh thuộc địa bàn 17 quận, huyện.

TP.HCM thay thế 2.765 cây bị hư hại, khiếm khuyết hoặc chết khô - Ảnh VTCnews

Trước mùa mưa bão, Trung tâm Hạ tầng đã xây dựng kế hoạch và tiến hành cắt tỉa các cành nhánh để đảm bảo an toàn; bên cạnh đó cũng thường xuyên rà soát các cây xanh có cành nhánh phát triển mạnh, các cành sam mục, nguy cơ gãy nhánh, xử lý nhánh khô, hạ thấp chiều cao cây và rà soát xử lý cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn trên địa bàn phân cấp quản lý.

Về công tác cắt tỉa, xử lý nhánh khô, đến nay, Trung tâm Hạ tầng đã thực hiện cắt tỉa xong đợt 1 (6 tháng đầu năm) và đang tiến hành cắt tỉa theo kế hoạch đợt 2.

Về công tác hạ thấp chiều cao cây, đến nay, đã thực hiện hạ thấp chiều cao 193 cây.

Về công tác rà soát xử lý cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn, đã thực hiện thay thế 2.765 cây xanh hư hại, khiếm khuyết, chết khô.

Trung tâm khuyến cáo người dân khi có giông lốc cần hạn chế lưu thông ra đường, có nơi tránh trú. Thời gian tới, trung tâm sẽ tăng cường ứng trực 24/24, chú trọng vào các thời điểm mưa bão và tăng cường trang bị máy móc, phương tiện để chủ động xử lý, giải quyết trong mọi tình huống. 

Cũng theo lãnh đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, thời gian qua, trung tâm đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh đưa xe nâng có chiều cao 40m vào để tăng năng lực chăm sóc cây xanh.