Thông xe cầu Rạch Đĩa, giải tỏa ùn tắc và phát triển kinh tế

Ngày 28/11, cầu Rạch Đĩa nối quận 7 và huyện Nhà Bè (TP.HCM) chính thức thông xe, sớm hơn một tháng so với kế hoạch. Cây cầu mới này thay thế cho cầu Rạch Đĩa cũ bị xuống cấp nghiêm trọng, góp phần giảm ùn tắc, đảm bảo ATGT, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Nam TP.HCM.

Ngày 28/11, cầu Rạch Đĩa nối quận 7 và huyện Nhà Bè, TP.HCM đã chính thức thông xe, sớm hơn một tháng so với kế hoạch. Cây cầu mới này được thay thế cho cầu Rạch Đĩa cũ bị xuống cấp nghiêm trọng, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực, đảm bảo an toàn giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Nam TP.HCM.

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM và ông Võ Phan Lê Nguyễn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè (TP.HCM).

Người dân hai địa phương, quận 7 và huyện Nhà Bè, phấn khởi vui mừng qua lại sau khi cầu Rạch Đĩa được thông xe sáng nay

PV: Ông có thể cho biết tình hình giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố sau khi đưa vào vận hành và khai thác một số công trình giao thông?

Ông Lương Minh Phúc: Với việc chúng ta thông xe cầu Rạch Đĩa hôm nay và cầu Phước Long vào cuối tháng 12, nhánh HC1 giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ hoàn thành toàn bộ dự án cũng vào cuối năm nay, cùng với một phần đường Song Hành Quốc lộ 50 trước Tết Nguyên Đán.

Trong tương lai, chúng ta sẽ tiếp tục triển khai đoạn đấu nối của Quốc lộ 50 vào đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Khi đó, cục diện giao thông của cửa ngõ phía Nam thành phố chắc chắn sẽ được cải thiện đáng kể, và tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực này cũng sẽ được giảm bớt.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông TP.HCM, phát biểu tại lễ thông xe cầu Rạch Đĩa.

PV: Cầu Rạch Đĩa có thể nói là một trong những công trình được triển khai thi công và hoàn thành rất nhanh, chỉ trong hơn 1 năm. Vậy ông có thể cho biết chúng ta đã làm gì để đạt được kết quả này?

Ông Lương Minh Phúc: Từ cầu Rạch Đĩa này, tôi nghĩ rằng có hai bài học. Thứ nhất, trong công tác giải phóng mặt bằng, quận 7 và Nhà Bè đã phối hợp rất tốt, vào cuộc rất quyết liệt. Các anh chị em ở Ban Bồi thường, cùng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban và các tổ công tác, đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho 96 trường hợp trong vòng 1 năm. Đến tháng 9 năm vừa rồi, 100% mặt bằng đã được bàn giao.

Thứ hai, sau khi có mặt bằng, các đơn vị thi công đã rất cố gắng, triển khai công việc trong điều kiện vừa thi công, vừa tháo dỡ cầu cũ, vừa tổ chức giao thông. Đây là một bài học lớn, cho thấy rằng khi có sự quyết tâm và mặt bằng được bàn giao 100%, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát tiến độ và hoàn thành công trình sớm hơn dự kiến.

Tôi mong rằng hai bài học này sẽ được nhân rộng tại các địa phương khác, giúp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và hoàn thành các công trình giao thông một cách hiệu quả hơn.

Thông xe cầu Rạch Đĩa sẽ góp phần phát triển kinh tế, xã hội huyện Nhà Bè, TP.HCM trong thời gian tới

PV: Trên trục đường Lê Văn Lương hiện nay vẫn còn 2 cây cầu sắt đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện. Vậy chúng ta sẽ triển khai thay thế chúng như thế nào, thưa ông?

Ông Lương Minh Phúc: Trên trục đường Lê Văn Lương, chúng ta có bốn cây cầu yếu cần phải thay thế, đó là cầu Rạch Đĩa, cầu Long Kiểng, cầu Rạch Tôm, và cầu Rạch Dơi. Chúng ta đã hoàn thành cầu Long Kiểng vào năm 2023 và hiện tại đã hoàn thành cầu Rạch Đĩa. Đối với cầu Rạch Tôm, dự kiến khởi công vào ngày 30 tháng 4 năm 2025. Song song đó, chúng ta cũng đang phấn đấu để cầu Rạch Dơi được khởi công vào cuối năm 2025.

Như vậy, từ nay đến hết năm 2025, các công trình của 4 cây cầu này sẽ được hoàn thành hoặc khởi công, góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu giải quyết 4 cây cầu yếu trên trục đường Lê Văn Lương.

Cầu Rạch Đĩa dài 318 m, rộng khoảng 9 - 10,5 m, gồm 2 làn đường, được khởi công vào tháng 7-2023 với tổng mức đầu tư hơn 500 tỉ đồng
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, tham dự lễ thông xe cầu Rạch Đĩa, nối quận 7 và huyện Nhà Bè, TP.HCM

PV: Xin chào ông Võ Phan Lê Nguyễn, việc thông xe cầu Rạch Đĩa hôm nay sẽ giúp địa phương huyện Nhà Bè giảm ùn tắc giao thông tại khu vực cửa ngõ, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế như thế nào, thưa ông?

Ông Võ Phan Lê Nguyễn (Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè (TP.HCM): Có thể nói, cầu Rạch Đĩa là một trong bốn cây cầu huyết mạch trên đường Lê Văn Lương mà người dân đã mong chờ từ rất lâu. Việc thông xe cây cầu hôm nay cũng là dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng ền Nam. Việc thông xe cầu Rạch Đĩa sẽ giúp giải quyết ách tắc giao thông tại cầu Rạch Đĩa 1 và điểm nghẽn của tuyến Nguyễn Hữu Thọ.

Thứ nhất, về giao thông, điểm nghẽn tại Rạch Đĩa 1 sẽ được giải quyết, góp phần cải thiện lưu thông cho khu vực. Thứ hai, về phát triển kinh tế, sau khi hoàn thành cầu này, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng cầu Rạch Tôm và cầu Rạch Dơi, tạo sự kết nối thông suốt giữa Long An và Nhà Bè cũng như các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, cây cầu này sẽ giúp khu vực phía Tây của xã Phước Kiển trở nên thông thoáng hơn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

PV: Xin cảm ơn ông.