TP.HCM: 19 sinh viên nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm

Sau bữa ăn tối, 19 sinh viên ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM bắt đầu có triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy được đưa vào BV Đa khoa khu vực Thủ Đức cấp cứu.

Khoa cấp cứu BV Đa Khoa Khu vực Thủ Đức nơi tiếp nhận 19 sinh viên KTX Đại học Quốc gia TP.HCM nghi ngộ độc thực phẩm

Trả lời phóng viên VOV Giao thông, BS CK2 Hồ Thanh Phong, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức, cho biết các sinh viên vào cấp cứu lần lượt vào 22 giờ ngày 8/5 đến rạng sáng nay.

Rất may, không có trường hợp nào nặng, lúc cấp cứu ban đầu một số bạn bị mất nước và tụt huyết áp. Qua khai thác bệnh sử thì chỉ biết các bạn có ăn cơm, song ngoài ra có ăn các loại thức ăn khác thêm. Hiện, các đơn vị nghiệp vụ của Trung tâm y tế TP. Thủ Đức và HCDC thành phố tiếp xúc bệnh nhân, điều tra dịch tễ. Và vẫn chưa xác định rõ 19 sinh viên ăn những món gì

Trước đó, 15 học sinh của 4 trường tiểu học tại TP Thủ Đức cũng bị ngộ độc vì ăn sushi từ hàng rong bán trước cổng trường được đưa vào BV Lê Văn Thịnh cấp cứu. Song song, tại Đồng Nai cũng ghi nhân vụ ngộ độc lớn chưa từng thấy với 560 người nhập viện sau khi bánh mì ở TP Long Khánh, Đồng Nai. Trong khi đó có 12 bệnh nhân nặng phải chuyển viện, 2 bệnh nhi nặng nhất phải lọc máu hồi sức tích cực, bệnh nhi nặng nhất hiện đang chăm sóc tại BV Nhi đồng 1 TP.HCM.

Vừa qua, TP.HCM  phát động tháng hành động An toàn vệ sinh thực phẩm từ ngày 15/4 đến 15/5, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm, TP.HCM  cũng nhấn mạnh công tác trọng tâm vào giữa tháng 4 và tháng 5 là thời điểm giao mùa nên dễ xảy ra ngộ độc nhất: “Tại sao chọn tháng 4 làm tháng hành động vì an toàn thực phẩm, năm nào cũng làm, vì tháng 4 là tháng chuyển mùa, tháng cực kỳ nóng. Đó là giai đoạn vi khuẩn vô cùng phát triển, cho nên ta chọn tháng này để hành động cảnh tỉnh, thức tỉnh nhắc nhở người dân nhớ. Một chuyện rất đơn giản nếu đi đường thấy dơ quá thì đừng ghé ăn, đừng ủng hộ. Hãy ủng hộ điểm sạch sẽ, ít ra người bán có khẩu trang, có găng tay hoặc dùng kẹp để gắp thức ăn chứ không sử dụng một bàn tay vừa bốc thức ăn vừa cầm tiền…”