Sài Gòn được biết đến như một thành phố không ngủ, nơi đây cũng là địa điểm hội tụ tinh hoa ẩm thực ba ền. Dạo quanh các con phố, không khó để bắt gặp những khu phố ẩm thực sầm uất, tấp nập người ra vào.
Thế nhưng, bên cạnh những nơi "đắt khách", không ít phố ẩm thực lại rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ.
Ghi nhận tại phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (Quận 10) con ngõ nhỏ hun hút với đủ loại hàng quán san sát nhau, từ lâu đã trở thành điểm đến quen thuộc của giới trẻ Sài thành. Mỗi buổi chiều tối, nơi đây lại chật kín người, thực khách phải "chen chân" để tìm được một chỗ ngồi.
Đặc trưng với những món đường phố, giá cả bình dân như bánh tráng trộn, phá lấu, súp cua,... đã khiến khu phố trở thành điểm thu hút của giới trẻ:
"Mình thường đến đây vì ở đây nhiều quán ăn với lại giá cả cũng hợp với túi tiền của mình với lại cũng hợp vệ sinh, đường xá cũng dễ đi nên mình thấy cũng tiện cho mình".
Trái ngược với cảnh nhộn nhịp của tuyến phố Hồ Thị Kỷ, cách đó không xa, Phố ấm thực Nguyễn Thượng Hiền (quận 3) lại mang một khung cảnh hoàn toàn trái ngược. Dù được đầu tư bài bản với không gian rộng rãi, nơi đây từng được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách, nhưng thực tế lại không như mong đợi.
Nhiều quầy hàng vẫn còn trống, và lượng khách đến tham quan, thưởng thức ẩm thực rất ít. Mặc dù có vị trí thuận lợi, không gian rộng rãi, nhưng việc thiếu điểm nhấn, chất lượng món ăn chưa đồng đều… đã khiến những nơi này không thu hút được thực khách.
"Lúc mới làm phố ẩm thực nơi đây cũng đông lắm mà không biết sao từ từ vắng bớt, với lại buôn bán chậm quá người ta cũng trả nhà rồi".
"Tôi thấy phố này vắng lắm, nhất là các ngày trong tuần. Cuối tuần cũng có đông hơn chút nhưng chủ yếu là giới trẻ đến ăn vặt thôi".
Theo nhiều chủ cửa hàng cho rằng việc mặt đường chật hẹp kèm theo đó xe cộ tấp nập đã khiến việc mua bán trở nên khó khăn hơn. Cô Nguyễn Thị Hoa, chủ cửa hàng ăn vặt tại phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (Quận 3) chia sẻ:
"Đường thì nhỏ mà đường xá xe cộ chạy ì ì không ai dám ngồi hết. Nhiều khi đường này có một món mà nhiều người bán quá, nó bị trùng lặp nên nhiều người không có thích đi".
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng không thể phủ nhận rằng các tuyến phố ẩm thực vẫn có tiềm năng lớn để phát triển nếu được đầu tư và quản lý đúng cách. Từ đó góp phần vào việc thu hút du khách, phát triển kinh tế của thành phố.
Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở du lịch TP.HCM nhìn nhận việc mở các tuyến phố ẩm thực phải phù hợp quy hoạch, tránh tình trạng ồ ạt mở phố, lập phường tại các địa phương:
"Sức sống sự sôi nổi của thành phố đặc biệt vào ban đêm tạo lợi thế cho thành phố Hồ Chí Minh trong việc thúc đẩy du lịch của thành phố so với những tỉnh thành xung quanh. Tuy nhiên, quy hoạch phải phù hợp, không phải địa phương nào muốn tổ chức phố đi bộ hay phố ẩm thực đều tổ chức được, nó phải chung một cái quy hoạch và nó phải hài hòa các sở ngành khác nhau".
Để các tuyến phố ẩm thực hoạt động hiệu quả, ông Lưu Nhật Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực TP.HCM cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Việc tổ chức các sự kiện, chương trình khuyến mãi và quảng bá rộng rãi là rất quan trọng để thu hút khách hàng. Ngoài ra, cần tạo ra những điểm nhấn độc đáo, khác biệt để cạnh tranh với các khu vực ẩm thực khác.
"Ngay cả một số tuyến đường triển khai chợ đêm phố ẩm thực thì cái đó là một điều rất nan giải, phải làm sao để phân luồng giao thông lại, không ảnh hưởng đến giao thông chung của mọi người. chúng tôi cũng nghĩ cần có sự đồng bộ, phải làm sao để tất cả các doanh nghiệp phải cùng nhau nổ lực để đạt được điều thành phố mong muốn", ông Lưu Nhật Tuấn cho biết.
Rõ ràng để tổ chức một phố ẩm thực có dấu ấn, thì trách nhiệm của chính quyền địa phương rất lớn trong việc phát triển mô hình này thật bài bản, tùy vào bối cảnh đặc điểm của mỗi khu vực.
Việc ‘chạy đua’ mở phố ẩm thực nhưng không được đầu tư bài bản còn khiến tuyến phố trở nên nhàm chán và xô bồ hơn trong mắt người dân, du khách.