Trong khi Bộ Tài chính bảo lưu quan điểm thì nhiều bộ ngành, chuyên gia lại đề nghị bỏ xăng ra khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Vậy đâu là cơ sở thu thuế tiêu thụ đặc biệt, nếu tiếp tục áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng cần đánh giá tác động của sắc thuế này đối với đời sống và nền kinh tế như thế nào?
Xung quanh các vấn đề này, PV VOVGT đối thoại với một số chuyên gia kinh tế và đại diện cho DN.
PV: Quan điểm của ông như thế nào về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Bộ Tài chính soạn thảo, trong đó vẫn tiếp tục giữ quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng?
Ông Đậu Anh Tuấn (Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thươngmại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI): Việc tiếp tục duy trì đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng đang khiến cho nhiều chuyên gia, DN tương đối e ngại. Bởi vì như chúng ta đã biết xăng là mặt hàng quan trọng, thiết yếu đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và người dân.
Trong khi thuế tiêu thụ đặc biệt là điều chỉnh hành vi, nhà nước hạn chế sử dụng như: Thuốc lá, rượu bia, golf…hay là các mặt hàng xa xỉ, thế nhưng bản thân xăng không phải là mặt hàng xa xỉ, hạn chế sử dụng, nó cũng chưa có mặt hàng thay thế phù hợp để người dân, doanh nghiệp có thể có lựa chọn khác.
Cho nên tôi thấy việc đưa mặt hàng xăng vào Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, tức là muốn điều chỉnh hành vi, hạn chế sử dụng là không phù hợp.
Tuy nhiên lập luận của ban soạn thảo cho rằng xăng là nhiên liệu hóa thạch nên theo xu hướng bảo vệ môi trường, giảm phát thải thì việc đánh thuế là cần thiết, thế nhưng bản thân mặt hàng xăng cũng đã chịu thuế bảo vệ môi trường rồi.
Như vậy riêng mặt hàng xăng phải chịu 2 loại thuế khác nhau là thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt. Vì thế tôi cho rằng ban soạn thảo nên tập trung vào 1 sắc thuế là thuế bảo vệ môi trường, nên cân nhắc đưa xăng ra khỏi mặt hàng chịu sự điều chỉnh của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt lần này.
PV: Việc tiếp tục đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng sẽ tác động đến đời sống và sản xuất như thế nào, thưa ông?
Ông Đậu Anh Tuấn: Mặt hàng xăng là mặt hàng được sử dụng rộng rãi trong rất nhiều ngành khác nhau, không chỉ vận tải đường bộ, vận tải thủy mà còn trong sản xuất nông nghiệp, trong đánh bắt thủy hải sản...
Vì thế thuế đối với mặt hàng xăng lớn sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, chi phí đầu vào của các ngành hàng của VN, cho nên việc duy trì thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cũng là điều cần phải tính toán.
Có lẽ điều quan trọng là không nên đánh thuế chồng thuế, nghĩa là thuế bảo vệ môi trường cộng với thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tạo ra những cản trở lớn, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa VN, cho nên việc cân nhắc mức thuế phù hợp là điều cần phải tính đến.
PV: Xin cảm ơn ông.
PV: Thưa chuyên gia kinh tế PGS. TS Ngô Trí Long, trước 2 luồng ý kiến là tiếp tục áp thuế và không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, theo ông làm sao để giải quyết thấu đáo các vấn đề này?
Ông Ngô Trí Long: Hiện nay quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng cần phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt bởi nó là sản phẩm hóa thạch, là nguồn nguyên liệu hữu hạn. Tuy nhiên một số chuyên gia, nhà kinh tế lại cho rằng tuy xăng thải ra CO2, ảnh hưởng tới môi trường và đã có thuế bảo vệ môi trường rồi, đã có sắc thuế này thì không cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nữa.
Mặt khác xăng là mặt hàng thiết yếu đối với đời sống, sản xuất và an ninh quốc phòng thì không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thế nhưng quan điểm của Bộ Tài chính lại cho rằng một số nước họ cũng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Bây giờ chúng ta cần cân nhắc xem giá xăng dầu của mỗi quốc gia phụ thuộc vào 2 yếu tố là giá thế giới và chính sách tài chính của mỗi quốc gia. Có nghĩa là chính sách tài chính của mỗi quốc gia đánh vào các loại thuế đối với xăng, từ đó làm cho giá xăng dầu nước đó khác với các nước khác.
Trong bối cảnh hiện nay xăng là nguồn tiêu thụ rất lớn, hàng năm hơn 2 triệu tấn, nên nguồn thu cho ngân sách từ thuế tiêu thụ đặc biệt rất lớn. Cho nên Bộ Tài chính cho rằng nếu cơ quan nắm ngân sách quốc gia bỏ thuế này đi thì sẽ mất đi một lượng lớn nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Tôi cho rằng hiện nay xăng đang chịu 3 loại thuế là thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, thêm thuế tiêu thụ đặc biệt nữa là quá nhiều. Trong khí giá mặt hàng xăng dầu là một trong những mặt hàng quyết định mặt bằng giá, ảnh hưởng đến vấn đề lạm phát.
Theo tôi Bộ Tài chính cũng cần cân nhắc một cách thấu đáo vấn đề này, nếu có thuế này vào thì nó tác động như thế nào đến các DN và người tiêu dùng, từ đó làm cho mặt bằng giá như thế nào, cơ quan chức năng phải làm vấn đề đó.
PV: Xin cảm ơn ông.