Mới đây, Sở xây dựng TP.HCM đã gửi tờ trình Thành phố về quản lý nhà ở riêng lẻ cho thuê làm phòng trọ, trong đó quy định chặt chẽ về diện tích, chiều rộng hẻm, hành lang an toàn…
Vậy người thuê và chủ nhà trọ sẽ có những ý kiến gì trước đề xuất trên? Liệu đây có phải là phương án tốt để đảm bảo an toàn tại các khu trọ?
TP.HCM hiện có khoảng 60.500 công trình nhà trọ tư nhân đang kinh doanh trên địa bàn thành phố. Tổng số phòng trọ là 560.220 và hơn 1,4 triệu người đang thuê. Tuy nhiên trong số đó đã có không ít phòng trọ bị xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho người thuê.
Ghi nhận quận Bình Tân TP.HCM, nơi tập trung nhiều công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Các nhà trọ, phòng cho thuê tại đây có diện tích khá “khiêm tốn”. Với giá thuê chưa đến 2 triệu mỗi tháng, các phòng trọ đa phần có diện tích từ 6-15m2.
Ngoài ra, điểm chung của các khu trọ này là đều có lối vào nhỏ hẹp; nhiều nơi có không gian tối tăm, ẩm mốc. Có không ít phòng trọ tuy diện tích nhỏ nhưng có đến 4-5 công nhân cùng ở để tiết kiệm chi phí.
Trong căn phòng trọ rộng khoảng 10m vuông là nơi ở của 3 thành viên trong gia đình anh Nguyễn Đăng Khoa. Dù không gian chật hẹp, chỉ đủ để ‘nghỉ lưng’ sau khoảng thời gian dài làm việc, thế nhưng với anh chỉ cần giá thuê rẻ là được: “Tại vì ở đây gần nơi làm việc của em với lại em chưa tìm được nhà trọ khác nên em vẫn ở đây dù nhà trọ này chưa đảm bảo phòng cháy chữa cháy.”
Đối với người lao động, nơi ở rộng rãi là điều mà nhiều người mơ ước thế nhưng chi phí lại là gánh nặng đối với họ. “Ở chỗ rộng thì khoái rồi nhưng mà thu nhập không cao thì đâu có ở được. Ở rồi tiền đâu mà đóng.”
Khảo sát mới đây của Sở Xây dựng cho thấy, hiện thành phố có khoảng 12,800 nhà trọ không đáp ứng được các yêu cầu an toàn để tiếp tục hoạt động. Trong số đó, có khoảng 4,600 nhà trọ không đạt chuẩn về diện tích tối thiểu trung bình và 8,200 nhà trọ không đạt chuẩn về phòng cháy chữa cháy.
Để giải quyết vấn đề này, Sở đã lập đề cương trình UBND TP.HCM đề xuất một số yêu cầu mới, bao gồm việc đảm bảo diện tích tối thiểu 5 mét vuông cho mỗi người, vị trí nhà trọ phải nằm trong ngõ rộng ít nhất 4 mét và không xa hơn 100 mét từ đường chính, cũng như phải có lối thoát hiểm.
Theo bà Lê Thị Loan – Phó trưởng phòng tổ chức cán bộ, Sở xây dựng TP.HCM cho rằng, quy định mới này nhằm hạn chế số lượng người ở trong mỗi nhà trọ và số lượng nhà trọ trong mỗi khu vực, giảm thiểu nguy cơ cháy nổ và tai nạn.
“Mục đích của tổ công tác khi thực hiện đề án quản lý nhà ở riêng lẻ cho thuê trọ lấy tiêu chí xuất phát từ sự an toàn tính mạng cho người dân là trên hết để thực hiện việc đề xuất chính sách", bà Loan cho biết.
