Thiếu thuốc, vật tư y tế: Trung tâm mua sắm tập trung và quy định đấu thầu riêng có giải quyết được?

Ngành Y tế Việt Nam đối mặt với tình trạng “thiếu” thuốc, vật tư tiêu hao, sinh phẩm khám chữa bệnh trầm trọng. Người bệnh như đang ngồi trên đống “lửa” khi liên tục bỏ tiền túi mua thuốc thay vì như trước đây được bảo hiểm thanh toán.

Chị Phạm Ngọc Thanh Tâm (38 tuổi, ngụ TP.HCM) là phụ huynh của 3 con nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng, khi đưa trẻ đến Viện Pasteur TP.HCM để chích ngừa thường quy thì được thông báo hết thuốc. Tưởng chừng câu chuyện thiếu thuốc chỉ cục bộ ngắn hạn, song việc chích ngừa chậm trễ đến 3 tháng gia đình phải chuyển sang đi tiêm dịch vụ.

Gần như liên tục những phản ánh đến báo chí về vấn đề thiếu thuốc, qua khảo sát phóng viên ghi nhận tình trạng một số viện còn thiếu cả sinh phẩm xét nghiệm, vật tư tiêu hao để phục vụ khám chữa bệnh.

Điều này thật sự đáng báo động, và câu hỏi điểm ngẽn đang ở đâu và hướng ra cho câu chuyện “thiếu thuốc” đến bao giờ hết.

Việt Nam đang đối mặt với tình trạng “thiếu” thuốc. Ảnh nh họa

Cần những quy định riêng cho đấu thầu hàng hóa y tế

TS. BS Nguyễn Tri Thức - Giám đốc BV Chợ Rẫy

Mong muốn có một quy định riêng đấu thầu trong ngành y tế.

Mặt hàng phục vụ sức khỏe người bệnh không thể đánh đồng như tất cả những hàng hóa khác vì nó liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người".
TS. BS Nguyễn Tri Thức - Giám đốc BV Chợ Rẫy

Đại biểu quốc hội, TS.BS Nguyễn Tri Thức, giám đốc BV Chợ Rẫy thừa nhận rằng, tình trạng thiếu thuốc là có. Song, cái đáng lo thêm là thiếu cả vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất khi nhiều bệnh viện bắt đầu cạn kho mà việc đấu thầu vẫn chưa thông, hoặc việc đợi chờ gói thầu vừa thông phải 2-3 tháng nguồn thuốc mới về thì các bệnh viện thật khó khăn.

Bác sĩ Thức cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân như: 'Sau dịch ngành phải lo nhiều vấn đề gọi là hậu COVID-19 mà ngoài người bệnh rất nhiều vấn đề quan trọng chúng ta phải giải quyết. Do đó, cũng góp phần dẫn đến làm cho công tác và tốc độ đấu thầu bị chậm.

Thứ hai là phải có một cái cách nhìn về cái giá trong đấu thầu tại vì giá rẻ nhất hay là giá phù hợp nhất. Đó là vấn đề chúng ta phải giải quyết. 

Thứ ba là ngành mong muốn sẽ có một quy định riêng đấu thầu trong ngành y tế. Mặt hàng phục vụ cho sức khỏe người bệnh, không thể đánh đồng với tất cả những hàng hóa khác trong xã hội được vì nó liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người'.

'Đặc biệt, hiện một số tiêu cực trong ngành y nên vấn đề liên doanh, liên kết trong bệnh viện bị dừng lại. Nhưng dừng lại là cũng có nhiều lý do, chứ cũng không phải do phía bệnh viện mà cũng có một phần do các công ty chủ động dừng thì dẫn đến thiếu trang thiết bị y tế', Bác sĩ Thức nhấn mạnh và mong mỏi ngoài có quy định riêng phải có những tình huống khẩn cấp đặc thù riêng cho ngành y tế: 

“Hiện, pháp luật có đầy đủ các quy định về mua sắm y tế và quy định rất chặt chẽ. Nhưng khi áp dụng vào thực tế, có những lúc đối với những hoàn cảnh mà đặc biệt gấp gáp trong trong ngành Y thì vẫn chưa phù hợp.

