Tiến độ dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa được triển khai tới đâu?

Hơn 8 tháng trước, sự cố sạt lở bờ kênh Thanh Đa đoạn gần cầu Kinh, thuộc phường 25, quận Bình Thạnh (TP.HCM) khiến hàng chục ngôi nhà của người dân bị sụt lún và buộc phải sơ tán nhằm đảm bảo an toàn.

Sau sự cố, UBND TP.HCM đã chấp thuận phương án xây dựng kiên cố bờ kè với kinh phí 90 tỷ, thay thế công trình kè mềm hiện hữu. Đây cũng là 1 trong những đoạn thuộc dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa.

Vậy đến nay tiến độ dự án đã được triển khai tới đâu, còn người dân tại đây mong chờ điều gì?

Nhà cửa nghiêng ngả, đổ sập

Quay trở lại khu vực bờ kênh Thanh Đa đoạn gần cầu Kinh, phường 25, quận Bình Thạnh sau 8 tháng kể từ khi xảy ra sự cố sạt lở, hiện người dân trong khu vực nguy hiểm đã được di dời đến nơi khác nhằm đảm bảo an toàn, chỉ còn lại hình ảnh nhà cửa nghiêng ngả, đổ sập, đất đá ngổn ngang và ngày một hoang tàn, thậm chí nghiêm trọng hơn khi tiếp tục có gần 200m bờ kè sạt lở.

Người dân sinh sống tại hẻm sau khu vực sạt lở cho biết, mỗi buổi chiều, nước dâng cao qua các trụ kè rồi tràn vào nhà. Sau mỗi lần nước rút đọng lại là một khung cảnh rác khắp nơi. Tình trạng này kéo dài từ khi bờ kè bị sạt lở, hiện người dân phải tạm thời dựng vách tôn để ngăn triều cường trong lúc chờ dự án khắc phục được triển khai:

“Chiều chiều là nước kèm theo rác dâng lên tràn vào nhà, còn khi nước rút là quét rác mệt luôn. Giờ phải người dân ở đây phải dựng đỡ vách tôn đển ngăn rác. Nghe đâu từ lúc xảy ra sạt lở là có dự án khắc phục gì đó mà tới giờ chưa thấy làm.”

Được biết sau sự cố sạt lở, UBND TP.HCM đã có phương án và chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục. Theo đó, tại khu vực sạt lở sẽ giải toả mặt bằng từ đỉnh kè vào phía bờ khoảng 10m để xây dựng kè kiên cố, hệ thống thoát nước và khuôn viên cây xanh với kinh phí dự kiến khoảng 90 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay phương án vẫn chưa được triển khai.

Tình trạng sạt lở chưa được khắc phục khiến không ít người dân sống trong lo lắng, bất an. Nhiều hộ dân có nhà xuống cấp nhưng không thể sửa chữa vì dự án chưa triển khai:

“Bây giờ người dân ở đây không ổn định được, vết nứt ngày một nghiêm trọng không biết sập lúc nào. Đến lúc mà sập có thể kéo theo tình trạng sạt lở tại khu hẻm này. Rất mong thành phố sớm triển khai khắc phục tình trạng này.”

“Hôm trước nhà đằng kia sập nghe xào xào rồi một tiếng rầm. Xóm này ngày nào cũng ăn không được ngủ không yên. Sợ lắm nhà tôi có 3 đứa nhỏ nữa, chỉ mong chính quyền thành phố sớm làm dự án để tôi còn sửa nhà.”

Người dân phải tạm thời dựng vách tôn để ngăn triều cường trong lúc chờ dự án khắc phục được triển khai

Đại diện UBND quận Bình Thạnh cho biết, thời gian qua quận đã chỉ đạo phường 25 sơ tán toàn bộ người dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn và ổn định đời sống, cũng như cử người túc trực 24/24 tại khu vực sạt lở để cấm không cho bất cứ ai vào nhằm đảm bảo an toàn; còn liên quan đến phương án khắc phục hiện quận Bình Thạnh vẫn đang chờ chỉ đạo và thông tin phối hợp từ các đơn vị liên quan.

Theo tìm hiểu, khu vực sạt lở gần cầu kinh thuộc đoạn 1.1 trong dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa. Dự án được chia làm 4 đoạn với chiều dài khoảng 9,5 km với tổng kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng, được phê duyệt năm 2006, triển khai từ năm 2016 và Ban quản lý dự án công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư. Đến nay mới chỉ có đoạn 1 đã hoàn tất công tác thi công, các đoạn còn lại vẫn dang dở chưa ra hình hài.

Ông Hoàng Quốc Dũng - Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, thuộc Sở GTVT TP.HCM cho biết, Sở cũng nhận thấy tiến độ làm dự án chống sạt lở kè Thanh Đa chậm so với quy định, gây ảnh hưởng đến mục tiêu phòng tránh sạt lở cấp bách, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cũng như các công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu vực, đặc biệt gây mất niềm tin với người dân.

Thời gian tới Sở GTVT TP.HCM sẽ chỉ đạo và nhắc nhở các đơn vị liên quan đảm bảo tiến độ triển khai dự án: “Trong thời gian tới sở sẽ chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ của các dự án khu vực bờ kè thanh đa. Ngoài ra sở cũng yêu cầu tăng cường công tác quản lý tiến độ, đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt các vị trí đã được bàn giao mặt bằng. Bên cạnh đó sẽ thường xuyên theo dõi địa hình lòng sông, các bộ phận chịu lực chủ yếu của công trình như đỉnh kè, thảm đá, cọc... nếu có phát sinh bất thường, báo cáo Sở đặc biệt trong mùa mưa bão”