Tuy nhiên các tiêu chí theo đề xuất mới hiện nay từ phía Sở Xây dựng thì nhiều nhà trọ trên địa bàn thành phố khó có thể đáp ứng được, ông Huỳnh Thanh Quang – Phó chủ tịch UBND Phường 15, Quận Tân Bình, TP.HCM cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn Phường 15 có tổng cộng 570 các cơ sở kinh doanh nhà trọ và nhà ngăn phòng cho thuê, trong số đó chiếm đa số là nhà ngăn phòng cho thuê, vì cuộc sống họ khó khăn cho nên sau khi xây dựng xong thì họ mới ngăn phòng ra để cho người vào ở và hiện nay trên địa bàn phường các tuyến hẻm nhỏ cũng khá nhiều.”
Theo ông Trần Thanh Thảo – Phó chủ tịch liên đoàn lao động Quận 8 TP.HCM cho rằng, cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc đảm bảo an toàn, chất lượng sống cho người thuê và khả năng thực hiện của người cho thuê, cũng như tác động của nó đến thị trường nhà trọ hiện tại:
“Đời sống của người lao động hiện nay cũng còn rất bấp bênh nên việc thu nhập cũng có nhiều khó khăn, nếu chúng ta có những thay đổi quy định để sửa chữa các phòng ốc đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy sẽ ảnh hưởng đến việc giá thuê phòng sẽ cao. Nên đời sống của người lao động sẽ ngày một khó khăn hơn.”
Trước những lo lắng của người dân cũng như chủ nhà trọ trên địa bàn thành phố với đề xuất vừa qua. Bà Lê Thị Loan – Phó trưởng phòng tổ chức cán bộ, Sở xây dựng TP.HCM cho rằng, đây chỉ mới là đề xuất ban đầu trong dự thảo đề cương Đề án quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ trên địa bàn. Đơn vị sẽ lắng nghe và điều chỉnh để phù hợp với thực tế:
“Đề cương chỉ mang tính ban đầu là 5m vuông, theo thống kê của chúng tôi thì diện tích này có sự thay đổi, nội thành khác và ngoại thành khác, do vậy đây là một biến số khi có đề cương hoàn chỉnh thì sẽ có quy định cụ thể và đề xuất với Ủy ban về diện tích sàn tối thiểu.”
Theo quy định pháp luật hiện hành chỉ cho phép hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng các khu nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở và chưa cho phép doanh nghiệp bất động sản thực hiện các dự án khu nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở.
Dưới góc nhìn ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, khi doanh nghiệp đặt chân vào việc kinh doanh nhà trọ, phòng trọ sẽ đảm bảo được chất lượng và an toàn hơn cho người thuê.
"Doanh nghiệp khi thực hiện dự án nhà trọ, phòng trọ cho thuê phải nói là chất lượng xây dựng của phòng trọ, nhà trọ sẽ tốt hơn rất nhiều. Doanh nghiệp cũng bố trí thêm nhiều tiện ích dịch vụ để phục vụ cho người thuê. Cách quản lý của doanh nghiệp đối với các khu nhà trọ này chặt chẽ hơn, luôn đảm bảo về vấn đề an ninh an toàn trật tự cũng như là về vấn đề phòng cháy chữa cháy".
Có thể thấy vấn đề an toàn và diện tích của nhà trọ không chỉ là mối quan tâm tại Thành phố Hồ Chí Minh mà còn là vấn đề chung của nhiều thành phố lớn khác trên cả nước. Mặc dù chỉ mới là đề xuất ban đầu và cần thêm thời gian để đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, nhưng không thể phủ nhận rằng đề xuất này đã mở ra một hướng đi mới cho việc quản lý nhà trọ tại TP.HCM, hướng tới một tương lai an toàn và bền vững cho tất cả mọi người.
Việc siết chặt quản lý nhà trọ là điều cần thiết ở thời điểm hiện tại. Thế nhưng cũng không nên thực hiện một cách cực đoan vì chủ nhà kinh doanh hay cho thuê phòng là quyền lợi hợp pháp giúp họ gia tăng thu nhập, đảm bảo sinh kế. Chưa kể, nhà trọ góp phần quan trọng trong việc giải quyết chỗ ở cho phần đông công nhân, lao động, người nhập cư khi nguồn cung nhà ở xã hội tại các thành phố lớn còn hạn chế.
