Tiểu thương và siêu thị chuẩn bị hàng Tết Nguyên đán 2024

Những ngày này, các siêu thị và tiểu thương các chợ đã chuẩn bị nguồn hàng cho dịp tết Nguyên đán 2024. Sức mua của người dân năm nay được dự báo ra sao? Các đơn vị đã có kế hoạch gì cho đợt bán hàng Tết?

Kinh doanh mặt hàng bánh kẹo và các loại hạt phục vụ Tết trên phố Hàng Giấy nhiều năm, bà Ngô Bích Thuỷ - tiểu thương cho biết, chưa năm nào thị trường có vẻ trầm lắng như năm nay. Nghe ngóng thị trường, bán đến đâu lấy hàng đến đó, không trữ hàng là phương châm của bà Thuỷ và các tiểu thương tại chợ năm nay.

Nếu như mọi năm thời điểm này người dân bắt đầu lác đác đi sắm Tết những đồ khô như bánh kẹo, thì năm nay chưa thấy có động tĩnh gì. Bà Thuỷ chia sẻ thêm: "Năm nay tương đối chậm so với mọi năm. Dân tình chưa sắm sửa mấy. Hàng hoá không phong phú lắm. Người đi sắm tết lẻ thì chưa, chỉ có người buôn lấy hàng về đóng lẵng.

Năm nay hàng chậm nên chủ hàng về rất ít hàng, cũng không biết được chiều hướng tết như thế nào. Không dám nhập không dám ôm hàng gì. Khách yêu cầu gì về bán đủ thôi, chỉ lấy ra tí ti. Mọi năm thì còn nhập dư ra trong kho nhưng năm nay thì không".

Ảnh nh hoạ: Hanoimoi

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, để kích cầu tiêu dùng trong nước, một số doanh nghiệp, hệ thống phân phối đã triển khai sớm các chương trình khuyến mại. Nhiều người tiêu dùng đánh giá, nguồn cung các hàng hóa luôn được bảo đảm, hàng Việt Nam có sự thay đổi rõ nét, từ chất lượng, mẫu mã đến giá cả:

"Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, các chương trình khuyến mại lớn cuối năm đặc biệt ý nghĩa với người tiêu dùng. Nguồn hàng tại siêu thị dồi dào, phong phú, việc thanh toán cũng nhanh chóng, thuận lợi..."

"Tuy năm nay giá cả thị trường căng thẳng, làm ăn buôn bán khó khăn, dân ít tiền, nên tôi mua sắm chủ yếu là hàng Việt Nam vì tôi dùng cũng quen rồi".

Theo dự báo, nhu cầu mua sắm của người dân từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sẽ tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ sớm, với lượng hàng dự trữ tăng 10 - 25% so với cùng kỳ.

Nhằm thực hiện bình ổn giá cả thị trường trong giai đoạn cao điểm cuối năm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trước – trong và sau Tết Giáp Thìn năm 2024, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) triển khai công tác dự trữ nguồn hàng ngay từ giữa năm 2023.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart kiêm Giám đốc Marketing Saigon Co.op, người tiêu dùng sẽ bắt đầu mua sắm trong khoảng từ 3 đến 4 tuần trước Tết Nguyên Đán, Saigon Co.op kỳ vọng sức mua và lượt khách tăng khoảng 20 - 30% so với tháng kinh doanh bình thường, tăng 50% so với ngày thường.

"Saigon Co.op đã dự trữ nguồn hàng hơn 10.000 tỷ đồng để làm sao cho đầy đủ hàng, đặc biệt tập trung vào mặt hàng bình ổn thị trường, những mặt hàng thiết yếu và hàng thời vụ trong dịp Tết. Saigon Co.op cũng hướng tới đối tượng người lao động nghèo để đảm bảo cho hàng hóa lưu thông tốt hơn và người lao động nghèo có thể hưởng được Tết ấm cúng đoàn viên".

Để chuẩn bị tốt nhất cho thị trường Tết năm 2024, ngay từ đầu năm, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn, nhất là trong dịp Tết 2024 (thời gian thực hiện đến hết tháng 6.2024).

Bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết thêm: "Với thành phố Hà Nội thì thành phố đã ban hành chương trình bình ổn thị trường và Sở Công thương đã ban hành kế hoạch tết để phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn với 11 mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân trị giá 40 nghìn 900 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với tết năm 2023. Để phục vụ người dân, Sở Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp dự trữ hàng hoá trong khoảng 3 tháng trước trong và sau Tết".

Thông tin về công tác phục vụ hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ Công thương cho biết nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm tiếp tục duy trì xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều năm qua, việc bình ổn hàng hóa trong các dịp lễ, Tết đều được các địa phương và doanh nghiệp triển khai bài bản.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2024 rất dồi dào không chỉ về số lượng mà còn phong phú chủng loại: "Các hệ thống phân phối chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn cung, giá cả hàng hóa được dự báo sẽ không có nhiều biến động. Các doanh nghiệp đang tiếp tục nắm bắt thông tin từ tín hiệu thị trường để có những điều chỉnh kịp thời để làm sao hàng hóa luôn luôn đầy đủ..."

Nhìn chung hàng hoá dịp Tết năm nay tại các chợ đầu mối hay các siêu thị lớn khá dồi dào, giá cả bình ổn. Để tăng sức mua của người dân, các bộ ngành địa phương đang tích cực triển khai hoạt động kết nối cung cầu xúc tiến thương mại hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng trong dịp tết, triển khai đồng bộ hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.