Bây giờ cần là cần những quy định đấu thầu riêng cho hàng hóa y tế. Cái thứ hai là cần những quy định chặt chẽ riêng cho liên kết rõ ràng để cho các cơ sở bắt đầu triển khai  trong khuôn khổ của pháp luật mà không lạm thu người bệnh”.

Trung tâm mua sắm tập trung

Tôi nghĩ rằng cũng không có gì khó khăn cho trung tâm mua sắm nếu như mình thực hiện đúng theo cái hướng dẫn của Luật đấu thầu”.
PGS. TS. BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương

TP.HCM đang xây dựng đề án thành lập trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế thành phố. Song, liệu rằng trung tâm mua sắm đấu thầu tập trung của Sở Y tế lần này có thực hiện đúng được nhiệm vụ là cung ứng được thuốc, vật tư tiêu hao và trang thiết bị y tế kịp thời cho 117 bệnh viện hay không.

Nếu đây là giải pháp cho cơn “khát” thuốc thì giải quyết được bao mong mỏi của cơ sở y tế lẫn người bệnh.

Theo PGS. TS. BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương, việc có 1 trung tâm mua sắm tập trung sẽ giảm tải cho các khoa dược bệnh viện, giúp đơn vị làm công tác chuyên môn lâm sàng hơn là quanh năm cắm mặt lo đấu thầu.

“Thật ra thì đấu đầu có nhiều hình thức như đấu thầu rộng rãi, rồi chỉ định thầu thì tùy theo tình huống khẩn cấp có sự phê duyệt của các thẩm quản lý có thẩm quyền thì mình vẫn có thể là mua sắm, chỉ định thầu hoặc là thậm chí mua trực tiếp để đáp ứng cho cái việc mà điều trị.

Ví dụ như trong đợt dịch vừa qua thì UBND, Thành ủy cũng chỉ đạo cho phép là chỉ định thầu.

Tôi nghĩ rằng cũng không có gì khó khăn cho trung tâm mua sắm nếu như mình thực hiện đúng theo cái hướng dẫn của Luật đấu thầu”, PGS TS. BS Hoàng Thị Diễm Tuyết nói.

Khi đặt câu hỏi rằng, có chăng nhiều bệnh viện, lãnh đạo bị vướng lao lý trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị đâm ra tâm lý e ngại và sợ. Đó là một phần dẫn đến chậm đấu thầu thiếu thuốc.

Vừa qua Thủ tướng  có chỉ đạo giao Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo xử lý, tổ chức cuộc họp trực tuyến toàn quốc và triển khai nhiều giải pháp để sớm khắc phục tình trạng thiếu thuốc cho người bệnh.

Quan điểm của bác sĩ Nguyễn Tri Thức rằng, trong ngành y thì nó hay có những cái tình huống khẩn cấp. “Tôi lấy ví dụ như khi khẩn cấp chúng ta mua sắm cũng khẩn cấp. Như vậy là bây giờ mình  nên quy định giả sử như là như thế nào thì là khẩn cấp? Và cấp nào thì được xác định đó là khẩn cấp.

Từ đó căn căn cứ mình được phép áp dụng những hình thức khẩn cấp phục vụ cho người bệnh. Nếu có những quy định chặt chẽ, sẽ giúp người làm công tác quản lý y tế sẽ an tâm”, BS Thức nhấn mạnh.

Trong kết luận 14 của Bộ Chính trị, quy định việc bảo vệ người dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung. Những tình huống tuy chưa có được quy định bởi những quy định trước pháp luật nhưng lại đáp ứng khẩn cấp với tình hình hiện tại của một cơ quan, đơn vị.

Nếu đơn vị cấp ủy hoặc cấp trên có thể xác nhận tình huống khẩn cấp và cho phép mua sắm thì mới tháo gỡ điểm ngẽn trong việc mua sắm thuốc từ đây về sau.