Liên quan đến nội dung này, góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: “Tiêu chí an toàn cho nhà trọ, liệu có khả thi?".
TP.HCM được biết đến là một trong những đô thị lớn và đông đúc nhất Việt Nam, nơi tập trung hơn 9 triệu dân, trong đó không ít những người từ các tỉnh thành khác đến để mưu sinh, cũng vì vậy mà nhu cầu về nhà ở rất cao tại đây. Với việc đô thị hóa nhanh chóng, 2 từ "rộng rãi" có lẻ chỉ phù hợp để mô tả lòng người, chứ không phải là diện tích nhà ở. Hiện Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các thành phố lớn khác đang phải đối mặt với thách thức lớn trong việc quản lý nhà trọ và phòng cho thuê.
Gần đây, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra và quản lý nhà trọ cho thuê, đặc biệt là sau không ít các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng. Điều này cho thấy sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy.
Bên cạnh đó, một giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người dân đó là việc đề xuất các tiêu chí mới về quản lý nhà ở riêng lẻ cho thuê làm phòng trọ. Trong đó quy định chặt chẽ về diện tích, chiều rộng hẻm, hành lang an toàn…
Cụ thể theo đề xuất mới nhất, nhà trọ cho thuê ở TP.HCM sẽ phải đảm bảo diện tích tối thiểu bình quân sàn/người là 5m2. Quy định mới này nhằm hạn chế số lượng người ở trong mỗi nhà trọ và số lượng nhà trọ trong mỗi khu vực. Điều này có lẽ tuyệt vời cho những người lao động mơ ước về một không gian sống rộng rãi, thoải mái thế nhưng không phải ai cũng có thể dễ dàng mở rộng phòng trọ của mình như làm phình to một quả bóng bay. Đặc biệt là khi hầu hết các phòng trọ hiện nay đều có kích thước "vừa đủ xài".
Bên cạnh đó, theo tiêu chí mới thì hẻm giờ đây phải rộng tối thiểu từ 3m đến 4m và không cách đường chính quá 100m. Điều này không chỉ giúp việc di chuyển dễ dàng hơn mà còn đảm bảo rằng trong trường hợp khẩn cấp, người dân có thể thoát hiểm một cách nhanh chóng và an toàn. Thế nhưng đối với những căn nhà trọ trong các con hẻm nhỏ hơn thì phải ngưng hoạt động hay các con hẻm sẽ phải được “kéo giãn” để đủ tiêu chí?
Ngoài ra, một vấn đề khác có thể phát sinh khi những quy định mới này được áp dụng đó là khiến giá thuê trở nên "không tưởng" cho những người lao động. Và nếu vậy, liệu họ có còn đủ khả năng để tiếp tục cuộc sống tại một nơi đắt đỏ như Thành phố Hồ Chí Minh hay không?
Nói về giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân, ngoài đề xuất mới đây từ việc quy định chặc chẽ diện tích phòng trọ, chiều rộng hẻm… thì đã có những giải pháp đã thực hiện từ rất lâu như việc các chủ phòng trọ, nhà cho thuê phải trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy, đến việc khuyến cáo chủ nhà trọ và người thuê trọ về các biện pháp an toàn hay tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy định kỳ. Tất cả những giải pháp trên đều hướng đến sự an toàn cho người dân.
Thế nhưng liệu rằng, trong thực tế, những giải pháp này có được áp dụng một cách nghiêm túc, hay bị lãng quên, để rồi khi có sự cố xảy ra, người ta lại chỉ biết đổ lỗi cho "ý thức"?
Có thể thấy với đề xuất của Sở Xây dựng TP.HCM được xem là một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người thuê trọ. Nhưng cũng cần thêm thời gian để đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Vậy nên, trước khi đưa ra những "đề xuất" hay "giải pháp", có lẽ các sở ngành nên quan tâm đến chính những người lao động - những người thực sự chịu ảnh hưởng bởi những quyết định này - họ cần gì, họ mong muốn gì. Đôi khi, một chút sự linh hoạt, một chút sự thấu hiểu có thể mang lại hiệu quả lớn hơn là những quy định cứng nhắc.