TP.HCM quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 thêm 14 ngày

Chủ tịch UBND TP. đề nghị tiếp tục thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần nữa. Riêng Q. Gò Vấp và P. Thạnh Lộc (Q. 12) cũng chuyển từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15 cùng TP. HCM. 

Ảnh nh họa

Sáng 14/6, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã họp về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Một trong những nội dung quan trọng của cuộc họp là quyết định về việc dừng hay tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 toàn thành phố và Chỉ thị 16 toàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12). Bởi hôm nay là ngày cuối cùng TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội.

Sau khi nghe báo cáo về đề xuất từ các quận, huyện, TP. Thủ Đức và các cơ sở, ban, ngành tại buổi họp về công tác phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, sau 2 tuần giãn cách xã hội thì tình hình dịch bệnh tại Q. Gò Vấp và P. Thạnh Lộc (Q. 12) đã cơ bản kiểm soát. 

Về tổng thể tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt xuất hiện liên tiếp các ca bệnh trong cộng động, cho thấy nhiều khả năng dịch đã xâm nhập vào TP. HCM từ đầu tháng 5 và trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm.

Qua ý kiến của các đơn vị, Chủ tịch UBND TP. đề nghị tiếp tục thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần nữa. Riêng Q. Gò Vấp và P. Thạnh Lộc (Q. 12) cũng chuyển từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15 cùng TP. HCM. 

“Tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh, sau 1 tuần sẽ tổ chức đánh giá lại, nếu phức tạp hơn thì chuyển sang Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 19 nếu kiểm soát tốt hơn”, Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Thành Phong chỉ đạo.

Đồng thời, tăng cường kiểm soát, kiểm tra mạnh mẽ. Xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành công tác phòng chống dịch. Nếu để xảy ra những trường hợp đặc biệt như Q.12 và một số nơi thì Chủ tịch UBND sẽ phải chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, tại các trụ sở, cơ quan hành chính cũng phải kiểm tra chặt chẽ nhân viên, không để xảy ra lây nhiễm. Cán bộ viên chức Nhà nước phải tuyệt đối chấp hành thực hiện nghiêm các Chỉ thị của thành phố. Giãn cách triệt để nơi làm việc, phải đeo khẩu trang. Bếp ăn tập thể chỉ mang đi, không ăn chung và sau giờ lao động cần ở nhà để hạn chế tiếp xúc.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng giaoo Sở Y tế tăng cường công tác phòng chống dịch tại cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt lưu ý yếu tố dịch tễ, sàng lọc kỹ. Tất cả nhân viên y tế thực hiện nghiêm 5K, sau giờ làm việc hạn chế tiếp xúc người xung quanh, không tụ tập. Thực hiện tầm soát định kỳ đặc biệt các khoa phòng nguy cơ cao.

Sau khi nghe đánh giá của các địa phương và cơ quan chuyên môn, Bí thư Thành Ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên và Phó Thủ tướng thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình tỏ ra đồng tình và cho rằng cần tiếp tục duy trì giãn cách xã hội để ngăn chặn tốc độ lây lan dịch bệnh.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị: “Cần truy vết quyết liệt, làm tận gốc. Các điểm mới, ca mới cần khoanh vùng và truy vết nhanh. Bởi vì chậm thì sự lây lan sẽ nhanh quá tầm kiểm soát.

Đánh giá nguyên nhân để có những giải pháp phòng ngừa tốt hơn. Có những nguồn lây chưa rõ, cần phải truy rõ. Nắm chắc trên địa bàn, không để lọt, quản lý các hoạt động cộng đồng, tôn giáo. Đặc biệt, phải có chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu, truyền thông chính xác, không giảm nhẹ”.

Bên cạnh đó, phải thực hiện cho được mục tiêu kép, không vì phòng chống dịch mà ảnh hưởng sản xuất kinh doanh. Cần những giải pháp đầy đủ cho người dân hiểu vì sao đã tiêm chủng rồi mà vẫn có thể lây nhiễm. Người dân cần đồng lòng, hợp tác với chính quyền, có ý thức bảo vệ mình và cộng đồng để tạo ra thế phòng ngự vững chắc, vượt qua đại dịch.

