Tỉa cây hay đốn cây

Trước mùa mưa bão, việc tỉa cành cây trên đường phố đã là điều bình thường. Nhưng có bình thường không khi những cây bóng mát bị cắt hết cành nhánh, thay vì tỉa gọn cho bớt rậm rạp và cản gió.

Chắc là có nhiều người sống lâu năm ở Hà Nội, sẽ nhớ đến một trong những hàng cây rất đặc trưng này của Thủ đô.

Tôi nghĩ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi viết bài hát về mùa thu Hà Nội, có hình tượng cây cơm nguội vàng, có lẽ là là bởi vì lúc đó ông ở khách sạn Thắng Lợi và ông nhìn hàng cây cơm nguội trên phố Yên Phụ đổ vàng (cũng phải nói thêm là cây cơm nguội thì không đổ vào mùa thu, mà là vào mùa đông).

Đây là một trong số những hàng cây cơm nguội khá hiếm hoi trên của Hà Nội. Nhưng vài ba tuần gần đây, nếu bạn đi qua đó, bạn sẽ không thể hình dung được, khi có 4-5 cây đã bị cắt một cách phũ phàng, gần như toàn bộ phần trên không còn chút lá nào.

Khi tôi hỏi công nhân của công ty cắt tỉa cây xanh ở đó, người ta bảo là cắt để chống bão, tránh đổ gãy. Quả thật là cắt như vậy xong, thì cây đó không còn có khả năng đổ hay gãy nữa. Bởi vì nó không còn gì cả, không còn bất kỳ một cành nào.

Và cái sự tàn phá của việc cắt như vậy, có lẽ nó còn kinh khủng hơn một cơn bão đi qua rất nhiều.

Chuyện tương tự cũng xảy ra với khá nhiều cây xanh khác xung quanh hồ Tây, thuộc thẩm quyền quản lý của UBND quận Tây Hồ. Có nhiều cây bị cắt trụi hoàn toàn, cắt ngọn cụt hẳn xuống, như là những cây vừa được di dời và mới được trồng lại.

Công nhân của công ty thực hiện theo hợp đồng với quận họ giải thích là cắt như vậy để cây không bị gãy đổ. Và họ cắt (theo cách cũng giống như những cây cơm nguội trên phố Yên Phụ), khiến các cây đó sẽ không còn có thể bị ảnh hưởng bởi bão cấp 11-12.

Tôi nói vui, sau khi những người công nhân đó đi qua, những cái cây đó bị tổn hại như vừa trải qua một cơn bão cấp 15, không còn bóng mát, không còn cành.

Nhìn những hàng cây đó rất là đau xót.

 Ảnh nh họa 

Chúng ta có lẽ sẽ không cần phải tranh luận về việc cây xanh là một tài sản rất quan trọng của đô thị. Chúng ta ai cũng mong muốn có một hàng cây rợp mát, có những bóng cây phủ xuống các con đường. Chúng ta cũng muốn nhìn thấy những cây xanh đơm hoa trên các con đường đi dạo.

Xung quanh hồ Tây là nơi được rất nhiều người dân Hà Nội sử dụng trong việc tập luyện, đi dạo, ngắm cảnh. Nhưng ngoại trừ những con đường lớn như đường Thanh Niên, thì hầu hết cây xung quanh hồ Tây thuộc thẩm quyền quản lý của UBND quận Tây Hồ.

Theo quyết định số 19 của UBND TP. Hà Nội (ban hành ngày 14/5/2010), những cây xanh ở hai bên đường có phần đường xe chạy từ 7,5 m trở xuống, sẽ thuộc thẩm quyền quản lý của các quận, huyện. Và UBND các quận, huyện (trong trường hợp này là quận Tây Hồ) sẽ phải có trách nhiệm, nghĩa vụ chăm sóc, bảo vệ những cái cây đó.

Rất đáng tiếc, như trong trường hợp mà chúng tôi vừa đề cập, cây xanh đô thị trên những tuyến đường xung quanh hồ Tây đã không được cư xử như là cây xanh trên các tuyến phố khác của Hà Nội.

Những năm gần đây, tôi nghĩ Hà Nội đã làm tương đối tốt khi đầu tư các phương tiện chăm sóc cây xanh. Việc tỉa cây xanh đã không còn là hành động cắt các cành rất lớn rồi thả xuống, mà là cắt cành nhỏ, thật sự là tỉa cây. Và được hướng dẫn bởi chuyên gia về lâm sinh đô thị.

Nhưng trong tốp công nhân tôi đã đề cập từ đầu câu chuyện, không có ai là chuyên gia về lâm sinh đô thị, không có một kỹ sư nào, thậm chí không có cả tổ trưởng. Chỉ đến khi tôi gọi điện thoại, tôi mới có thể biết được là anh ta ở đâu đó của một công ty tư nhân.

Trong quá trình cắt tỉa, cũng không có một thiết kế đầy đủ cho việc cắt tỉa một cây xanh như thế nào, mà việc đó tùy thuộc rất nhiều vào quyết định sẽ đưa cái gàu (nơi mà người công nhân cầm máy cưa đi đến gần cành nào ở trên cao), việc lái gàu đó, do một anh lái xe cẩu quyết định.

Vì thế, có lẽ để tiết kiệm công sức, thay vì phải cắt rất nhiều cành nhỏ, tỉa cho cây đẹp đẽ, giúp cây có thể lớn lên được, thì những người công nhân đã quy định chặt những cành rất lớn.

Đây là những thiệt hại đối với cây xanh mà chúng ta không thể nào khắc phục được, bởi vì những cây như vậy nó đã bị hỏng, không phải chỉ là tán cây bị mất, mà nó sẽ hỏng cả hình thái của cây, hỏng rất nhiều thứ liên quan đến một cái cây.

Hơn thế, những người đi dạo quanh hồ sẽ mất đi bóng mát của những cây đó trong suốt cả ngày tới đây, khi đầu mùa thu và thậm chí là có lẽ đến đầu mùa hè năm sau, những cái cây đó cũng chưa được hồi phục. Tôi nghĩ, đó là một thứ tương tự như một hành động phá hoại nhiều hơn là việc cắt tỉa.

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta phải coi việc bảo vệ, chăm sóc, duy trì cây xanh trong đô thị là một công việc đòi hỏi chuyên môn và cần phải được quan tâm nhiều hơn, quan tâm một cách khoa học hơn, để tránh những sự việc đáng tiếc như tôi vừa nói.

Những cây cơm nguội trên phố Yên Phụ sẽ không bao giờ có thể hồi phục được nữa. Nhưng chính quyền nhiều cấp vẫn có thể cứu được những cây khác, trên những con phố khác của Hà Nội, nếu chúng ta hành động có trách nhiệm hơn!.