Vỏ hộp sữa là một trong những loại rác khó thu gom, phát sinh hàng ngày với khối lượng lớn tại các trường học. Cách xử lý thông thường hiện nay nhiều trường thực hiện là bỏ ra xe rác để tránh bị bốc mùi.
Cô Hoàng Mai, cán bộ truyền thông trường Tiểu học Alaska, Cầu Giấy, Hà Nội ghi nhận sự thay đổi rất lớn của nhà trường trong việc thu gom vỏ hộp sữa sau khi có một đơn vị hỗ trợ tới thu gom đều đặn: "Cụ thể, sau khi cho học sinh uống thì cô giáo sẽ bóp hộp sữa cho xì hết hơi đi rồi vặn chặt nút cho đỡ bị mùi, sau đó sẽ cho vào bao tải mà Tagom mang đến, tập hợp ở đó 2 ngày Tagom sẽ đến lấy 1 lần mang ra khỏi trường.
Với cách làm này thì đúng là trường cũng không mất công sức gì mà cũng vẫn rất hiệu quả vì vỏ sữa được thu gom và mình được biết là tagom sẽ được mang đến tái chế tại các đơn vị chuyên nghiệp thành các sản phẩm khác nhau".
Vũ Đức Chung, trưởng nhóm Tagom cũng thừa nhận, vỏ hộp sữa là một trong những loại rác khó thu gom tại các trường học và quyết tâm giải bài toán khó này trước tiên là cho các nhà trường: "Lúc đầu mọi người rất quan ngại liệu Tagom có thu đều hay không hay như 1 số đơn vị khác thấy ít là bỏ. Tagom cũng đã thực hiện trong suốt 2 tháng duy trì đều đặn, khiến cho mọi người tham gia từ lo ngại đến có động lực hơn.
Tháng đầu tiên Tagom thu chỉ tầm 500kg, tháng thứ 2 là được khoảng hơn 1 tấn, và đến tháng này đã thu được hơn 2 tấn ở hơn 30 trường và hy vọng trong tương lai triển khai được nhiều hơn. Khi càng nhiều trường thì quá trình di chuyển sẽ được tiết kiệm hơn".
Bài toán thu gom đều đặn, kiên trì, năng nhặt chặt bị bước đầu đã được hơn 30 trường học và nhóm hỗ trợ thu gom Tagom thực hiện thành công. Những bước tiếp theo của bài toán chưa hẳn đã dễ dàng, nhưng chắc chắn hiệu quả mang lại từ việc thu gom, tái chế những vỏ hộp sữa này còn là động lực lớn cho nhiều trường học, nhiều học sinh bắt tay cùng hành động tốt hơn:
"Mình cũng bảo với bên Tagom là gặp nhau hơi muộn nhưng muộn còn hơn không. Sau khi có các bạn ấy, nhà trường cũng tự mình cảm thấy rất hiệu quả và từ trước tới nay mình làm như thế là chưa đúng, giờ có việc Tagom chung tay vào tái chế này thì nhà trường đang nghĩ tới các vỏ hộp sữa chua, vò hộp bánh làm thế nào để tái chế được những rác khó ấy hạn chế thải ra môi trường".
"Hiện tại Tagom đang suy nghĩ tới hướng kết hợp với các cô ve chai ở các địa phương gần đấy nhất, phối hợp với nhau để giảm nguồn lực, giúp các cô ve chai có thêm nguồn thu từ rác đó và bản thân các cô cũng không phải nhặt nhạnh bẩn thỉu gì cả mà có thể lấy ngay mang về tagom…".