Đánh giá tình hình và các ca bệnh mới vẫn tăng, các chuỗi lây nhiễm vẫn phức tạp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết: “Dù đã dồn hết sức, tập trung mọi nguồn lực những vẫn còn nhiều đáng lo ngại, số F1 và F2 phải cách ly ngày càng lớn. Bên ngoài vẫn chưa biết còn bao nhiêu người bệnh, số ca bệnh nặng tăng dần, số bệnh viện đã sử dụng gần hết công suất. Còn nhiều chuỗi lây nhiễm cộng đồng chưa xác định được nguồn lây. Ngày càng xuất hiện các ca nhiễm bất ngờ. Đặc biệt, nhiều người vẫn còn chủ quan lơ là, mất cảnh giác…”

Do đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị, Ban chỉ đạo phối hợp với viện Pastuer hỗ trợ Bệnh viện Nhiệt đới để có các biện phắp ngăn chặn chuỗi lây nhiễm. Đây là mục tiêu đặc biệt cần được chú ý, bảo vệ. Ngoài ra, để tăng cường cũng như nâng cao ý thức, từng người, từng nhà và đơn vị địa phương cần tăng cường tự quản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để không vì 1 người lơ là, mà khiến cả nhà chịu khổ…

Không phát sinh chùm ca bệnh mới

Trước đó, cũng tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đã đề xuất tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, kể cả quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12).

Thời gian giãn cách 14 ngày, kể từ ngày 15/6.

Lý giải nguyên nhân, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, mầm bệnh vẫn đang âm thầm trong cộng đồng, nếu gỡ bỏ giãn cách sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh tiếp tục có cơ hội lớn để phát tán và lây lan.

Thời gian 2 tuần bằng với thời kỳ ủ bệnh, do đó áp dụng giãn cách trong thời gian này sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm của virus SARS-CoV-2.

Do đó, Sở Y tế TP.HCM đề nghị giãn cách xã hội nghiêm túc ở tất cả các lĩnh vực theo đúng chỉ đạo của TP.HCM, đồng thời áp dụng 5K một cách nghiêm chỉnh và đầy đủ hơn.

Trước đó, theo quyết định của UBND TP.HCM, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn thành phố và Chỉ thị 16 trên địa bàn toàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) diễn ra trong 14 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 31/5/2021.

Sau 2 tuần giãn cách, lãnh đạo Q. Gò Vấp và Q. 12 đều đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn có nhiều chuyển biến tốt, tốc độ lây nhiễm giảm nhiều so với những ngày đầu thực hiện giãn cách và các chuỗi lây nhiễm liên quan đến Điểm nhóm truyền giáo Hội thánh Phục Hưng đã được kiểm soát.

Số ca nhiễm mới ở 2 địa phương này hầu hết đều là các trường hợp đã cách ly, hoặc trong vùng phong tỏa tuyệt đối. Không phát sinh chùm ca bệnh mới.

Theo Sở Y tế TP.HCM, tổng số ca bệnh phát hiện trong cộng đồng từ ngày 18/5 đến 13/6 là 821 ca nhiễm, tại 22/22 quận huyện trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, các quận huyện có nhiều ca nhiễm nhất là Q. Gò Vấp (114 ca), Q. 12 (72 ca), Bình Thạnh (66 ca), Tân Bình (63 ca), Bình Tân (61 ca)... 

Từ 2/6 đến nay có nhiều chuỗi virus delta gây lây nhiễm nhanh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc. Chủ yếu ở các khu nhà trọ, cụm dân cư, nông thôn đô thị hóa, các khu cụm công nghiệp, nhân viên y tế...

Cũng trong sáng nay (14/6), Bộ Y tế công bố cả nước ghi nhận thêm 92 ca mắc COVID-19, riêng TP.HCM có 30 ca nhiễm mới. Trong đó, 30 trường hợp tại TP.HCM có 4 ca liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng đã nằm trong khu vực phong tỏa, 25 ca là các tiếp xúc gần của các ca bệnh đã công bố từ trước và một ca được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc cư trú tại Bình Tân đang điều tra dịch tễ.

30 trường hợp mới được công bố sáng nay ngụ ở quận 5 là 3 ca, quận Gò Vấp 7 ca, huyện Hóc Môn 15, huyện Củ Chi 1 ca, quận Bình Tân 4 ca.